18/01/2025 | 17:21 GMT+7, Hà Nội

Vụ STDA chế bài hát Quốc ca: Phải xem đây là hành vi vi phạm hình sự

Cập nhật lúc: 25/10/2015, 01:37

Theo NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Quốc ca không được đem ra để xâm phạm, với hành vi vi phạm này về mặt pháp luật cần phải xem như là một vi phạm mức độ hình sự, bởi vì chế định về vấn đề Quốc ca đã được quy định trong Hiến pháp.

Từ bao lâu nay, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào và xúc động khi cất tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng. Thế nhưng mới đây, một doanh nghiệp lại “biến” Quốc ca thiêng liêng thành “đơn vị ca” khiến cho dư luận bức xúc. Việc thay đổi, sửa lời bài hát thành lời hát về đơn vị mình là hành động không thể chấp nhận.

Hơn nữa, đơn vị này còn chủ động cho nhân viên hát nơi công cộng càng đáng phải phê phán. Nhiều ý kiến cho rằng việc làm này là thiếu văn hóa, phản cảm, vô ý thức, vi phạm pháp luật gây tổn thương đến lòng tự hào chung của dân tộc...

Trước đó, hàng trăm nhân viên của hệ thống siêu thị bất động sản STDA (Cen Group) khu vực phía Nam đã dự lễ kỉ niệm 13 năm thành lập tại khu du lịch Bình Qưới 1. Điều đáng nói là trong lễ kỉ niệm, đích thân vị lãnh đạo của đơn vị này đã bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát chế nội dung bài Quốc ca một cách tùy tiện.

Trong đó có đoạn sửa rất phản cảm, biến lời bài hát nói về đơn vị mình như “Đoàn quân nhà Cen đi/ Chung lòng chốt chốt… Hay Lòng ta vững chí ra biển lớn/Sóng dù to ta cũng sẽ vượt qua/ Mười ba năm quyết chí không ngừng/ Biết bao nhiêu anh tài/ Tiến lên/ Cùng tiến lên/ Chúc cho nhà Cen ta, vững bền… Ấy vậy mà vị lãnh đạo công ty này biện minh rằng “hát cho vui” (?!).

Dư luận bất bình bởi doanh nghiệp có thái độ ứng xử thiếu văn hóa đối với Quốc ca thiêng liêng của dân tộc. Chị Mai Hoa, Q1.TP.HCM bức xúc: “Quốc ca là giá trị thiêng liêng mà mỗi khi cất lên tiếng hát ai cũng cảm thấy tự hào, xúc động.

Thật không thể chấp nhận bất cứ cá nhân, tổ chức nào lại dùng Quốc ca vào mục đích thương mại hay cá nhân. Đằng này một doanh nghiệp lại sửa lời, chế nội dung bài hát thành của đơn vị mình là hành động thiếu ý thức, cần phải xử lý để làm gương”.

Hàng trăm nhân viên kinh doanh của hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA xếp hàng hát

Hàng trăm nhân viên kinh doanh của hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA xếp hàng hát "Cen ca".

Một thực khách cũng thẳng thắn chia sẻ rằng :“Thật không thể chấp nhận được hình thức sáng tác của công ty này, Quốc ca là bái hát của cả nước, ai cũng đều có quyền tự hào về nó, thế mà công ty này lại đưa ra làm trò đùa. Ngay từ lần đầu nghe trong lúc khai mạc nhiều người đã tỏ ý phản đối”.

NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: “Chúng tôi đồng tình với quan điểm Quốc ca không được đem ra để xâm phạm. Dù là với mục đích gì hoặc là những câu chữ trong đó nó cũng không mang tính phản động, phản cảm thì cũng không được phép.

Vì thế tôi cho rằng với hành vi vi phạm này về mặt pháp luật cần phải xem như là một vi phạm mức độ hình sự.

Bởi vì chế định về vấn đề Quốc ca đã được quy định trong Hiến pháp các nước. Đây là chế định đã được hiến định, tức là đã được quy định trong một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của đất nước, được bảo vệ ở một cấp độ rất cao, vì thế mà Quốc ca thì không thể bị xâm phạm vì bất cứ lý do gì.

 Nhưng hiện nay chúng ta chưa có tiền lệ về xử phạt cho hành vi vi phạm này, nhưng cơ sở pháp lý để xử phạt cho vấn đề này, thì đây là một nội dung đã được quy định trong Hiến pháp của VN và cũng là quy định trong Hiến pháp của rất nhiều nước.

Quốc ca cũng giống như vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia. Chính vì thế pháp luật VN dần dần cần phải tiến tới việc bổ sung khung hình phạt đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng tương tự như trên.

Tại Trường ĐH Luật TP.HCM, vào mỗi sáng thứ Hai đầu tuần thì toàn thể Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên, người lao động và sinh viên đều phải tham gia nghi thức chào cờ và hát Quốc ca một cách nghiêm trang.

Nề nếp này đã được nhà trường xây dựng và duy trì từ lâu nay, là một hình thức thể hiện và giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; bên cạnh đó là giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần tuân thủ pháp luật của mỗi người công dân VN, đặc biệt là đối với sinh viên”.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Đức Trung cho rằng: “Chúng ta luôn tôn trọng những sáng tạo của các nghệ sĩ, việc lấy một bài hát của nhạc sĩ chế thành lời mới là không nên, trừ khi tác giả đồng ý. Trước đây có doanh nghiệp đã từng lấy bài hát “Giải phóng quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chế lời cho nhân viên hát là sai và gây phản ứng dư luận.

Càng tuyệt đối không nên lấy Quốc ca linh thiêng nhất của dân tộc để sửa, chế lời. Điều này thể hiện là những người thiếu ý thức, không tôn trọng và không hiểu biết về Quốc ca dân tộc.

Đã không tôn trọng giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc, của mỗi con người thì làm sao còn biết tôn trọng những thứ khác. Hành động này nói chính xác hơn là đã phạm pháp”.

Theo bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó GĐ Sở VHTT TP.HCM thì: “Quốc ca là một biểu trưng của dân tộc, không thể mang ra đùa cợt, mang trêu đùa cho vui được. Lạ là doanh nghiệp lại mang ra không gian cộng đồng, đích thân Tổng giám đốc lại là người bắt nhịp cho nhân viên hát chế thì càng khó chấp nhận.

Đó là sự giễu cợt, vi phạm vào việc quản lý văn hóa ở cộng đồng. Giả sử những vi phạm đó chưa đưa vào luật nhưng sự xuyên tạc này đã xúc phạm vào những điều linh thiêng nhất của nhân dân, Tổ quốc. Điều này chứng tỏ ý thức văn hóa, chính trị quá kém. Không thể bào chữa rằng là mình không sai, chỉ là đùa cho vui… Mang Quốc ca ra làm trò đùa vui là điều không chấp nhận được”.

TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Theo ý kiến của tôi thì những biểu tượng quốc gia như Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là những vấn đề không được quyền thay đổi, xâm phạm, không được làm méo mó, xuyên tạc… Tất cả các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng và tuân thủ điều đó. Cần khẳng định rằng việc sửa lời Quốc ca là không được quyền chứ không phải là không nên làm.

Theo tôi cần thiết phải bổ sung một số điều luật liên quan đến nội dung này, bởi vì đó không chỉ là vấn đề xâm phạm về văn hóa, thể diện quốc gia.

Các nhà làm luật cần nghiên cứu những quy định, chế tài cho những hành động vi phạm này. Trong giai đoạn khi mà chưa có luật, thì cái quan trọng nhất vẫn là nhắc nhở, còn bản thân mỗi công dân phải có ý thức, trách nhiệm. Không phải vấn đề gì chúng ta cũng phải có chế tài nhưng mà đây là vấn đề đã xảy ra, cho nên cần có những chế tài cụ thể”.

Ngày 23/10, bên lề cuộc họp Quốc hội nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tỏ ra bức xúc không biết được thông tin ông Trần Minh Long – Tổng Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản STDA khu vực phía Nam đứng lên bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát chế lời Quốc ca tại khu du lịch Bình Quới 1, Q. Thủ Đức, TP. HCM vào hôm 15/10.

ĐBQH tỉnh Bình Thuận – Hà Minh Huệ cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiến hành xem xét, xử lý nghiêm túc để đảm bảo sự tôn nghiêm của những giá trị tinh thần linh thiêng như Quốc ca.

Còn ông Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai nói: “Việc chế lời bài hát Quốc ca là không chấp nhận được. Đây là sự thiếu ý thức. Sự việc đã xảy ra rồi nhưng cần tạo một dư luận để nhắc nhở mọi người không nên có những hành động như vậy”.

Được biết, Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch cũng đã vào cuộc xử lý vụ việc. Theo điều tra ban đầu, người chế Quốc ca thành bài “Cen ca” là ông Trần Minh Long – người đứng đầu STDA khu vực phía Nam.

"Hiện chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh xử lý nghiêm túc vấn đề này", ông Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch nói. 

Người đứng đầu ngành văn hóa thể thao và du lịch cũng khẳng định, Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca là 3 tam bảo của quốc gia, đã được quy định rõ trong Hiến pháp 2013 nên không có chuyện xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy bị xử lý mà Quốc ca thì không bị xử lý.

Trong khi đó, nhiều luật sư cũng lên tiếng cho rằng hành vi chế lời Quốc ca đã vi phạm pháp luật.

Trước đó, ông Trần Minh Long xác nhận với báo chí có chuyện cùng nhân viên hát "Cen ca" trong chiều 15/10, tuy nhiên ông cho rằng sự việc chưa đến mức trầm trọng.

"Buổi chiều anh em có hát vui, chế lời một hai câu, có làm rầm rộ gì đâu. Nội dung có ý động viên anh em cùng tiến lên... rồi 'chốt' giao dịch, như công việc của chúng tôi. Tuy nhiên tôi sẽ cho kiểm tra lại", ông Long giải thích.

 

Trước đó, như đã thông tin, chiều 15/10, khoảng 500 nhân viên thuộc hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam có mặt tại khu du lịch Bình Quới 1 để dự lễ kỷ niệm 13 năm thành lập.

Đến 13h30, hàng trăm nhân viên dưới phần lĩnh xướng của ông Trần Minh Long - Tổng giám đốc phía Nam đã hát bài “Cen ca” trên nền nhạc Quốc ca.

Nội dung bài hát chế lời rất tùy tiện và phản cảm. Điển hình là đoạn “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc" được sửa thành “Đoàn quân nhà Cen đi/Chung lòng chốt chốt” (thể hiện quyết tâm chốt hợp đồng giao dịch)…

Các đoạn bị sửa tùy tiện khác như: Lòng ta vững chí ra biển lớn/Sóng dù to ta cũng sẽ vượt qua/Mười ba năm quyết chí không ngừng/Biết bao nhiêu anh tài/Tiến lên/Cùng tiến lên/Chúc cho nhà CEN ta/Vững bền!

Điều đáng nói, việc hát lời bài hát giữa nơi công cộng của lãnh đạo và nhân viên hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA đã gây bất bình cho người chứng kiến và dư luận xã hội.

Ngay sau khi nhận được phản ảnh, ngày 19/10, cán bộ điều tra thuộc cơ quan an ninh điều tra (Công an TP.HCM) đã tiếp xúc với PV để xác minh nội dung, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc.

Dự kiến trong tuần này, cơ quan an ninh sẽ mời lãnh đạo hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA (đơn vị tổ chức) hát lên truy hỏi nhằm xác định nguồn gốc cũng như tác giả của bài hát "chế" để có cơ sở xử lý.

Theo thông tin trên tờ VietNamNet, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 13 năm thành lập, trước đó vài ngày nhân viên hệ thống siêu thị này đã nhận được mail nội bộ, yêu cầu học thuộc lòng bài “Cen ca” - dự kiến sẽ được hát trong lễ kỷ niệm.

Thậm chí trước giờ khai mạc chương trình, bài hát này còn được tập dượt nhiều lần trước khi được hát chính thức lúc 13h30 ngày 15/10.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.