20/01/2025 | 09:53 GMT+7, Hà Nội

Vụ phá hủy công viên nước Thanh Hà và cái tâm của người lãnh đạo

Cập nhật lúc: 16/02/2020, 07:20

Với tất cả những gì còn sót lại sau vụ cưỡng chế ở công viên nước Thanh Hà, quận Hà Đông (Hà Nội) thì chỉ có thể gọi đây là vụ phá hủy. Vậy, tại sao chính quyền quận Hà Đông lại làm như thế?

Sự việc tóm tắt như sau: Quần thể công viên nước, bể bơi bốn mùa và nhà thi đấu đa năng được coi là lớn nhất Thủ đô do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (gọi tắt là Công ty Cienco 5) đầu tư xây dựng tại Lô A2.2 CCĐT01, Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, với vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Công viên được xây dựng từ cuối năm 2018 và đến ngày 10/6/2019 thì mở cửa đón khách. Tuy nhiên sau đó xảy ra hai vụ trẻ em đuối nước vào tháng 6 và tháng 9/2019 nên công viên này tạm dừng hoạt động.

Trước đó, ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông (Đội QLTTXDĐT) kiểm tra phát hiện sai phạm và ngày 8/1/2019 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Cienco 5 về hành vi vi phạm “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”. Ấy thế nhưng, công trình vẫn tiếp tục xây dựng và tháng 6/2019 đi vào hoạt động như trên đã nói. Sự việc bẵng đi cho đến 18/11/2019, tức là hơn 10 tháng sau khi lập biên bản vi phạm, Đội QLTTXDĐT mới làm việc với Công ty Cienco 5 và ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông ra quyết định số 4725/QĐ-KPHQ buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình xây dựng vi phạm trong 15 ngày. Ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông ra tiếp quyết định số 5079/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình trong thời hạn 15 ngày, nếu không sẽ cưỡng chế. Ngày 9/1/2020, UBND phường Phú Lương ra thông báo số 08/TB-UBND thực hiện cưỡng chế.

Trong thời gian này, Công ty Cienco 5 cho biết vẫn thực hiện tháo dỡ nhưng do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ bảo đảm không hư hỏng để có thể sử dụng tiếp ở công trình khác tránh lãng phí khối tài sản lớn. Tuy nhiên, do Tết Nguyên đán cận kề, công nhân nghỉ Tết nên không tháo dỡ kịp. Mặt khác, Công ty không thể mời được chuyên gia, thợ kỹ thuật của nhà thầu Trung Quốc sang thực hiện tháo dỡ. Do đó, Công ty cam kết thực hiện nghiêm quyết định tháo dỡ nhưng xin UBND quận Hà Đông gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 15/1/2020, UBND phường Phú Lương đã huy động lực lượng và máy móc thực hiện cưỡng chế. Các hạng mục, thiết bị bị phá hủy, công viên Thanh Hà chỉ còn là một đống đổ nát và theo Công ty Cienco 5, “toàn bộ tài sản mà công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều đã bị đập phá, hủy hoại và không còn giá trị sử dụng”.

Ảnh: Zing.vn

Trong vụ việc này, điều đầu tiên phải khẳng định, hành vi vi phạm, xây dựng công trình không phép của Công ty Cienco 5 là quá rõ ràng và việc xử lý của chính quyền quận Hà Đông là cần thiết.

Dư luận nhìn chung ủng hộ việc xử lý công trình xây dựng không phép của chính quyền quận Hà Đông, tuy nhiên nhiều ý kiến không khỏi băn khoăn về cách thức cưỡng chế, liệu đã thấu tình đạt lý?

Một công trình tiến hành xây dựng trong thời gian dài, chính quyền quận biết nhưng từ khi phát hiện vi phạm vẫn không có biện pháp ngăn chặn. Sau khi phát hiện sai phạm, phải tới 10 tháng sau, khi công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động một thời gian dài mới thực hiện biện pháp ngăn chặn. Đến lúc này, các biện pháp được đưa ra hết sức gấp gáp, trong một thời điểm rất nhạy cảm là khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Trong khi đó, lý do chậm thực hiện tháo dỡ theo quyết định của quận mà chủ đầu tư đưa ra để xin gia hạn không phải là không có cơ sở, nhưng lại không được xem xét và giải quyết một cách thấu đáo.

Cần phải nói, đây là công trình xây dựng sai phạm nhưng không gây tổn hại cho cá nhân, tổ chức nào; hành vi vi phạm cũng không gây nguy hiểm cho xã hội. Với vốn đầu tư 200 tỷ đồng là cả một khối tài sản lớn, cho dù là doanh nghiệp sai phạm thì đây cũng là tài sản xã hội. Nếu thực sự có tâm, chính quyền quận Hà Đông có thể xem xét và khi thấy lý do chính đáng, hoàn toàn có thể cho doanh nghiệp kéo dài thời gian tháo dỡ vì những nguyên nhân khách quan mà doanh nghiệp đã nêu. Nếu hết thời hạn do doanh nghiệp đề nghị, chính quyền tiến hành cưỡng chế cũng vẫn kịp, doanh nghiệp hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Hoặc nếu tiến hành cưỡng chế gấp gáp như thế, nhưng tháo dỡ chứ không phải phá hủy, để các thiết bị còn có thể sử dụng lại được, thì tôi tin một điều, chính quyền không những không mất gì, mà chỉ có được, đó là được lòng dân. Còn đang tâm hủy hoại cả một khối tài sản lớn như thế, thì không cứ chủ đầu tư, mà bất cứ một người có lương tâm nào cũng thấy xót xa.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 12/2/2020, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định, quận đã làm đúng thủ tục theo quy định của pháp luật.

Dư luận chắc cũng tin, UBND và ông Chủ tịch quận Hà Đông cũng đã tính toán rất kỹ trước khi cho cưỡng chế phá hủy các hạng mục vi phạm, làm sao cho đúng pháp luật. Duy chỉ có một điều, không biết đã được tính đến chưa, đó là cái tâm của người cầm cân nảy mực.

Pháp luật phải nghiêm. Nhưng người dân rất cần “nghiêm” phải đi liền với “minh”. Và càng cần hơn sự nghiêm minh phải xuất phát từ cái tâm của người lãnh đạo