Vụ nghi vấn bếp Canzy "nhập nhèm" nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm: “Nước cờ né tránh báo chí chờ chìm xuồng”!
Cập nhật lúc: 21/03/2019, 11:00
Cập nhật lúc: 21/03/2019, 11:00
Cụ thể, ngay sau khi nhận được những phản ánh của khách hàng về việc người tiêu dùng đang vô cùng hoang mang khi cùng 1 loại bếp của thương hiệu Canzy nhưng lại có đến mấy "nguồn gốc" khiến bạn đọc đặt dấu hỏi về xuất xứ cũng như chất lượng thật sự của bếp Canzy khi "quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo", PV đã liên hệ với bà Thanh Hoa - Giám đốc Công ty Cổ phần Canzy Việt Nam đề nghị một buổi làm việc trực tiếp để cung cấp những thông tin chính xác nhất tới bạn đọc, tuy nhiên, thay vì xác nhận nguồn gốc sản phẩm, bà Hoa lại từ chối với lý do bận công tác và hẹn lại sau. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi PV liên hệ lại thì không nhận được bất cứ phản hồi nào từ lãnh đạo của thương hiệu Canzy.
Trên thị trường hiện nay, việc hàng giả, hàng nhái tràn ngập đã dấy vốn lên nhiều lo ngại trong cộng đồng người tiêu dùng. Một thương hiệu lớn khi cung cấp sản phẩm cần phải đảm bảo được 2 yếu tố quan trọng nhất là nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Đối với một sản phẩm được nhập khẩu, phía công ty phải đảm bảo được các giấy tờ như giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó, tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu, mục đích là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về XNK của hai nước nhập và xuất khẩu (nghĩa là không phải hàng lậu hay hàng trôi nổi không có nhà sản xuất rõ ràng) và C/Q là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Mục đích của C/Q là chứng minh hàng hóa đạt chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố kèm theo hàng hoá.
Trong khi đó, quay lại với sự việc trên, số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để mua một chiếc bếp từ là không hề nhỏ, nên yếu tố đầu tiên họ quan tâm đến chính là nguồn gốc sản phẩm đó có rõ ràng hay không, chất lượng thực tế như thế nào. Vậy mà, trước những phản ánh, hoang mang, hoài nghi, của người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ thật sự của sản phẩm bếp từ Canzy, đại diện dòng sản phẩm này lại có thái độ im lặng, "né tránh" báo chí, khiến dư luận càng dấy lên nghi vấn về sự "nhập nhèm" nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm thuộc công ty Cổ phần Canzy Việt Nam.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, mặc dù được quảng cáo là sản phẩm "Made in Italy" nhưng trên thị trường hiện nay xuất hiện các dòng sản phẩm bếp Canzy với xuất xừ từ các nước như Tây Ban Nha, Malaysia, Trung Quốc, Ý, Thái Lan,... khiến người tiêu dùng hoang mang và hoài nghi, không biết đâu mới là "cha đẻ" thực sự của dòng sản phẩm này.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004, thì: “1. Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. 2. Cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn quy định tại khoản 1 Điều này”.
Điểm a, khoản 3, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công,... |
Chúng tôi đề nghị đại diện công ty Cổ phần Canzy Việt Nam lên tiếng, xác minh nguồn gốc thật sự của dòng sản phẩm này nhằm đảm bảo quyền lợi hơp pháp cho người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.
01:01, 30/12/2017
09:36, 26/07/2016
07:06, 26/07/2016