Vụ Hà Nội thu hơn 13 tỷ rồi không làm đường: Có thể khởi kiện hành chính
Cập nhật lúc: 02/11/2018, 03:31
Cập nhật lúc: 02/11/2018, 03:31
Nguyên đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội bà Bùi Thị An.
Về vụ "Hà Nội “ỉm” hơn 13 tỷ, 3 đơn vị của Bộ Y tế phải thuê đường vào cơ quan suốt 5 năm”, luật sư Ngọc Minh cho biết, theo hồ sơ, mỗi tháng các cơ quan của Bộ Y tế phải chi 10 triệu đồng để thuê đường vào, mỗi năm mất 120 triệu.
Số tiền này trong 5 năm là không nhỏ, đây chính là thiệt hại hoàn toàn có thể chứng minh được bằng các con số và tiền này là tiền ngân sách.
Khi chứng minh được thiệt hại thì bên bị hại hoàn toàn có quyền khởi kiện hành chính cơ quan nhà nước gây ra thiệt hại, có thể là Ban Quản lý dự án quận, UBND quận Cầu Giấy, thậm chí là UBND TP Hà Nội.
Luật sư Ngọc Minh cho rằng, với số tiền 13 tỷ đồng trong 5 năm mà cơ quan Bộ Y tế đã nộp nhưng UBND TP Hà Nội không chi để xây dựng hạ tầng cho cơ quan nộp tiền thì có thể yêu cầu phải trả lãi suất cho ngân sách.
Tiền bồi thường lấy từ những đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thực thi nhưng không làm dẫn đến chậm trễ.
“Ở đây không đơn giản là thiệt hại về kinh tế, việc 3 cơ quan nhà nước không có đường vào còn ảnh hưởng đến công tác công vụ phục vụ nhân dân. Đối tượng ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong gần 1.000 cán bộ của 3 cơ quan mà người dân, các cơ quan, tổ chức khác cũng bị ảnh hưởng khi đến giao dịch hoặc thực thi công vụ tại tòa nhà này” – Luật sư Ngọc Minh nói.
Đường vào tòa nhà Tổng cục Dân số được thi công nửa vời gần 10 năm và đang được quây tôn chắn ngang.
Cũng nói về sự việc khó tin này, nguyên đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - bà Bùi Thị An cho rằng, cần phải xoáy vào trách nhiệm của Ban Quản lý dự án quận, vì đây là cơ quan thay mặt thành phố làm chủ đầu tư.
Còn trách nhiệm cao nhất vẫn là của UBND TP Hà Nội làm không đúng gây ảnh hưởng tới Bộ, ngành. Hà Nội cần phải xác định là vụ việc đang vướng mắc ở đâu để xử lý.
“Như vậy, không biết là đang vướng mắc ở đâu, đề nghị cần làm rõ. Cái này không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan của cơ quan nhà nước mà còn ảnh hưởng tới giao dịch của người dân, tổ chức” – bà An nói.
Về sự ì ạch của Hà Nội, gần đây, tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển", sáng 17/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo: "Bên cạnh một số thành quả đạt được, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trực diện của môi trường đầu tư, chỉ số tiếp cận đất đai, thủ tục nộp thuế vẫn còn phiền hà… Hà Nội nay đã khác. Câu hay nói "Hà Nội không vội được đâu" sắp hết rồi và sẽ thành câu "Hà Nội, không vội không xong"".
Từ mong muốn của Thủ tướng và thực tế ở Hà Nội cho thấy đang còn khoảng cách không hề nhỏ. Hà Nội cần phải rốt ráo xử lý các tồn đọng để tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan Bộ ngành.
Báo Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc hy hữu này.
Minh Anh
14:28, 01/11/2018
04:00, 31/10/2018
00:11, 31/10/2018