19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

Vụ ghế massage OKIA “nhập nhèm” nguồn gốc xuất xứ: Giám đốc thừa nhận sản xuất tại Trung Quốc

Cập nhật lúc: 21/11/2018, 21:00

Nhập ghế massage tại Trung Quốc nhưng nhân viên lại giới thiệu Okia là hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Malaysia khiến khách hàng lầm tưởng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành?

Ngay sau khi đưa tin về việc ghế massage Okia của công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu “nhập nhèm” về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với bà L.T.Nga – Giám đốc công ty & bà N.H.Yến - đại diện nhà nhập khẩu phân phối sản phẩm ghế massage Okia để xác minh các thông tin liên quan đến vấn đề trên.

PV có buổi làm việc tại trụ sở chính của công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu

PV có buổi làm việc tại trụ sở chính của công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu

Cụ thể, tại buổi làm việc, vị Giám đốc của công ty này thừa nhận: “Sản phẩm sản xuất và nhập tại Trung Quốc. Chúng tôi phát triển thương hiệu theo công nghệ Malaysia như công nghệ, mẫu mã, tiêu chuẩn, kỹ thuật,… nhưng Malaysia không có nơi sản xuất nên sản xuất tại Trung Quốc và chúng tôi cũng đâu có ghi sản xuất tại Malaysia”.

Liên quan đến việc bạn đọc phản ánh trên sản phẩm ghế massage Okia không có tem nhãn phụ, chỉ có một tem mác bằng tiếng anh, không ghi rõ nơi sản xuất, có dấu hiệu vi phạm khoản 3, điều 7 - Nghị định về nhãn hàng hóa, đại diện lãnh đạo công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu cho biết thêm: “Tất cả sản phẩm chúng tôi đều có dán tem nhãn phụ, nhưng có thể ở vị trí dưới đáy ghế khách hàng không thấy được hoặc trong lúc nhân viên lau vệ sinh ghế thì tem nhãn phụ…bị rơi ra”.

Tem nhãn tiếng Anh, không ghi rõ nơi sản xuất của ghế massage Okia

Tem nhãn tiếng Anh, không ghi rõ nơi sản xuất của ghế massage Okia

Việc sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại dán nhãn “thiết kế và phát triển bởi Okia tại Malaysia” (Designed & Developed by Okia in Malaysia) cùng thông tin về xuất xứ sản phẩm được công ty "giấu nhẹm" đi trên website chính thức (Okiaglobal.com) khiến sự nhầm tưởng của khách hàng về "cha đẻ" của những sản phẩm này đã "vô hình chung" trở thành điều hiển nhiên.  

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, tại khoản 9 – Điều 8 Luật Quảng cáo về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo có nêu rõ: Cấm những quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Không chỉ có vậy, để trả lời thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã tìm hiểu và truy cập vào website chính thức của thương hiệu ghế matxa này thì phát hiện thêm việc vi phạm luật quảng cáo nhằm "thổi phồng" chất lượng sản phẩm?

Công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu tự

Công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu tự "thổi phồng" chất lượng sản phẩm?

Cụ thể, thông tin trên website okiaglobal.com xuất hiện những dòng quảng cáo bằng tiếng anh “The world’s best massage chair” – Ghế massage tốt nhất thế giới – cho dòng sản phẩm ghế massage e-Monarch LX gold của thương hiệu Okia. Điều này vi phạm khoản 11, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: Việc Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một (1)” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi quảng cáo sử dụng từ ngữ “nhất” nhưng không có tài liệu hợp pháp chứng minh có mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức vi phạm. 

Vậy, trong trường hợp Công ty TNHH thiết bị và chăm sóc sức khỏe toàn cầu có dấu hiệu gian lận thương mại thì các khách hàng đã từng mua sản phẩm tại công ty này có quyền được khởi kiện và đòi bồi thường hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để làm rõ vấn đề này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Theo khoản 3, điều 7 - Nghị định về nhãn hàng hóa: "Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".