19/01/2025 | 06:03 GMT+7, Hà Nội

Vụ đổi gần 20ha đất lấy 455m đường: Dự án phải làm theo hình thức BT vì ngân sách hạn hẹp

Cập nhật lúc: 04/03/2019, 07:00

"Vì ngân sách tỉnh không thể đáp ứng để đầu tư cho tất cả dự án, cho nên phải cho phép một số dự án thực hiện theo BT mà nhà đầu tư quan tâm, để huy động các nguồn lực xã hội", ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Thông tin dự ánxây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây đoạn từ sông Nhà Lê đến QL.47 TP. Thanh Hóa thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT. Chiều dài đoạn đường 455m với tổng vốn dự kiến khoảng trên 128 tỷ đồng được đối ứng bằng 3 khu đất gần 20ha đang gây xôn xao dư luận.Xung quanh sự việc này, hôm 28/2, phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

PV: Thông tin đổi 3 khu đất vàng tại thành phố Thanh Hóa lấy 455m đường là thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Đây mới chỉ là chủ trương. Dự án mới đang ở bước chuẩn bị. Nếu triển khai dự án phải thực hiện đấu thầu. Theo dự kiến, tổng mức đầu tư đầu đoạn đường 455m là hơn 128 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng xây lắp đoạn đường này là hơn 31 tỷ đồng. Còn lại chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 72 tỷ đồng.

PV: Dự án được đầu tư với tổng vốn hơn 128 tỷ đồng, đổi lại được 19,36ha đất. Tính trên lý thuyết thì mỗi mét vuông đất tại các khu vực đất vàng trên chỉ được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định với giá 660.000 đồng/m2. Theo khảo sát của phóng viên, nhiều vị trí tại các khu vực này đang được rao bán trên thị trường với giá thấp nhất hơn 5 triệu/m2, có vị trí lên đến cả chục triệu đồng/m2. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Đây là cách tính theo số liệu. Thực tế, trong gần 20ha dự kiến đổi cho nhà đầu tư thì có đất giao thông, đất trồng cây xanh, đất công cộng chiếm khoảng 13ha. Như vậy, khoảng đất mà tỉnh dự kiến đối ứng cho chủ đầu tư chỉ khoảng 6ha. Trong 6ha này, nhà đầu tư sẽ phải làm hạ tầng. Hay nói cách khác, trongsố gần 20hađất dự kiến đối ứng thì có khoảng 6ha chúng ta có thể tìm kiếm được đất thương mại.

Thành phố Thanh Hóa. Ảnh minh họa.

Một góc TP. Thanh Hóa. Ảnh minh họa.

Giá trị đất chúng tôi tạm tính để đấu thầu trong thời gian tới được tính theo thông báo giá đất của tỉnh, chứ không phải tính theo giá bán trôi nổi thị trường. Khi giao đất, cho thuê đất mới tính tiền chứ không phải tính tiền bây giờ. Tôi tính bình quân giá đât ở các khu đất đối ứng khoảng là 9,5 triệu/m2. Còn sau này đấu thầu mới rõ được rằng, đơn vị tham gia đấu thầu như thế thì lời hay lỗ. Bây giờ mới đang bước chuẩn bị thôi.

Với dự án này, Nhà nước không dại gì mà bỏ một số tiền lớn như vậy để đầu tư xây dựng mấy trăm mét đường cả mà bao giờ cũng phải căn cứ theo quy định để thực hiện đấu thầu.

PV: Có ý kiến cho rằng, với dự án này lẽ ra tỉnh nên đầu tư, không nhất thiết phải để nhà đầu tư làm. Ngân sách tỉnh bỏ ra đầu tư, sau đó có thể quy hoạch nền, quy hoạch khu dân cư, trung tâm thương mại... rồi bán thu ngân sách Nhà nước, chắc chắn sẽ hiệu quả và có lợi hơn cho tỉnh?

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì phải huy động nguồn lực xã hội bằng hình thức đối tác công tư. Cái này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, vì ngân sách tỉnh không thể đáp ứng được đầu tư cho tất cả dự án, cho nên phải cho phép một số (dự án) thực hiện theo BT mà nhà đầu tư quan tâm để chúng ta huy động các nguồn lực xã hội".

Ông Nguyễn Văn Hùng:Tất nhiên rồi! Nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì phải huy động nguồn lực xã hội bằng hình thức đối tác công tư. Cái này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, vì ngân sách tỉnh không thể đáp ứng được đầu tư cho tất cả dự án, cho nên phải cho phép một số (dự án) thực hiện theo BT mà nhà đầu tư quan tâm để chúng ta huy động các nguồn lực xã hội.

Các dự án đầu tư này nằm trong danh mục được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho phép hiện theo hình thức đối tác công tư, chứ không phải cứ thích thì đề xuất, thích thì làm. Nếu tính phương án như trên (tỉnh nên bỏ tiền đầu tư) thì lấy tiền đâu để đầu tư hạ tầng cho 19ha này?

PV: Được biết, hiện nay cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản tạm dừng việc dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT, việc làm này liệu có phạm luật, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Văn bản của Bộ Tài chính chỉ tạm dừng việc dùng quỹ đất thanh toán do dự án BT chứ không phải dừng đầu tư theo hình thức này. Hình như bây giờ đã cho phép rồi (?). Tóm lại, với dự án trên, còn rất nhiều thủ tục liên quan trong đó có việc đấu thầu công khai, minh bạch chứ không phải dấm dúi cho nhà đầu tư nào.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!

An Nguyên (thực hiện)