18/01/2025 | 20:19 GMT+7, Hà Nội

Vụ xe điện tiền tỷ “đắp chiếu” ở Thanh Hóa: Cần xử nghiêm cán bộ chống lệnh cấp trên!

Cập nhật lúc: 27/02/2019, 10:31

"Việc Chính phủ đã đồng ý cho địa phương thực hiện thí điểm xe điện thì việc cấp phép cho hoạt động thí điểm thuộc thẩm quyền của địa phương đó. Nếu địa phương không cho thí điểm thì đó là vấn đề thuộc về trách nhiệm của họ. Trong trường hợp này doanh nghiệp được quyền khiếu nại vì địa phương không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng", ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.

Liên quan tới vụ việc xe điện tiền tỷ của Công ty Phương Hiền nằm “đắp chiếu”, trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn chạy động cơ bằng điện chở khách tại tuyến đường hạn chế đã được phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay sau rất nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa vẫn phớt lờ, khiến Công ty Phương Hiền vẫn rơi vào tình trạng "chết lâm sàng", đối diện với nguy cơ phá sản. Hàng loạt lao động có nguy cơ mất việc làm, thu nhập...

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: Vụ việc có dấu hiệu “trên dải thảm, dưới dải đinh”

Rõ ràng, trong vụ việc này việc chỉ đạo và thực hiện chưa có sự thống nhất. Việc cấp trên đã đồng ý chủ trương cho thí điểm nhưng cấp dưới không thực hiện hoặc tìm mọi cách hạn chế doanh nghiệp là biểu hiện của việc “trên dải thảm, dưới dải đinh”.

Vấn đề là sự việc nhỏ như vậy mà cũng phải hỏi Thủ tướng. Thủ tướng làm sao mà giải quyết được hết mọi việc từng li từng tí. Thủ tướng mà đi chỉ đạo từng vấn đề nhỏ (cầm tay chỉ việc-pv) thì lấy đâu thời gian.

Hay nói cách khác, việc đưa ra lý do hạ tầng không đảm bảo để tăng xe điện, nhưng lại cho phép tăng hàng chục xe điện cho doanh nghiệp khác là có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm. Có thể có việc chạy chọt này nọ để được cấp phép hoạt động. Thực tế không hiếm trường hợp có sự “đi đêm” giữa doanh nghiệp và chính quyền để được chấp thuận dự án.

Ông Nguyễn Văn Thanh

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Quay trở lại vụ việc nói trên, việc doanh nghiệp xin thí điểm chạy xe buýt điện có thể coi là đặc biệt, cá biệt. Nếu chủ đầu tư – doanh nghiệp xe điện có đầy đủ các điều kiện đáp ứng các điều kiện để tham gia thực hiện thí điểm thì cần tạo điều kiện cho họ hoạt động.

Nếu thí điểm mang lại hiệu quả thông qua việc tổng kết, đánh giá thì mới thực hiện đấu thầu. Không có khái niệm đấu thầu để thí điểm. Trong trường hợp này doanh nghiệp nên tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền được đảm bảo quyền lợi.

Chuyên gia vận tải ô tô Bùi Danh Liên: Doanh nghiệp có quyền khiếu nại nếu địa phương không thực hiện chỉ đạo của Trung ương

Việc Chính phủ đã đồng ý cho thực hiện thí điểm thì việc cấp phép cho hoạt động thí điểm xe điện thuộc thẩm quyền của địa phương. Nếu địa phương không cho thí điểm thì đó là vấn đề thuộc về trách nhiệm của họ. Trong trường hợp này doanh nghiệp được quyền khiếu nại vì địa phương không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng.

Với việc thí điểm, doanh nghiệp nào đủ điều kiện (phương tiện, đề án...) thì được tham gia thí điểm. Nếu không cho họ thực hiện thì anh phải có văn bản trả lời phù hợp. Tôi cho rằng việc này cũng cần có ý kiến, chỉ đạo của các cơ quan khác có liên quan trong việc bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Thực tế, không riêng gì lĩnh vực vận tải ô tô, mà rất nhiều lĩnh vực khác có biểu hiện rõ ràng cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, sân sau của lãnh đạo. Cho nên có thể nói rằng sự minh bạch trong phát triển kinh tế nói chung vẫn còn nhiều nút thắt trong đó có sự cản trở từ lợi ích nhóm. Việc một số cấp có thẩm quyền chưa tôn trọng quyền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là lý do gây nên những tiêu cực không đáng có trong đời sống kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Thành phố Sầm Sơn cần nhanh chóng chấp thuận cho doanh nghiệp chạy thí điểm

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Sầm Sơn phải sớm hiểu sâu về trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời sớm chấp nhận cho doanh nghiệp đã mua được xe điện được đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân.

Nếu phương tiện hoạt động đông thì nên chia luồng, chia tuyến chứ không thể cấm họ được.

Việc cấm đoán, cấp phép ở đây là vấn đề giấy phép con, tạo thành cơ chế xin - cho, làm cho doanh nghiệp rất khó chịu và làm nản lòng nhiều nhà đầu tư khác (dẫn theo quochoi.vn).

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Cần xem xét xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Sầm Sơn, Thanh Hóa

Tôi nghĩ là cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm minh, trong đó trách nhiệm cao nhất là của người đứng đầu – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn. Họ là người đứng đầu chính quyền thì họ phải có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Theo tôi không thể chấp nhận được việc chính quyền có dấu hiệu dung túng cho hành vi sai trái, mặt khác lại trì hoãn kéo dài những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, thanh tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm xung quanh vụ việc này".

(Còn nữa)