24/11/2024 | 20:06 GMT+7, Hà Nội

Voucher giảm giá: Có phải ai cũng ham?

Cập nhật lúc: 31/07/2019, 20:01

Không phủ nhận, phiếu giảm giá mua hàng khiến các nhãn hàng “mở ví” của người tiêu dùng dễ dàng hơn nhưng cách này có làm cho các "thượng đế" hài lòng?

Mã giảm giá nào được dùng nhiều nhất?

Với việc smartphone được sử dụng rộng rãi và sự cạnh tranh gia tăng trong ngành bán lẻ, phiếu/ mã giảm giá (Voucher) được các doanh nghiệp tận dụng triệt để nhằm kích cầu mua sắm của khách hàng. 

Hơn 50% người mua hàng dùng phiếu giảm giá. Nguồn ảnh: Q&Me

Hơn 50% người mua hàng dùng phiếu giảm giá. Nguồn ảnh: Q&Me

Theo kết quả cuộc khảo sát duy nhất của Furniture/Today, nhiều hơn 2/5 số người tiêu dùng hồi đáp sẽ không thay đổi các thói quen mà họ mới chấp nhận khi nền kinh tế được cải thiện. 5 thói quen hàng đầu trong kế hoạch của người tiêu dùng tiếp tục là:

- Thanh toán bằng tiền mặt

- Sử dụng phiếu giảm giá

- Tham khảo một số cửa hàng trước khi mua

- Tiết kiệm tiền bạc

- Tự lắp ráp

Đặc biệt là phiếu giảm giá hiện nay được tích hợp vào điện thoại thông minh để khách hàng dễ dàng sử dụng mỗi ngày.

Còn theo khảo sát của Q&Me, có khoảng 55% số người mua hàng sử dụng phiếu giảm giá trong 6 tháng vừa qua. Tại TP.HCM, người mua hàng có xu hướng dùng phiếu giảm giá nhiều hơn tại Hà Nội.

Khoảng 30% sử dụng phiếu/ mã giảm giá hàng tuần. 75% sử dụng phiếu/ mã giảm giá ít nhất 1 lần/tháng. Và số này thường nhận phiếu giảm giá từ các trang thương mại điện tử. Ngoài ra, còn có phiếu giảm giá từ các siêu thị hay cửa hàng thức ăn nhanh.

Mã giảm giá là hình thức phổ biến nhất, tiếp theo là mã QR và phiếu giảm giá giấy.

Biểu đồ sử dụng QR trên mạng xã hội

Biểu đồ sử dụng QR trên mạng xã hội. Nguồn ảnh: Q&Me

Không khó hiểu khi mã giảm giá đứng đầu khi loại mã này vô cùng thuận tiện. Người mua hàng có thể nhanh chóng copy, paste hay thậm chí là đọc là sẽ được giảm giá thẳng trực tiếp vào sản phẩm.

Đứng thứ 2 là mã QR. Có thể nhiều người không biết đến mã QR nhưng với những người trẻ mua sắm trực tuyến thì mã QR không còn xa lạ. Chỉ khoảng 39% người nhận biết được khi nghe cái tên này. Nhưng nếu xem hình ảnh thì có đến 60% những người được khảo sát trả lời họ có biết và con số này nâng lên đến 82% nếu bao gồm cả nhóm người đã từng nhìn thấy nó.

Phiếu giảm giá giấy không còn được người trẻ ưa chuộng nhiều lắm và xếp vị trí thứ 3.

Giảm giá lấp lửng, hóa ra bù tiền

Giờ đây mua hàng sale người tiêu dùng không cần chờ đến mùa, đến ngày, đến hội giảm giá mà chỉ cần lướt web. Tuy nhiên, tâm lý nhiều người tiêu dùng vẫn không thích hàng giảm giá bởi vì "Giảm giá chưa hấp dẫn", "Phiền khi sử dụng", "Điều kiện sử dụng khó" và "Giá mua đã rẻ rồi" (nên không cần giảm giá thêm).

Chưa chắc sản phẩm sale đã có chất lượng cao

Chưa chắc sản phẩm sale đã có chất lượng cao. Nguồn ảnh: Scubadivewest

Mặt khác, không phải nhãn hàng tung phiếu giảm giá thì người tiêu dùng lại được món hời. Rất nhiều nhãn hàng đội giá lên cao rồi tung phiếu giảm giá để thu hút khách hàng.

Như chị Hà A. (Tây Hồ) cho biết, chị mua một phiếu một voucher trên mạng xã hội để chụp ảnh cho con. Nhưng khi đến cửa hàng mới tá hỏa phải thuê trang phục và phụ kiện. Vì có con nhỏ chị không muốn mất công đưa cháu về nên lại phải ngậm ngùi bỏ thêm 1 triệu mới hoàn tất được buổi chụp hình.

Còn anh H. (Hà Đông) thì lại gặp trường hợp dở khóc dở cười. Anh mua một chiếc máy xay sinh tố tại siêu thị điện máy có tiếng với giá hơn 3 triệu đồng nhưng khi vào một trang thương mại điện tử thì đúng dòng máy ấy lại có giá rẻ hơn 1 triệu đồng.

Chị L. (Mỹ Đình) thì chỉ nghe đến giảm giá đã lắc đầu: "Tôi rất hay đi siêu thị mua đồ, kệ hàng cũng thấy giảm giá rất nhiều nhưng không chủ ý chọn nhiều những mặt hàng đó. Nhưng tôi thấy, hầu như là giá cả còn đắt hơn các đại lý bên ngoài. Chưa kể nhiều mặt hàng gần hết hạn sử dụng thì họ mới giảm giá và tôi hoàn toàn không an tâm về sức khỏe khi mua những mặt hàng đó".

Còn rất nhiều các nhà hàng thì voucher giảm giá diễn ra quanh năm, bất kể mùa ngày giờ nào, đến nỗi khách hàng thậm chí còn không biết giá gốc chính xác là bao nhiêu. Rồi hàng loạt chiêu trò nâng lên hạ xuống hoặc mua 1 tặng 1 nhưng của “tặng 1” lại chẳng có giá trị gì.

Một số trang thương mại điện tử lại “chơi chiêu” như chương trình flash sale của shopee, khách hàng sẽ được mua 1 món đồ giá trị 1.000 đồng nhưng bắt buộc đơn hàng 20.000 đồng mới ship. Vậy là các nhãn hàng lại được thể kích cầu sản phẩm của mình. Hoặc chơi bán hàng theo combo 2,3 món sẽ được giá tốt.

Các nhãn hàng luôn miệng ra rả ″Lấy chữ tín hàng đầu″ hay "niềm tin của người tiêu dùng đặt lên hàng đầu" nhưng với tình trạng buôn bán gian lận của một số nhãn hàng thì không phải sản phẩm nào giảm giá cũng đáng tin cậy và được đón nhận.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du từng trả lời trên báo Tuổi trẻ rằng xét về mặt kinh tế hành vi, việc lấp lửng trong quảng cáo giảm giá, bán voucher sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài, dễ mất uy tín, bị người tiêu dùng tẩy chay.

Và ông cũng cảnh báo: "Người tiêu dùng hãy tỉnh táo và xác minh thông tin thật kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm, voucher giảm giá sản phẩm".