24/11/2024 | 05:01 GMT+7, Hà Nội

"Virus bảo thủ" ở Bộ Tài chính liệu có nguy hiểm hơn Covid-19?

Cập nhật lúc: 14/03/2020, 17:00

Cả thế giới đang dồn sức cho việc chống dịch Covid-19. Nhưng bên cạnh nỗi lo chung tay chống cơn đại dịch này, các doanh nghiệp Việt Nam còn đang nơm nớp nỗi lo chết người: Đó là khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20…

Tên đầy đủ là Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; và mấu chốt là ở khoản 3, Điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp" (trước khi có Nghị định 20 mức khống chế là 30%).

Ngay từ đầu, các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đã đánh giá quy định này là bất hợp lý, bởi các doanh nghiệp Việt tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh nên dựa vào nguồn vốn vay là chính, quy định trên sẽ bóp nghẹt hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể việc thuế chồng lên thuế, do bên cho vay đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế đó. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con, khi công ty con chưa đủ tín nhiệm để vay vốn thì công ty mẹ phải đứng ra vay và cho công ty con vay lại và phải chịu hai lần thuế (ở cả mẹ và con) nếu vượt mức khống chế 20% trên…

Mục tiêu của Nghị định 20 là để chống chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi các công ty mẹ ở nước ngoài cho các công ty con ở Việt Nam vay với lãi suất thật cao để khấu trừ vào chi phí, làm thất thu thuế. Nhưng Nghị định lại áp dụng cho cả các doanh nghiệp trong nước. Do đó, ngay chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng đã thừa nhận phạm vi đối tượng áp dụng cho tất cả đơn vị có giao dịch liên kết đã gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước, và mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% là "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Nhận thấy sự bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến sửa đổi điều khoản trên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và Bộ Tài chính đang soạn thảo văn bản sửa đổi. Nhưng, doanh nghiệp trong nước chưa kịp mừng với tín hiệu này thì nỗi lo khác lại ập tới, đó là trong dự thảo mới nhất gần đây, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức lãi vay từ 20% lên 30% (trở về như thời điểm trước Nghị định 20) nhưng lại chỉ cho áp dụng đối với năm 2019, còn những doanh nghiệp đã gương mẫu kê khai và nộp thuế năm 2017 và 2018 sẽ bị mất tiền oan vì không được hồi tố.

Có 5 lý do được Bộ Tài chính đưa ra để không cho hồi tố, tóm tắt như sau:

1/ Việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định 20 nói trên “không phải là lợi ích chung của xã hội” nên không cần phải hồi tố.

2/ Bộ Tài chính lo phải bồi hoàn lại tiền cho người nộp thuế, nhất là trường hợp số thu NSNN thấp hơn số bồi hoàn.

3/ Các khoản thu năm 2017 và 2018 đã đưa vào quyết toán NSNN, nay nếu tính lại phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Và “theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế đối với doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn trả là 2.808 tỷ đồng)” hiện chưa có nguồn để thanh toán.

4/ Do không vận dụng được theo trường hợp là số thuế thừa được khấu trừ vào năm tiếp theo khi điều chỉnh lại Nghị định 20, nên nếu hồi tố “sẽ tạo cơ chế không minh bạch, rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế”.

5/ “Công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết được thực hiện trong tất cả các đơn vị trong ngành Thuế (từ Tổng cục Thuế đến các Cục, Chi cục thuế). Trường hợp hồi tố đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng trăm doanh nghiệp, do đó có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện”.

Về nội dung trên của Bộ Tài chính, các chuyên gia pháp lý và kinh tế đã đưa ra nhiều lý lẽ và lập luận chặt chẽ để khẳng định, việc áp dụng hồi tố khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 khi sửa đổi là hợp tình, hợp lý và bảo đảm sự công bằng, vì cho áp dụng với năm 2019 mà lại không hồi tố cho năm 2017 và 2018 là “sự thiếu nhất quán của cơ quan quản lý” như lời của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia… Ở đây, tôi chỉ xin đặt một số câu hỏi với Bộ Tài chính và đưa ra một số ý kiến sau:

1/ Con số 2.808 tỷ đồng tính sơ bộ sẽ hoàn trả cho doanh nghiệp riêng cho năm 2017 nếu hồi tố là lớn hay nhỏ? Nếu là nhỏ thì sao lại phải quá lo đến nguồn để thanh toán? Còn nếu cho rằng số tiền đó là không nhỏ, thì đối với ngân sách của cả một quốc gia còn coi là lớn thì đối với doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu tiềm lực tài chính còn mỏng, lại càng lớn biết chừng nào. Cả một Bộ được giao thu ngân sách còn lo kham không nổi thì tại sao lại để khoản tiền lớn ấy bóp nghẹt, đè bẹp doanh nghiệp một cách oan ức? Và trên hết, đó là phải bảo đảm sự công bằng và vì sự phát triển của doanh nghiệp, cũng là vì sự phát triển của đất nước, vì dân giàu thì nước mới mạnh được.

2/ Con số “trường hợp hồi tố đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng trăm doanh nghiệp” mà do chính Bộ Tài chính đưa ra là nhiều hay là ít? Nếu là ít thì việc gì mà Bộ phải lo đến sự “phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện”? Còn nếu số doanh nghiệp bị chịu thuế oan là nhiều, thì việc không cho hồi tố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp vốn đã đang như ngồi trên đống lửa trước tình hình dịch Covid-19. Và, cấp số nhân của hàng trăm doanh nghiệp đó sẽ là hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn, thậm chí hàng triệu gia đinh người lao động bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều doanh nghiệp và người lao động khác bị tác động dây chuyền… Như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, dân sinh sẽ không hề nhỏ, sao Bộ Tài chính lại bảo là “không phải là lợi ích chung của xã hội” để không áp dụng hồi tố?

Trong lĩnh vực thu ngân sách, nước nào cũng quán triệt tinh thần vừa phải thu đúng, thu đủ, vừa phải nuôi dưỡng nguồn thu. Nói nôm na là thu như thế nào để vừa bảo đảm ngân sách có tiền để chi, nhưng quan trọng không kém là để doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh còn “thở được” để tồn tại và phát triển. Còn nếu tận thu đến mức doanh nghiệp kiệt quệ, sẽ chẳng còn ai đủ sức làm ra của cải cho xã hội nữa, thì chẳng những kinh tế suy thoái, mà Bộ Tài chính cũng chẳng còn gì để mà thu.

Chính vì thế, trong Di chúc của Bác Hồ, Người mong muốn sau khi thống nhất đất nước, nhà nước hãy miễn thuế nông nghiệp cho nông dân để dưỡng sức dân.

Còn Bộ Tài chính, trong việc bảo vệ quan điểm của mình về việc không hồi tố khi sửa đổi Nghị định 20 thì hình như chỉ muốn bảo vệ nguồn thu không bị hụt vì đã trót thu trước đó, mà không hề nghĩ đến sức dân, sức doanh nghiệp. Mà sức dân và sức doanh nghiệp cũng chỉ có hạn, thu cùng vét tận thì sẽ kiệt quệ và dẫn đến kiệt sức mà chết, chết theo cả nghĩa doanh nghiệp phá sản và cả nghĩa từng người lao động trong doanh nghiệp đó cũng chết theo.

Với lý lẽ khăng khăng bảo vệ việc không hồi tố khi điều chỉnh Nghị định 20, người ta có cảm giác, Bộ Tài chính hình như đang không cùng đường với doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Nói tóm lại, trong 5 lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra thì cái lý số 1 là “không phải là lợi ích chung của xã hội” nên không cần phải hồi tố. Hai cái lý số 2 và số 3 là lo hụt thu vì phải bồi hoàn cho doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai và nộp thuế trước đó. Còn hai cái lý số 4 và số 5 là lo sự phức tạp trong nghiệp vụ và quản lý cán bộ ngành thuế, nói trắng ra là có 4 trên 5 lý do là ngại khó và ngại khổ.

Do đó, để kết thúc bài viết này, tôi xin nêu lên hai ý:

Thứ nhất, ngay đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp, thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế. Nhưng, với lý lẽ khăng khăng bảo vệ việc không hồi tố khi điều chỉnh Nghị định 20, người ta có cảm giác, Bộ Tài chính hình như đang không cùng đường với doanh nghiệp.

Thứ hai, với lo sợ hồi tố sẽ “gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế”, và “sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện”, thì tôi cũng xin nói thẳng, đó là việc của Bộ trưởng, chứ không phải là cứ khó thì thoái thác, né tránh và đùn đẩy đẩy lên trên. Công việc nào cũng có khó khăn, phức tạp. Và có khó khăn, phức tạp mới cần đến năng lực, tài cán của Tư lệnh ngành. Còn nếu sợ khó khăn, phức tạp, thì như lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về công tác chống tham nhũng: "Ai có tư tưởng bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm".

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và hậu quả của nó là vô cùng nặng nề không chỉ về sức khỏe và sinh mệnh người dân mà còn về hậu quả kinh tế và xã hội được các chuyên gia dự báo là chưa thể lường hết. Vì vậy, người dân và nhất là các doanh nghiệp bên cạnh nỗi lo chống dịch cũng rất mong Bộ Tài chính thấu hiểu, đồng cảm và đồng hành cùng doanh nghiệp để gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã, đang và sẽ còn chịu tác động khôn lường của đại dịch, đừng để bên cạnh virus Covid-19 và “virus trì trệ”, giờ lại thêm “virus bảo thủ” bóp nghẹt và ngáng đường doanh nghiệp./.

Việc áp dụng cùng một công thức và tỷ lệ tính toán chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam sẽ là chưa thỏa đáng trong điều kiện hiện tại. Nên chăng Bộ Tài chính có thể xem xét và có lộ trình thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi những lý do sau:

- Thứ nhất, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

- Thứ hai, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.

- Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta.

Cơ quan quản lý Thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam