18/01/2025 | 20:01 GMT+7, Hà Nội

Vĩnh Phúc: Tiềm năng phát triển bất động sản nông nghiệp nhìn từ những thửa ruộng hoang

Cập nhật lúc: 19/06/2019, 08:13

Ngày càng có nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang ở Vĩnh Phúc do người nông dân chán ruộng. Nhưng chính điều này lại đang khơi mở cho sự phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp tại đây.

Những cánh đồng… trơ cỏ dại

Đi dọc tuyến Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên dài khoảng 10km và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, dễ dàng nhận thấy nhiều đồng ruộng để hoang, trơ cỏ dại.

Niềm hạnh phúc được chia ruộng, được gieo cấy lấy thóc lúa của người nông dân sau 60 năm giờ chỉ còn là hồi ức, khi ruộng đất không còn nhiều giá trị kinh tế với họ. “Bây giờ, không còn đường nào khác để mưu sinh thì mới phải cấy”, ông Sái Văn Sinh (trưởng thôn Gẩy, xã Định Trung, Vĩnh Yên) ngậm ngùi nói.

Chỉ về những thửa ruộng bỏ hoang ở cánh đồng làng, vị trưởng thôn không khỏi tiếc nuối khi cánh đồng này trước đây vốn rất trù phú, người nông dân phấn khởi, hăng hái cấy cày. Vào vụ, cả làng thơm nức mùi rơm rạ. Nhưng bây giờ, cũng trên cánh đồng ấy, chỉ còn lác đác những mảnh ruộng được cày xới. Còn lại, cỏ mọc lấp cả bờ ruộng cũng chẳng ai ngó ngàng.

“Được vụ Chiêm thì mất vụ Mùa. Làm ruộng giờ năng suất thấp, trừ chi phí lời lãi chẳng còn lại là bao, chỉ khoảng vài trăm nghìn/sào/vụ. Trong khi đó, các khu công nghiệp ngày càng nhiều, tạo nhiều việc làm mới, người dân dần có xu hướng đi làm cho doanh nghiệp hơn nên dần bỏ bê đồng ruộng. Nhà nào có làm thì cũng chỉ để giữ đất hoặc lấy rơm rạ cho trâu, bò chứ nếu nói mấy sào ruộng nuôi cả gia đình như ngày xưa là không thể” - ông Sinh nói.

Ông Sinh đứng trước cánh đồng có nhiều thửa ruộng bỏ hoang.

Ông Sinh đứng trước cánh đồng có nhiều thửa ruộng bỏ hoang.

Cả thôn Gẩy hiện chỉ còn lại lao động trung niên, người già và trẻ nhỏ. Lao động trẻ hầu hết đã ly nông, lên thành phố làm việc. Những người ở nhà, còn khỏe thì gắng cấy vài sào, còn không thì đành bỏ không ruộng cho cỏ mọc.

Đến thôn Gẩy, bắt gặp bất cứ người nông dân nào, hỏi rằng "làm ruộng bây giờ liệu có đủ sống" đều nhận được câu trả lời: “Không thể! Nên phải đi thôi, ở nhà làm dăm ba sào ruộng, không thể nuôi nổi miệng ăn”.

Rất ít những hộ như gia đình bà Duyên, vì có công cụ sản xuất như máy cày, máy gặt nên vợ chồng bà và cậu con trai vẫn chăm chỉ bám ruộng, bám đồng. Nhưng ngặt nỗi, người con trai sau khi cố xây xong được căn nhà, cũng muốn theo dòng người đi xa làm kinh tế.

“Nhà tôi có công cụ sản xuất, không phải thuê nên cố bám vào 6 sào ruộng, thêm chăn nuôi cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng phải nói thu nhập từ làm ruộng bây giờ là kém nhất. Cố làm vài năm nữa chắc nhà tôi cũng bỏ bớt ruộng vì không có người làm. Giờ khoảng 40% ruộng bỏ không, nhìn cũng tiếc lắm nhưng không có sức làm nữa thì đành chịu”, bà Duyên ngậm ngùi kể.

Còn gia đình anh Trung, đã bỏ hẳn 5 sào ruộng cả chục năm nay, chuyển sang làm kinh doanh ở chợ, “chỉ mong có doanh nghiệp nào đến, bán luôn cho xong”.

n
Những thửa ruộng hoang tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên.

Những thửa ruộng hoang tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên

Không chỉ tại xã Định Trung (Vĩnh Yên) mà tình trạng bỏ hoang ruộng đất còn diễn ra rải rác ở hầu khắp các huyện như Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc… Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những “bờ xôi ruộng mật” trở thành nơi chăn thả trâu bò. “Vụ Xuân họ đã bỏ hoang rồi, nay vụ Hè Thu cũng ít người mặn mà lắm, vì nguồn thu chẳng đủ chi. Làm ruộng thuê tất tần tật hết nhiều tiền mà sản lượng làm ra, bán đi cũng chẳng đủ để bù vào nên dân chọn cách kiếm tiền từ các công việc khác. Kiếm tiền kiểu 'tiền trao cháo múc' vẫn tốt hơn”, bà Sao, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên chia sẻ.

Theo tính toán của bà Sao, thu nhập hàng tháng của một lao động phổ thông trong doanh nghiệp có thể bằng một gia đình thuần nông làm cả năm, đó là lý do người dân không còn mặn mà với đồng ruộng.

Theo xu thế phát triển, khu vực công nghiệp, dịch vụ sẽ rút ngày càng nhiều hơn lao động nông nghiệp; đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều hộ dân được giao ruộng đất nhưng không còn nhu cầu sử dụng. Đất nông nghiệp còn nhiều, tiềm năng của ngành nông nghiệp còn lớn nhưng người nông dân lại không thể làm giàu trên mảnh ruộng của mình mà phải chọn cách “tha hương”. Đó là thực tế nhức nhối mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Và có lẽ để những “hạt gạo” vươn khỏi “làng ta” thì buộc phải có những giải pháp cứu lấy những cánh đồng đang bị đóng băng, bị bỏ lại phía sau dòng người ly hương lên thành phố.

Những cánh đồng bị

Những cánh đồng bị "đóng băng".

Khơi mở thị trường bất động sản nông nghiệp

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả chính là nguyên nhân chính khiến số lượng những thửa ruộng bỏ hoang ngày càng gia tăng ở Vĩnh Phúc và nhiều vựa lúa khác ở Đồng bằng Sông Hồng. Giải pháp tích tụ đất đai được đặt ra nhằm tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Tại Vĩnh Phúc, thị trường cho thuê, chuyển nhượng, tích tụ đất đai đã sớm được hình thành ở một số địa phương và thực tế đã đạt được những kết quả khả quan.

Từ năm 2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2311 thí điểm về việc hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân gom ruộng sản xuất vụ đông. Đó có thể xem là bước đột phá thứ nhất nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư tích tụ đất đai...

Năm 2016, khi phong trào tích tụ đất đai đang hình thành khá rõ rệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó có những vấn đề trọng tâm được đặt ra như hỗ trợ rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ làm thí điểm dồn thửa, đổi ruộng, triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2018; hỗ trợ thuê quyền sử dụng đất. Hỗ trợ không quá 35% chi phí sản xuất trực tiếp và 100% kinh phí triển khai cho hộ để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGaP.

Trên diện tích 4,5ha thuê của các hộ dân tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP đã đầu tư gần 3 tỷ đồng sử dụng công nghệ tưới tiêu, xây dựng và phát triển trang trại sản xuất các mặt hàng nông sản sạch phục vụ cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp DKC (huyện Yên Lạc) cũng đang đầu tư vào nông nghiệp của Vĩnh Phúc. “Hiện, Công ty đang thuê 85ha đất ruộng của 400 hộ dân phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên và xã Trung Nguyên, Yên Lạc. Mỗi vụ, Công ty trả cho hộ dân 150kg thóc/sào. Ngoài ra, nông dân nhường ruộng còn được tuyển vào làm công nhân làm ngay tại cánh đồng và được trả công với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Đối với diện tích thuê ký kết 20 năm sẽ được Công ty cấp vốn đầu tư và bao tiêu sản phẩm”, Giám đốc Công ty Phạm Văn Cương cho hay.

Hai doanh nghiệp khác được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất “sạch” sau khi thu hồi để phát triển sản xuất nông nghiệp là Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo (479ha), xây dựng nhà kính, sản xuất theo công nghệ thủy canh và rau an toàn cung cấp trong hệ thống siêu thị Vinmart và Công ty Nông nghiệp công nghệ cao (10ha) sản xuất rau quả an toàn.

Mô hình rau sạch của Vineco tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Mô hình rau sạch của Vineco tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Dù đã có nhiều dẫn chứng tích cực như kể trên và chủ trương tích tụ ruộng đất được đặt ra từ lâu nhưng so với diện tích đất nông nghiệp hiện có, diện tích đất đai tích tụ được của Vĩnh Phúc hiện chỉ đạt khoảng 5%. Tiềm năng tích tụ đất đai, phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp tại Vĩnh Phúc còn rất dồi dào. Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở NN-PTNN tỉnh Vĩnh Phúc, còn nhiều khó khăn, rào cản khiến việc tích tụ đất đai của tỉnh vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục quy hoạch, cải tạo lại hệ thống đồng ruộng còn thiếu; nhiều hộ dân đòi giá thuê đất cao hơn so với quy định của Nhà nước, nhận thức của người dân về tập trung, tích tụ ruộng đất chưa đầy đủ, còn tâm lý sợ mất đất nên không cho thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng…

Dẫu vậy, với một địa phương có truyền thống đổi mới nông nghiệp như Vĩnh Phúc, chính quyền tỉnh đã xác định: Cần phải có những bước đột phá và những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn. Theo đó, Vĩnh Phúc đã đề ra 8 giải pháp cần thực hiện ngay. Trong đó nhấn mạnh, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện thí điểm ở các địa phương, giúp đỡ, hỗ trợ nông dân chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, góp vốn, cho mượn quyền sử dụng đất theo các quy định hiện hành.

Với những chủ trương và chính sách hiện có, cùng với tiềm năng đất nông nghiệp dồi dào, nếu tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thị trường tích tụ đất đai – bất động sản nông nghiệp ở Vĩnh Phúc được đánh giá sẽ rất sôi động trong thời gian tới, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

 

Nguồn: http://reatimes.vn/vinh-phuc-tiem-nang-phat-trien-bat-dong-san-nong-nghiep-nhin-tu-nhung-thua-ruong-hoang-36649.html