18/01/2025 | 14:53 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam là hình mẫu trong phòng, chống đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 26/04/2020, 16:44

Tại cuộc họp trực tuyến về hợp tác nghị viện chống đại dịch Covid-19 do Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia tổ chức qua ứng dụng Zoom, Việt Nam được lãnh đạo các nước và dư luận quốc tế đánh giá...

Tại cuộc họp trực tuyến về hợp tác nghị viện chống đại dịch Covid-19 do Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia tổ chức qua ứng dụng Zoom, Việt Nam được lãnh đạo các nước và dư luận quốc tế đánh giá là một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và mang lại thành công lớn.

Đến 18g ngày 25-4 Việt Nam có tổng số 270 trường hợp nhiễm Covid-19. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 54.966, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 280; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.020; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 47.666.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Ngày hôm nay (25-5) có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: Bệnh nhân 167; bệnh nhân 176; bệnh nhân 195; bệnh nhân 253; bệnh nhân 258.

Hiện 45 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó 37 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, 6 ca đang được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 2 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

Có 5 ca bệnh dương tính trở lại tiếp tục được điều trị tại các bệnh viện: Bệnh nhân 188; bệnh nhân 136 (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2); bệnh nhân 52; bệnh nhân 149 (Bệnh viện số 2 Quảng Ninh); Bệnh nhân 36 (Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Bình Thuận).

Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca; Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2: 3 ca.

Ngày 25-4, tại cuộc họp trực tuyến về hợp tác nghị viện chống đại dịch COVID-19 do Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia tổ chức qua ứng dụng Zoom, Việt Nam được lãnh đạo các nước và dư luận quốc tế đánh giá là một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và mang lại thành công lớn.

Việt Nam được đánh giá có nhiều thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh Đặng Tú)

Cuộc họp do TS. Fadli Zon, Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia chủ trì. Thành phần tham dự còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia Charles Honoris; Phó Chủ tịch Hạ viện Malaysia Dato Mohamad Rashid Hasnon, Chủ nhiệm Ủy ban đặc biệt về Coronavirus Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo; Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Indonesia Navaratnasamy Paranietharan; Thư ký Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Alisjahbana; Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác đa phương Bộ Ngoại giao Indonesia Febrian Alphyanto Ruddyard và khoảng 500 tài khoản tham dự khác từ các trường đại học, các tổ chức và truyền thông.

Tại cuộc họp, bà Puan Maharani, Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhận định: Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang đặt các quốc gia vào thời điểm thử thách, đòi hỏi sự hợp tác, chung tay hành động nhằm đối phó và giảm thiểu những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Còn TS. Fadli Zon, Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia cho biết: Indonesia hiện là quốc gia thuộc mức cao nhất trong ASEAN về tỉ lệ ca nhiễm bệnh và số người tử vong vì COVID-19, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về huy động nguồn lực chống dịch bệnh khi COVID-19 kéo dài.

Trong đại dịch Covid-19, Hạ viện Indonesia ghi nhận hành động của Chính phủ đã thực hiện các giải pháp phòng chống nhưng kêu gọi cần phải hành động nhanh hơn nữa trong việc xét nghiệm diện rộng để cách ly, truy tìm dấu vết lây nhiễm trong cộng đồng như kinh nghiệm một số nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia.

Việt Nam hiện được lãnh đạo các nước và dư luận quốc tế đánh giá là một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và mang lại thành công lớn. Việc Quốc hội Việt Nam được mời tham dự phiên họp của Ủy ban Hạ viện Indonesia một mặt thể hiện sự coi trọng của Indonesia và uy tín của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cùng với tinh thần Quốc hội Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AIPA năm 2020.

Tiến sĩ Fadli Zon cho rằng, để đối phó với dịch bệnh, cần phải nêu cao vai trò của Nghị viện nhằm thúc đẩy Chính phủ triển khai mạnh mẽ các giải pháp phòng chống dịch bệnh… Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trên kênh nghị viện và giữa các quốc gia, coi trọng sự phát triển của chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế đa phương nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông báo vắn tắt tình hình dịch bệnh tại mỗi nước, chia sẻ những biện pháp, thực tiễn tốt mà Chính phủ cũng như Nghị viện các nước triển khai để ứng phó với đại dịch và những khó khăn, thách thức khi đến nay vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ tác động mọi mặt của dịch bệnh cũng như chưa thể dự báo chính xác thời điểm dịch kết thúc.

Các đại biểu nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang gây ra những thay đổi sâu sắc ở nhiều quốc gia và trên thế giới, do đó các Chính phủ, Nghị viện trong khu vực và trên toàn cầu cần đoàn kết, hợp tác cùng hành động, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân, có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của dịch bệnh… Các đại biểu cũng đề cao vai trò của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) mà Quốc hội Việt Nam đang đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA năm 2020…

Tại cuộc họp, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã chủ động từ rất sớm, triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động đông đảo nhân lực, vật lực trong cuộc chiến này, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm, chống dịch lây lan trong cộng đồng, nêu cao nhận thức người dân về phòng chống dịch. Những biện pháp này đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, trong tháng 4-2020, Việt Nam đã ra mắt hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm góp phần thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh nhưng vẫn được chăm sóc y tế.