24/11/2024 | 09:20 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam đang phát triển đô thị thông minh ở mức độ nào?

Cập nhật lúc: 14/02/2021, 13:30

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nói trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, TS. Trần Quốc Thái.

Các địa phương quan tâm phát triển ĐTTM

PV: Thưa ông, đến địa phương nào cũng thấy hoặc đang triển khai hoặc đang chuẩn bị khởi động chương trình phát triển đô thị thông minh (ĐTTM). Phải chăng phát triển ĐTTM đang là “mốt”?

TS. Trần Quốc Thái: Phát triển ĐTTM là một xu hướng mới, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Tại Việt Nam, ĐTTM sớm nhận được sự quan tâm của toàn thể xã hội. Đặc biệt, từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950), nhiều địa phương đã khẩn trương nắm bắt thời cơ, ban hành các đề án, kế hoạch và triển khai chương trình phát triển ĐTTM.

Tại Diễn đàn cấp cao ĐTTM ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Xây dựng ĐTTM là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia”. Do vậy, đầu tư cho ĐTTM tại Việt Nam không phải là sự xa xỉ, chạy theo mốt, chạy theo phong trào, mà là một chủ trương đúng đắn, một xu thế không thể đảo ngược.

Việc phát triển ĐTTM mở ra một hướng tiếp cận mới, thúc đẩy hội nhập với xu thế này trên toàn cầu, mở ra thị trường mới với những cơ hội và lợi ích mới trong công tác đầu tư, hợp tác. Quan trọng hơn, đem lại sự đổi mới trong phương thức tổ chức, quản lý vận hành các đô thị của chúng ta.

Các bộ ngành, trong đó có Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng các chính sách, công cụ nhằm thúc đẩy phát triển ĐTTM mạnh mẽ, hiệu quả và thiết thực.

PV: Hiểu một cách đơn giản, ĐTTM đem lại lợi ích gì, thưa ông?

TS. Trần Quốc Thái: ĐTTM đem lại nhiều lợi ích cho các đối tượng khác nhau. Chính quyền, người dân, DN, các thành phần kinh tế… đều có cơ hội được hưởng các lợi ích từ phát triển ĐTTM cũng như trực tiếp tham gia trong quá trình phát triển ĐTTM như nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề nóng của đô thị hiện nay…

ĐTTM giúp gia tăng khả năng tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 850 đô thị, khu vực đô thị đang đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. ĐTTM sẽ tạo thuận lợi cho người dân và DN và là động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Trên thực tế, mỗi địa phương đang theo đuổi mô hình ĐTTM khác nhau? Phải chăng không thể có mô hình chung cho các đô thị, thưa ông?

TS. Trần Quốc Thái: Có nhiều mô hình, giải pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu phát triển ĐTTM. Các dự án, đề án phát triển ĐTTM ở các địa phương hiện nay chủ yếu tập trung vào các giải pháp công nghệ như ứng dụng giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ công thông minh, du lịch thông minh, hành chính công và chính quyền điện tử… Quan điểm đó không sai nhưng mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Bởi mỗi đô thị có thực trạng phát triển khác nhau, tùy vào đặc thù, bề dày hình thành, những vấn đề bức xúc thực tiễn, mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng thay đổi của đô thị để lựa chọn giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất trong phát triển ĐTTM cho đô thị đó.

Và dù là bằng giải pháp nào đi chăng nữa mục tiêu cơ bản của ĐTTM là hướng tới phục vụ con người, lấy người dân làm trung tâm, xây dựng một đô thị có chất lượng cuộc sống cao, môi trường bền vững và nền kinh tế cạnh tranh.

Dựa trên nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, cân nhắc các đặc điểm, khả năng, tiềm năng của Việt Nam, Đề án 950 đã xác định mô hình phát triển ĐTTM cho Việt Nam giai đoạn tới cần tập trung vào 3 nội dung chủ đạo là quy hoạch thông minh; xây dựng và quản lý ĐTTM; cung cấp các tiện ích thông minh trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông.

Đề án 950 đã nhấn mạnh rằng các địa phương cần phải xem xét một cách tổng thể, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, tồn tại, đặc điểm riêng của từng đô thị…, từ đó lựa chọn các ưu tiên tập trung trong phát triển ĐTTM.

Các ưu tiên này vừa có thể là đầu tư trọng điểm, giải quyết có hiệu quả ngay những vấn đề bức xúc của đô thị, tức là mục tiêu ngắn hạn, vừa phải bảo đảm cân đối hài hòa với mục tiêu phát triển dài hạn của đô thị.

PV: Nguồn vốn có phải là vấn đề then chốt trong phát triển ĐTTM không, thưa ông?

TS. Trần Quốc Thái: Nguồn vốn để phát triển ĐTTM là vấn đề quan trọng. Các địa phương hay hỏi: “Nguồn lực ở đâu để phát triển ĐTTM?”.

Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình trên thế giới và thấy rằng nguồn vốn đầu tư cho ĐTTM của các đô thị khác nhau là khác nhau. Như mô hình của Barcelona (Tây Ban Nha), họ đề ra tổng kinh phí rất lớn nhưng họ chia nhỏ làm nội dung, chia thành nhiều giai đoạn, làm thí điểm trước sau đó rút kinh nghiệm. Hay như Ấn Độ, Chính phủ liên bang đầu tư 50%, nguồn vốn còn lại 50% là của thành phố, của địa phương…

Tại Việt Nam, nguồn vốn cho phát triển ĐTTM thực sự là bài toán khó cho các địa phương, đô thị. Bởi phát triển ĐTTM yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và phải chia sẻ đầu tư cho nhiều lĩnh vực. Hiện các hình thức liên kết, hợp tác giữa chính quyền đô thị và DN, trường đại học, viên nghiên cứu… chưa được hoàn thiên, có quy định rõ ràng cụ thể, do đó chưa huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển ĐTTM.

Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, nhiều DN có tiềm lực tài chính đã đầu tư, phát triển các giải pháp công nghệ số, dịch vụ tiện ích hướng đến phát triển ĐTTM. Các DN này nhìn nhận phát triển ĐTTM là một thị trường mới, nhiều tiềm năng, chưa được khai thác. Đồng thời, nhiều DN nước ngoài cũng đang tham gia phát triển ĐTTM tại Việt Nam. Thực tế này cho thấy, khả năng huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế hợp tác đầu tư ĐTTM là hoàn toàn khả thi. Điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải giữ vai trò điều phối các nguồn lực, xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn và khung pháp lý thông nhất nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các đối tác, các thành phần kinh tế trong xã hội cho phát triển ĐTTM. Nhà nước phải tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.

Hơn nữa, còn phải tính đến hiệu quả của đồng vốn đó. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến mô hình ĐTTM của tỉnh TT-Huế. Theo đó, TP Huế đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc nhất của đô thị trước, từng bước sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Mới phát triển ĐTTM ở giai đoạn đầu

PV: Nhìn tổng quan, Việt Nam đang phát triển ĐTTM ở mức độ nào, thưa ông?

TS. Trần Quốc Thái: Đến nay, cả nước đã có khoảng 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai triển khai đề án ĐTTM cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh. Về cơ bản, các địa phương đều đang triển khai thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó chú trọng xây dựng trung tâm hành chính công, triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các cấp độ, do đó có nhiều thuận lợi để thực hiện xây dựng mục tiêu phát triển ĐTTM.

Tại hầu hết các địa phương mới đang ở những bước đi khởi đầu, ký kết hợp đồng đối tác, lập đề án phát triển ĐTTM, xây dựng các khung kiến trúc, triển khai thí điểm một số dịch vụ ĐTTM. Một số địa phương đã đạt được các kết quả bước đầu, đem lại những tác động, hiệu quả tích cực như Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ninh...

Tuy nhiên, phần lớn các bước đi nói trên mới được triển khai từ các nỗ lực của chính quyền các cấp. Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển ĐTTM tại các địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, hình thành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ĐTTM, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và tính liên thông đa ngành…

PV: Theo ông, nguyên nhân của các tồn tại nói trên là gì?

TS. Trần Quốc Thái: Trước hết là do còn thiếu các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan trong khi phát triển ĐTTM lại có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều nội dung có tính chất liên ngành.

Và do thiếu cơ chế chính sách nên các địa phương, DN gặp nhiều lúng túng trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ĐTTM. Hơn nữa, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý ĐTTM còn hạn chế về số lượng.

Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về phát triển ĐTTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề rất mới và không dễ tiếp cận, do đó cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện thí điểm và áp dụng…

Tập trung hoàn thiện thể chế

PV: Với tư cách là cơ quan thường trực Đề án 950, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ làm gì nhằm thúc đẩy phát triển ĐTTM tại Việt Nam, thưa ông?

TS. Trần Quốc Thái: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 950. Trong đó, sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp lý hiện hành để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định về các cơ chế chính sách áp dụng đối với đô thị thực hiện thí điểm đầu tư phát triển ĐTTM.

Bộ đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng dẫn triển khai thực hiện; Tiếp tục hoàn thiện để trình ban hành đề án thí điểm phát triển ĐTTM vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo nhiệm vụ của Nghị quyết 120; đề xuất mô hình đầu tư, phân định rõ trách nhiệm đầu tư của Nhà nước và nội dung, lĩnh vực huy động sự tham gia của xã hội.

Bộ cũng sẽ rà soát, đánh giá để đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các bên có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Đề án 950.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển ĐTTM theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã xác định tại Đề án 950; Đẩy mạnh việc ứng dụng mô hình quản lý phát triển đô thị trên nền GIS; Thực hiện tốt các nhiệm vụ là cơ quan thường trực đại diện quốc gia tham gia Mạng lưới ĐTTM ASEAN, thúc đẩy các hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thiết lập các quan hệ, đối tác hợp tác.

Với tư cách là cơ quan đầu mối, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai Đề án 950. Theo tôi, sự hợp tác liên thông giữa các ban ngành ở cả cấp Trung ương và địa phương có ý nghĩa hết sức then chốt trong triển khai mục tiêu phát triển ĐTTM có hiệu lực, hiệu quả.

Nguồn: https://reatimes.vn/viet-nam-dang-phat-trien-do-thi-thong-minh-o-muc-do-nao-20201224000001170.html