23/01/2025 | 03:40 GMT+7, Hà Nội

Vì sao trái cây vào vụ, giá vẫn “phi nước đại”?

Cập nhật lúc: 14/05/2019, 23:06

Nhiều loại trái cây đang vào chính vụ nhưng theo chia sẻ của các tiểu thương, giá bán ra phải ở ngưỡng cao vì “cõng” thêm nhiều chi phí, trong đó có chi phí nhiên liệu vận chuyển.

 

 Mận Sơn La mẫu mã nhỏ đang được bán với giá 35.000 đồng/kg. Ảnh: Bảo Loan

Mận Sơn La mẫu mã nhỏ đang được bán với giá 35.000 đồng/kg. Ảnh: Bảo Loan

Nguồn cung dồi dào…

Mùa hè là thời điểm chính vụ của nhiều loại trái cây như các loại dưa gang, dưa bở, dưa hấu, dưa chuột, dưa lê… và các loại xoài, măng cụt, chôm chôm. Do thời tiết thuận lợi, nên năm nay nhiều loại trái cây cho sản lượng dồi dào tuy nhiên giá trái cây không còn đi theo nếp của những bài ca cũ kiểu: “Được mùa mất giá”.

Theo ghi nhận của PV tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), các loại dưa được canh tác tại địa bàn đang vào mùa chín rộ và được người dân bày bán rất bắt mắt hai bên dọc quốc lộ 3. Bà Hường (ở xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn) cho biết, dưa lê, dưa bở và dưa hấu là những loại trái cây được người dân địa phương lựa chọn canh tác nhiều nhất. Bởi lẽ, việc chăm sóc không quá khó khăn, lại cho sản lượng cao nên nhiều năm nay, một số loại dưa được trồng trên địa bàn huyện là nguồn cung cho một phần thị trường thành phố Hà Nội.

Cũng theo bà Hường, những năm trước, ngoài thời điểm đầu mùa được bán với giá nhỉnh hơn, thì vào giữa vụ, nguồn dưa trên địa bàn được bán lẻ với giá khá thấp, từ 3.500 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg đối với dưa lê được hái tại ruộng. Tuy nhiên, năm nay, giá bán ra với loại dưa này cũng chỉ “nhỉnh” hơn 1.000 đồng là 6.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg, với loại dưa to, mã đẹp. Dưa bở cũng tương tự. Năm nay, mặt hàng dưa bở có mã đẹp được bán lẻ tại ruộng là từ 8.000 đồng đến khoảng 10.000 đồng/kg.

“Dưa mã đẹp không nhiều, khi dưa chuẩn bị đến thời gian thu hoạch thì các đầu mối tiểu thương thu dưa về thị trường Hà Nội đã đặt mua toàn bộ vườn. Tuy nhiên, bán theo cách đó thì giá khá rẻ, vì quả đẹp quả xấu tiểu thương cũng lấy cả. Một số gia đình có sản lượng dưa không quá nhiều thì chấp nhận, chỉ đáp ứng thị trường bán lẻ ở khu vực để đảm bảo giá trị kinh tế cho gia đình. Năm nay, với cách tiêu thụ này, một sào dưa chúng tôi cũng thu được vài triệu đồng”, bà Hường cho hay.

Lý giải về giải pháp tự tiêu thụ nguồn dưa cho thị trường khách lẻ, bà Minh (65 tuổi, ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) cho biết: “Quốc lộ 3 có nhiều phương tiện qua lại nên vào đầu mùa, giá dưa bán ra rất đắt, với những quả dưa bở to đẹp, chúng tôi bán được khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhưng với thương lái thì chúng tôi bị ép giá tại ruộng. Có những năm bị ép giá, giá dưa bở, dưa lê chỉ dưới 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, với giá dưa như hiện tại, tôi tin nhiều gia đình có thể tự bán lẻ cho người đi đường, hoặc chịu khó hơn nữa thì đưa ra các chợ đầu mối để đảm bảo nguồn kinh tế cho gia đình”.

Các loại dưa không chỉ được canh tác diện rộng trên địa bàn huyện Sóc Sơn mà còn được trồng nhiều tại các huyện như Ứng Hoà, Đông Anh, Thanh Oai, Thạch Thất… Nhiều hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn thấy được, việc trồng các loại dưa trên địa bàn đều cho năng suất, thu nhập cao hơn trồng lúa.

Giá trái cây tại Thủ đô “leo thang”

 Ổi mẫu mã đẹp vào vụ có giá bán chỉ 25.000 đồng/kg.&

Ổi mẫu mã đẹp vào vụ có giá bán chỉ 25.000 đồng/kg.

Mặc dù nguồn cung khá dồi dào đối với một số loại trái cây được canh tác trong khu vực, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV tại một số chợ truyền thống, chợ bán lẻ, các trái cây như xoài, chôm chôm, mận, măng cụt và các loại dưa được bán với giá khá cao.

Chị Hằng, tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Hoa quả chúng tôi bán ở chợ được nhập chủ yếu từ chợ đầu mối Long Biên. Giá chúng tôi bán ra sẽ chênh lên khoảng 45 - 50% so với giá nhập. Tuy nhiên, hoa quả nhập tại chợ cũng có nhiều loại mẫu mã, mẫu đẹp được đựng trong thùng xốp sẽ có giá nhập cao hơn loại trái cây được đựng trong thùng các-tông có mẫu mã xấu hơn. Đặc biệt vào ngày mùng một, ngày rằm, trái cây chúng tôi bán được nguyên giá mà không bị khách hàng mặc cả”.

Cũng theo chị Hằng, giá bán ra của dưa hấu hiện nay là 20.000 đồng/kg; măng cụt là 50.000 đồng/kg; chôm chôm Thái (xuất xứ Thái Lan) có giá bán ra từ 55.000 – 65.000 đồng/kg; chôm chôm được trồng ở Việt Nam có giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg; dưa bở là 15.000 đồng/kg; dưa lê là 25.000 đồng/kg; xoài chu là 40.000 đồng/kg; ổi có giá là 25.000 đồng/kg; xoài Thái Lan là 45.000 đồng/kg; dứa có giá bán ra từ 8.000 - 12.000 đồng/quả, tuỳ mẫu mã…

Ngoài ra, một số loại trái cây trái mùa có giá bán ra rất cao. Đơn cử như na có giá bán ra là 80.000 - 100.000 đồng/kg, tuỳ loại mã; quýt Sài Gòn có giá là 45.000 - 50.000 đồng/kg.

“Thậm chí, mận đầu mùa (mận Sơn La, Lào Cai) đều rất được giá. Cách đây khoảng 2 tuần, mận đầu mùa có mẫu mã đẹp, to, quả mọng đều được chúng tôi bán với giá từ 80.000 - 100.000 đồng. Nhiều người là cán bộ văn phòng cũng tranh thủ nhập mận về bán với giá rất cao, từ 130.000 - 150.000 đồng/kg”, chị Hằng cho hay.

Lý giải về nhiều loại hoa quả vào vụ nhưng giá bán ra khá cao, chị Hằng cho rằng: “Các loại chi phí phát sinh như chi phí xăng xe, phí gửi xe vào chợ, chi phí thuê xe vận chuyển ra khu vực chợ… chúng tôi đều phải “áp” vào giá bán ra. Ví dụ như mặt hàng dưa bở hoặc dưa lê, vào những năm trước, chỉ có giá xăng biến động thì giá cũng không cao như năm nay. Tuy nhiên, năm nay, không chỉ giá xăng tăng nhiều lần, mà giá điện và giá gas cũng đồng thời tăng, nên việc giá của nhiều loại trái cây ở ngưỡng cao khi vào vụ cũng là điều dễ hiểu”.

Trong thời điểm, không chỉ trái cây mà nhiều mặt hàng cũng có xu hướng điều chỉnh giá tăng thì việc điều tiết chi tiêu trong gia đình tránh thâm hụt ngân quỹ là điều các bà nội trợ cần tính đến.

Bảo Loan