Hốt hoảng với giá xăng, người tiêu dùng lo phải quay cuồng với giá
Cập nhật lúc: 19/04/2019, 12:42
Cập nhật lúc: 19/04/2019, 12:42
Mặc dù tại các kỳ điều hành giá xăng, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã “mạnh tay” xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu, tuy nhiên, trong cả 2 lần tăng giá, giá xăng E5 RON 92 đã cán mốc 2.316 đồng/lít; xăng RON 95 là 2.430 đồng/lít. Điều này khiến người tiêu dùng “hoảng hốt” và lo ngại, có thể sẽ phải đón nhận một đợt tăng giá mới ở các mặt hàng.
Theo khảo sát của PV, khi được hỏi về sự kiện giá xăng tăng, các ý kiến đều lo lắng giá xăng, điện, gas cùng tăng một thời điểm sẽ khiến giá của các mặt hàng hoá biến động trong thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng. Đặc biệt là các đối tượng thất nghiệp, sinh viên mới ra trường, công nhân lao động...
Chị Nguyễn Thu Thảo (23 tuổi, quê ở Phú Thọ tạm trú tại Tổ 1, cụm Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một điển hình. Là sinh viên đang theo học năm 3 tại một trường nằm trên quận nội thành Hà Nội, nên từ khi nhận được thông tin về giá xăng tiếp tục tăng lần 2, Thảo không khỏi lo lắng cho cuộc sống của mình. Đặc biệt là chuẩn bị bước vào đợt nắng nóng kỷ lục, mức sử dụng điện sẽ tăng.
Nhiều người tiêu dùng không khỏi ‘hốt hoảng’ khi chỉ trong ít ngày giá xăng tăng cán mốc gần 2.500 đồng/lít là vượt mức kỷ lục.
Chị Thảo cho biết: “Với một sinh viên như tôi thì mức chi tiêu không nhiều, vì mỗi tháng tôi đã được gia đình chu cấp 2 triệu đồng để hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, tôi có đi làm thêm ở quán ăn, nhưng mức lương trả theo giờ của nhà hàng rất bèo bọt, chưa đầy 20.000 đồng/giờ làm. Vì vậy, khi nghe giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 2, tôi suy nghĩ nhiều cho các chi phí phát sinh ở Hà Nội”.
Cũng theo Thảo: “Chi phí nhà trọ của tôi ở Thanh Xuân là 3 triệu đồng/2 người trọ, mức giá điện chúng tôi phải chi trả theo giá điện kinh doanh là 4.000 đồng/số, nước tính theo đầu người là 80.000 đồng/người. Hàng tháng, chúng tôi chi trả cho vấn đề nhà trọ cũng hơn 2 triệu đồng/người vào mùa Đông. Điện rồi xăng, gas đều cùng tăng giá, tôi sợ nhất là kéo theo giá của nhiều loại hàng hoá”.
Giá xăng tăng, người tiêu dùng lo ngại xu hướng các mặt hàng hoá tăng giá.
Tương tự, anh Bùi Văn Quân (48 tuổi, lái xe taxi tại Hà Nội) không khỏi lo lắng về chi phí nhiên liệu cho chiếc taxi của mình.
Anh Quân giãi bày: “Mặc dù ở thời điểm hiện tại, giá cước vận tải của taxi không bị biến động theo giá nhiên liệu, bởi giá “mặc định” đã bù lỗ ở các thời điểm giá nhiên liệu biến động. Tuy nhiên, sau lần tăng giá thứ 2 từ đầu năm đến nay thì có lẽ, các hãng vận tải đang quan sát và tính toán cho mức điều chỉnh giá cước vận tải cho chu kỳ 3 – 6 tháng”.
Bởi theo anh Quân, với một chuyến chở khách liên tỉnh, ngoài chi phí nhiên liệu phải chi ban đầu thì còn chi phí cầu đường, hao mòn xe.
Anh Tân, công nhân xây dựng tại công trình chung cư ở đường Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội) cũng lo lắng: “Người lao động chân tay có lương tính theo ngày công chỉ 200.000 – 300.000 đồng như tôi rất mệt mỏi, mọi thứ đều tăng cùng một thời điểm. Số tiết tích góp hàng tháng để phòng khi không may ốm đau là không thể có, chỉ việc tiết kiệm chút ít rồi gửi về hỗ trợ mẹ già ở quê để lo cho cái ăn cái uống cũng là quá sức rồi”.
Tại kỳ điều chỉnh 2/4, ngày 17/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 1.377 đồng/lít xăng E5 RON 92, lên mức18.588 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng/lít.
Theo đó, các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại. Quỹ bình ổn giá xăng dầu sau nhiều đợt được xả mạnh thì ở kỳ điều hành lần này, nhà điều hành đã giảm khá nhiều. Mức xả quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 giảm về 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Mức chi quỹ với dầu diesel và dầu hoả là 0 đồng.
Trong khi trước đó, ngày 2/3, trong lần tăng giá đầu tiên của năm 2019, xăng E5RON92 đã tăng 939 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 946 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá, cán mốc gần 1.000 đồng/lít dầu các loại.
08:13, 19/04/2019
15:01, 18/04/2019
04:00, 07/04/2019