22/11/2024 | 12:27 GMT+7, Hà Nội

Vì sao không khí ở khu vực Tây Hồ ô nhiễm nhất Hà Nội?

Cập nhật lúc: 02/10/2019, 13:10

Nhiều người dân cảm thấy khó hiểu khi khu vực Tây Hồ, nơi có hồ nước tự nhiên lớn nhất Thủ đô và nhiều cây xanh lại có chất lượng không khí luôn ở mức xấu.

Khu vực hồ Tây thường xuyên có sương mù bao phủ gây khó khăn cho việc lưu thông không khí. Ảnh: Dân trí

Nhiều ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục ở mức ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu quan trắc của Air Visual (hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới), trong ngày 1/10, nhiều điểm tại Thủ đô Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức nguy hại (AQI >300; thuộc nhóm cảnh báo màu nâu) - đây là mức tất cả mọi người có nguy cơ gặp phải những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Đáng chú ý là chỉ số ô nhiễm không khí ở khu vực Tây Hồ luôn ở mức cao nhất Hà Nội. Cụ thể, AQI lúc 7h sáng ngày 1/10 tại điểm đo Tây Hồ ở mức 323. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại điểm đo này ở mức 273 µg/m3, cao gấp 10 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 27 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trước đó, trong sáng 30/10, hệ thống AirVisual cũng ghi nhận chỉ số AQI tại điểm đo Tây Hồ ở mức 279, chỉ số bụi mịn PM2.5 mức 229,7 µg/m3, mức cao nhất cả nước.

Sáng 30/9, theo xếp hạng của Airvisual, không khí ở khu vực Tây Hồ (Hà Nội) ô nhiễm nhất Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Nhiều người dân cảm thấy khó hiểu khi khu vực Tây Hồ, nơi có hồ nước tự nhiên lớn nhất Thủ đô và nhiều cây xanh lại có chất lượng không khí luôn ở mức xấu.

Lý giải về hiện tượng này trên Zing, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho hay, đơn vị chưa nắm được chính xác cách đo đạc của Air Visual tại những trạm quan trắc này.

“Đánh giá sơ bộ, khu vực này có không khí kém là do gần hồ, lượng sương mù lớn gây khó khăn cho việc lưu thông không khí, thoát bụi lên trên tầng cao” vị đại diện cho hay.

"Để đưa ra được các thông số chính xác về chất lượng không khí, phải có hệ thống, mạng lưới các điểm quan trắc, chương trình quan trắc với máy móc thiết bị hiện đại. Thông tin thu được từ trạm quan trắc sau đó còn phải được kiểm nghiệm, xử lý, xác định... Nếu không có mạng lưới rộng khắp, thì kể cả thông số đo được là chính xác thì cũng chỉ là tại một điểm đo đó, không đại diện được cho cả thành phố Hà Nội" - ông Nguyễn Văn Tài nói.

Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Nhận định sơ bộ, nguyên nhân bụi PM2.5 tăng cao là do đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt. Hình thái thời tiết này làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt vào thời điểm sáng sớm là lúc gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Bên cạnh đó, nhiều ngày qua, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường khuyến cáo, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, nhất là vào buổi sáng và đêm.

Do vậy, người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.