22/11/2024 | 04:35 GMT+7, Hà Nội

Vì sao dự án HUD lại làm “khổ” cư dân?

Cập nhật lúc: 14/06/2016, 16:11

Hàng loạt dự án HUD đang được cư dân lên tiếng phản đối. Vì sao lại có điều “trớ trêu” như vậy?

Từ việc tự ý cắt điện...

Đó là thực trạng được nhiều cư dân ở toà nhà CT1A1, CT1A2 khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội (do Cty phát triển nhà xã hội- HUD, thuộc Tổng Cty phát triển nhà và đô thị - HUD làm chủ đầu tư) phản ánh đến báo chí.

Theo người dân ở đây, chủ đầu tư đã nhiều lần tự ý cắt điện mà không thông báo trước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong toà nhà.

Đặc biệt, các cư dân cho biết, các toà nhà CT1- khối A1&A2, CT2-TP và CT4-A1 khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm là khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Thế nhưng những người dân thu nhập thấp này lại đang bị Ban quản lý toà nhà “móc túi” một cách không thương tiếc bằng cách làm trung gian buôn bán điện.

Theo thông tin mà một số cơ quan báo chí đưa tin, cư dân vào ở sớm nhất trong khu toà nhà này đã được hơn 5 tháng nay nhưng vẫn phải mua điện giá cao và qua khâu trung gian là Ban quản lý toà nhà với giá 2.929 VNĐ/KWh. Giá này đang cao hơn tất cả các mức áp dụng giá bán lẻ cho các ngành sản xuất.

Do không có chức năng mua bán điện, việc Ban quản lý tòa nhà đảm nhiệm bán và thu tiền từ các hộ dân cũng là sai quy định. Hiện các hộ dân đã gửi đơn đến các cơ quan: UBND quận Hoàng Mai; Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô Thị (HUD); Cty Cổ phần Phát triển nhà ở Xã hội HUD.VN; Cty TNHH MTV Dịch vụ Nhà ở và KĐT; Cty Điện lực Hoàng Mai, kiến nghị chấm dứt ngay việc làm trái quy định trên. Đồng thời yêu cầu được trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện với Cty Điện lực Hoàng Mai.

Các hộ gia đình đang phải mua điện với giá cao. Ảnh PLXH.

Các hộ gia đình đang phải mua điện với giá cao. Ảnh PLXH.

Theo phản ánh của bạn đọc, các hộ gia đình được nhận nhà và đã ký hợp đồng mua điện với Cty Điện lực Hoàng Mai. Thế nhưng tính cho đến nay đã chuyển về sinh sống được hơn 5 tháng, họ vẫn phải mua điện giá cao và qua khâu trung gian là Ban quản lý toà nhà với giá 2.929 VNĐ/KWh. Giá này đang cao hơn tất cả các mức áp dụng giá bán lẻ cho các ngành sản xuất.

“Hàng tháng chúng tôi đang bị BQL tòa nhà thu tiền điện với giá 2.929 VNĐ/KWh là quá cao. Kèm với đó là cách tính toán giá không minh bạch, rõ ràng. Giá này đang cao hơn tất cả các mức áp dụng giá bán lẻ cho các ngành sản xuất theo biểu giá điện kèm theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/03/2015 của Bộ Công thương. Do không có chức năng mua bán điện, việc BQL tòa nhà đảm nhiệm bán và thu tiền từ các hộ dân là sai quy định” – Bạn đọc cho hay.

... đến hàng loạt bất cập khác

Không riêng gì tiền điện, dịch vụ cung cấp nước sạch cũng đang là một thứ công cụ để cho BQL các tòa nhà “móc túi” người thu nhập thấp. Hiện nay, các hộ dân đang phải mua nước sinh hoạt từ Ban quản lý toà nhà với giá 11.615 đồng/1m3. Đây là mức giá nước sạch áp dụng cho các đối tượng sản xuất chứ không phải nước sinh hoạt. Các hộ dân cũng đã có đơn đề nghị được ký hợp đồng mua nước sạch trực tiếp với Viwaco, cho đến nay cũng chưa có phản hồi nào từ phía chủ đầu tư và Cty nước sạch Viwaco.

Trụ sở của HUD.

Trụ sở của HUD.

Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ mà người dân phải nôp cho những người quản lý trong tòa nhà như phí chuyển đồ lên căn hộ, phí sửa nhà… mà không có hóa đơn, phiếu thu rõ ràng. Đáng nói là hầu hết các căn chung cư ở đây, sau khi chủ đầu tư bàn giao thì người mua nhà không thể đến ở ngay, mà còn phải sửa chữa, lặp đặt nhiều thiết bị trong nhà. Những nội dung sửa chữa, lắp đặt đó là bắt buộc, chứ không phải làm mất đi kết cấu của tòa nhà. Vậy tại sao người dân lại phải nộp tiền mới được sửa nhà để vào ở ?!

Theo ghi nhận của phóng viên, cả ba tòa nêu trên, không có lối đi từ đường chính vào mà phải đi qua vỉa hè ở lối khác. Khu vực hành lang gần cầu thang thoát hiểm, phòng chứa rác hiện tại không được lát gạch gây khó khăn cho việc vệ sinh và sinh hoạt, lâu dài sẽ gây mất vệ sinh môi trường.

Vách kính tại khu vực hành lang chung của các tòa nhà đang là vách kính bịt kín, khó khăn cho việc thông gió tự nhiên, không thoát được mùi và ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của dân cư. Vậy nên người dân đã yêu cầu chủ đầu tư lát gạch hành lang thoát hiểm và nhà rác; điều chỉnh vách kính tại các hành lang thành dạng cửa mở hoặc song sắt.

Tại các phòng gom rác không có lối thông gió, quạt hút mùi lại không hoạt động, nên tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng dân cư./.

Biến đất công làm nhà hàng

Nhiều cư dân khu TT11 khu Đô thị Văn Quán đang bức xúc trước việc Tổng HUD quây tôn kín mít lô còn lại của khu CC2 để xây dựng hệ thống nhà hàng trên phần đất mà chính Tổng HUD đã cam kết làm vườn hoa cây xanh.

Theo kiểm tra của Thanh tra xây dựng quận Hà Đông vào ngày 13-4-2016 thì đơn vị tổ chức thi công đã xây dựng 1 nhà có diện tích khoảng 50,05m2 xong phần móng, 1 nhà có diện tích khoảng 334,58m2 xong phần móng và đổ cột bê tông cốt thép.

Qua kiểm tra, đơn vị thi công xây dựng công trình chưa phù hợp với bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng lô CC2 tỉ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ của Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội tại Văn bản số 549/QHKT-P4 ngày 20-2-2014. Đội Thanh tra Xây dựng đã yêu cầu dừng thi công công trình để xem xét xử lý.

Theo bản vẽ quy hoạch 1/500 mặt bằng lô CC2 được Sở Xây dựng Hà Tây (trước đây) xác nhận tháng 6-2007 gồm công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng, chung cư và công trình nhà hàng với diện tích xây dựng thuộc lô CC2 là 945/10.630m2.