18/01/2025 | 17:17 GMT+7, Hà Nội

'Bơm' tiền tỷ mua dự án Tincom Pháp Vân, khách hàng ‘ngậm trái đắng'

Cập nhật lúc: 04/05/2016, 16:45

Người mua nhà đã "bơm" hàng tỷ đồng vào dự án Tincom Pháp Vân. Tuy nhiên, sau 6 năm dự án được xây dựng với tốc độ "rùa bò".

Người mua nhà kêu cứu

Báo VTC News dẫn đơn kêu cứu của ông Trương Duy Nghĩa (bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, vào cuối năm 2009, vợ chồng ông Nghĩa có đặt cọc tiền mua căn hộ tại dự án Tòa nhà Chung cư Tincom Pháp Vân do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư.

Sau đó, công ty này đã ủy quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế hệ mới ký hợp đồng “ủy thác đầu tư” với khách hàng.

Đến ngày 15/11/2010, vợ chồng ông Nghĩa đã chuyển góp vốn ủy thác cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế hệ mới số tiền tổng cộng là 1,354 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi chuyển số tiền, dự án Tincom Pháp Vân đã không triển khai xây dựng như trong hợp đồng.

Chính vì vậy, đến ngày 05/5/2013, ông Nghĩa làm đơn đề nghị thoái vốn gửi 2 công ty này. Không lâu sau đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long đã liên tiếp có thư trả lời xác nhận việc ông Nghĩa góp vốn với số tiền 1.350.400.000 đồng và cam kết thoái vốn trong thời gian sớm nhất.

Hiện trạng dự án mới tại đường Giải Phóng của Công ty Thăng Long. Ảnh: KV.

Hiện trạng dự án mới tại đường Giải Phóng của Công ty Thăng Long. Ảnh: KV.

Sau đó, qua nhiều lần liên hệ với công ty này, đến ngày 19/02/2014, Công  ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long mới có phương án trả phần vốn vay cho ông Nghĩa. Theo đó, lộ trình trả được chia làm 4 đợt, lần đầu trả ông số tiền là 100 triệu đồng, thời gian trả lần cuối là vào ngày 20/5/2014.

Tuy nhiên, đến nay, ông Nghĩa vẫn chưa nhận được số tiền cam kết trả của công ty và phía chủ đầu tư cũng không có bất cứ thông báo nào khác.

Trước đó, phản ánh lên báo điện tử VTC News, chị Lan Phương - một khách hàng mua nhà tại dự án Tincom Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngày 30/5/2011, chị có ký Hợp đồng góp vốn số B2602/TINCOM-PV với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long để mua căn hộ tại dự án Tincom Pháp Vân.

Ngày 30/5/2011, chị Phương đã nộp cho chủ đầu tư hơn 705 triệu đồng theo đúng nội dung hợp đồng góp vốn.

Được biết tiền thì khách hàng đã đóng đủ cho chủ đầu tư, nhưng dự án thì hơn 4 năm nay vẫn dừng ở phần làm móng và đắp chiếu trong suốt một thời gian dài. Do dự án không triển khai đúng tiến độ như trong hợp đồng, nên chị Lan Phương đã nhiều lần làm đơn đề nghị chủ đầu tư chấm dứt hợp động và trả lại tiền cho khách hàng theo đúng điều khoản trong hợp đồng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ hứa trả tiền bằng miệng, còn văn bản hẹn trả tiền của chủ đầu tư thì không ghi cụ thể thời gian trả tiền. Sau nhiều lần yêu cầu, chị Lan Phương mới nhận được một cái hẹn sẽ trả tiền của chủ đầu tư là "muộn nhất sẽ trả vào tháng 10/2013".

"Ngày 31/10/2013 tôi đến Công ty nhưng không gặp được lãnh đạo nào, gọi điện cho ông Thang Văn Lượng - Chủ tịch HĐQT thì không trả lời. Hiện số máy của ông Lượng đã không còn liên lạc được", chị Lan Phương nói.

Trong khi khách hàng như "ngồi trên đống lửa" vì gần 6 năm xây dựng nhà chưa thấy, tiền chủ đầu tư cũng không trả thì trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Trường, đại diện Công ty Thăng Long cho hay, công ty khồng hề trốn tránh trách nhiệm trả tiền mà công ty vẫn đang cố để trả nợ hết cho khách hàng.

Không chỉ trường hợp ông Duy Nghĩa, từ năm 2012 đến nay, cũng có một số khách hàng mua dự án Tincom Pháp Vân có nhu cầu rút vốn. Từ năm 2013, công ty đã cố gắng thu xếp vốn để trả tiền cho khách hàng, nhưng do thị trường bất động sản không được thuận lợi lắm.

Cũng theo ông Trường, tiến độ của dự án đúng là bị chậm so với trước kia nhưng nếu khách hàng nào không có nhu cầu mua thì công ty sẽ đẩy mạnh bán hàng để chi trả tiền cho họ.

“Tại thị trường bất động sản đóng băng”

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Xuân Trường, đại diện Công ty Thăng Long cho hay, trường hợp trên không phải trường hợp duy nhất muốn thoái vốn khỏi dự án này. Từ năm 2012, cũng có một số khách hàng của Tincom Pháp Vân có nhu cầu xin rút vốn.

“Với gia đình, công ty đã có công văn trả lời và đã khắc phục bằng cách chi trả một phần tiền. Từ năm 2013, công ty đã cố gắng hợp tác để chi trả tiền cho ông Duy, nhưng do thị trường bất động sản không được thuận lợi cho lắm nên…”, ông Trường nói.

Đại diện công ty này thông tin thêm, tiền thu từ trường hợp trên công ty đã đổ vào xây dựng dự án. Thế nhưng, sau 6 năm kể từ ngày nhận đủ tiền của thượng đế, dự án hiện mới hoàn thành khoảng 20% tiến độ.

Ông Trường thừa nhận: “Tiến độ đã bị chậm so với hợp đồng ký trước kia, dù trước đây chúng tôi không nêu cụ thể thời gian bàn giao nhà. Đến giờ dự án vẫn đang được triển khai, nhưng nếu các khách hàng không có nhu cầu mua nữa thì công ty sẽ cố gắng đẩy mạnh bán hàng để chi trả tiền cho họ”.

“Chúng tôi không hề trốn tránh trách nhiệm trả tiền, vẫn đang cố trả. Tuy nhiên, thị trường bất động sản thời gian vừa qua đóng băng, rất khó cho doanh nghiệp…”, ông Trường phân trần.

Khi được hỏi tại sao lãnh đạo Công ty Thế hệ mới, đơn vị đứng ra huy động vốn từ khách hàng cho Tincom Pháp Vân “đem con bỏ chợ”, không chịu lên tiếng phản hồi khách hàng và căn cứ pháp lý để hai công ty “đẻ” ra Hợp đồng ủy thác đầu tư”, ông Trường cho hay: “Cái này tôi không rõ”.

Thực tế, dự án này mới xây dựng được 20% tiến độ. Ảnh: Chí Kiên.

Thực tế, dự án này mới xây dựng được 20% tiến độ. Ảnh: Chí Kiên.

Kêu khó là vậy, nhưng Công ty Thăng Long lại sắp trình làng dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng. Đây là tổ hợp khu nhà ở cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại được xây dựng trên diện tích đất khoảng 3,6 ha. Công ty này đã khởi công xây dựng dự án từ quý IV/2015.

Theo các chuyên gia đánh giá, việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long chậm trễ trong việc triển khai tiến độ dự án Tincom Pháp Vân, cộng thêm với chuyện chây ỳ trong việc trả tiền huy động vốn cho khách hàng đã thể hiện sự không chuyên nghiệp của một chủ đầu tư bất động sản, gây mất niềm tin cho những người mua nhà. 

Với cách hành xử thiếu tôn trọng và không giữ chữ “tín” với khách hàng như trên, những ai đang có ý định bỏ số tiền bao năm chắt chiu của mình ra để mua căn hộ tại dự án 360 Giải Phóng có nên suy nghĩ lại?  Dự án Tincom Pháp Vân đã từng để sắt rỉ “đủ 6 năm” mới xây móng, thử hỏi liệu “thượng đế” nào còn muốn bắt tay với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long?

Chung cư Tincom Pháp Vân nằm trên địa bàn xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội với tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 5.787 m2 và tổng diện tích xây dựng khoảng 56.440 m2. Theo thiết kế, dự án gồm 29 tầng cùng với 1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm.

Tháng 10/2009, Công ty Thăng Long được UBND TP. Hà Nội trao quyết định làm chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án. Ngay sau khi khởi công dự án, Tincom Pháp Vân đã bị chính quyền địa phương ra quyết định đình thi công chỉ vì chưa có giấy phép xây dựng. Đến cuối năm 2011, sau khi có giấy phép xây dựng, dự án đã tiếp tục được triển khai trở lại. Nhưng cho đến đầu năm 2012 thì dự án dừng hẳn và quây tôn cho đến nay.

Chủ đầu tư hứa bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2014, nhưng đến nay – tháng 4/2016, dự án mới đang xây dựng tới sàn thứ 4 – chiếm 20% tiến độ toàn bộ.