23/04/2024 | 22:20 GMT+7, Hà Nội

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, cá nhân bị phạt đến 1,5 tỷ đồng

Cập nhật lúc: 08/10/2018, 15:00

Đối với mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, dự thảo Luật quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, nhằm khắc phục các bất cập của Luật Chứng khoán hiện hành.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 137 điều, quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán; tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đáng quan tâm, Dự luật quy định điều kiện chào bán riêng lẻ theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc các công ty lạm dụng chào bán riêng lẻ thay vì chào bán ra công chúng.

Theo Dự thảo, đối tượng tham gia đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược.

vi pham hanh chinh trong linh vuc chung khoan ca nhan bi phat den 15 ty dong
Theo Dự thảo, mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với cá nhân là 1,5 tỷ đồng (ảnh: internet)

Việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng chứng khoán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án, Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật (hiện tại không hạn chế đối tượng và thời gian hạn chế chuyển nhượng chỉ là 1 năm).

Đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ (không phải trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền), Dự luật quy định chỉ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp cho đến khi đáo hạn trái phiếu.

Qua tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nhằm khắc phục những hạn chế trong đăng ký niêm yết chứng khoán hiện nay ở nước ta, dự thảo Luật bổ sung quy định chứng khoán đã chào bán ra công chúng, chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, quỹ hoán đổi danh mục, chứng quyền có bảo đảm, chứng khoán phái sinh do Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận phải được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán.

Tổ chức phát hành khi đăng ký niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện về vốn, hoạt động kinh doanh và khả năng tài chính, số cổ đông hoặc số người sở hữu chứng khoán hoặc các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý tài sản của khách hàng. Trong đó, quy định rõ tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý, tài sản của khách hàng ủy thác trên tài khoản lưu ký của công ty quản lý quỹ là tài sản của khách hàng, không phải của công ty.

Đối với mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, dự thảo Luật quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt tiền tối đa trong trường hợp vi phạm lần đầu và tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại Luật này.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

H.L