19/01/2025 | 10:17 GMT+7, Hà Nội

Ai được đầu tư, kinh doanh chứng khoán?

Cập nhật lúc: 14/07/2016, 06:42

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Theo đó, nhóm đối tượng của Nghị định mới này là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, thành viên lưu ký, thành viên giao dịch, ngân hàng thanh toán, ngân hàng giám sát, Sở Giao dịch chứng khoán, các tổ chức cá nhân thực hiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán,...

Để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, trước hết công ty chứng khoán thì phải đảm bảo các điều kiện về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị; vốn; nhân sự; cổ đông, thành viên góp vốn.

Trong đó, về điều kiện vốn, Nghị định quy định vốn đã góp tại thời điểm thành lập công ty tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Về cổ đông, thành viên góp vốn, Nghị định quy định cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn phải đáp ứng các quy định tại khoản 5, 6, 7 và 10 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP, quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài tại khoản 21, 24 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP và phải bảo đảm tại thời điểm đăng ký thành lập, tổ chức tham gia góp vốn không có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (nếu có).

Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định.

Nghị định 86/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh của công ty chứng khoán.

Điều kiện tổ chức lại công ty chứng khoán

Đối với trường hợp công ty chứng khoán muốn hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cần đáp ứng các điều kiện:

Thứ nhất, công ty hình thành sau tổ chức lại phải đáp ứng điều kiện về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn, nhân sự.

Trường hợp công ty chứng khoán sau tổ chức lại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì chủ sở hữu phải đáp ứng quy định kể trên;

Thứ hai, trường hợp việc tổ chức lại công ty kết hợp với chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần ra công chúng hoặc có các giao dịch phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thì phải bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật có liên quan,

Và điều kiện thứ ba, tuân thủ các điều kiện theo quy định pháp luật về cạnh tranh và các pháp luật khác có liên quan về tổ chức lại doanh nghiệp.

Điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày, dịch vụ kinh doanh, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Theo đó, công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện sau:

  • Được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán và được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty chứng khoán thông qua việc thực hiện giao dịch ký quỹ;
  • Là thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và không đang trong tình trạng cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản;
  • Không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ tính theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét, đảm bảo không quá 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ. Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính soát xét gần nhất phải là ý kiến chấp nhận toàn phần;
  • Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng;
  • Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 180% liên tục trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ;
  • Có hệ thống giao dịch phục vụ giao dịch ký quỹ, giám sát tài khoản giao dịch ký quỹ; hệ thống để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán tách biệt tới từng nhà đầu tư tại ngân hàng; quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát nghiệp vụ giao dịch ký quỹ.

Nội dung chi tiết Nghị định 86/2016/NĐ-CP xem tại đây