22/11/2024 | 19:05 GMT+7, Hà Nội

Vệ sinh tai mũi họng đúng cách cho trẻ trong mùa đông

Cập nhật lúc: 18/12/2019, 14:00

Thời tiết hanh khô cùng với mức độ ô nhiễm bụi mịn hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh hô hấp gia tăng ở trẻ. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm kịp thời dễ trở nên mạn tính và gây nhiều bệnh nguy hiểm.

Tai mũi họng là cơ quan rất dễ tổn thương, đặc biệt là trong thời tiết hanh khô và ô nhiễm không khí nặng nề như hiện nay. Do đó, việc vệ sinh đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận cao. Các bác sĩ khuyến nghị để vệ sinh tai mũi họng đúng cách cho trẻ, bố mẹ nên thực hiện theo các bướ csau:

Vệ sinh mũi, họng cho trẻ

Mũi là bộ phận liên quan đến hệ hô hấp nên cần phải được làm sạch thường xuyên. Mẹ tuyệt đối không được dùng ngón tay hoặc móng tay để lấy gỉ mũi, hành động này sẽ dẫn đến làm tổn thương đến màng mũi mỏng manh của trẻ.

Để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.

Sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho trẻ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, mẹ cũng cần sử dụng dụng cụ rơ lưỡi dành riêng cho trẻ để tiến hành làm sạch khoang miệng cũng như vòm họng của trẻ, loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh hô hấp tấn công trẻ.

Lưu ý rằng, mẹ không nên quá lạm dụng các dụng cú hút mũi thường xuyên cho trẻ bởi hút mũi dễ làm ảnh hưởng đến màng mũi, gây chảy máu hoặc khiến khoang mũi bị sưng.

Đối với những trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể vệ sinh mũi họng cho con bằng cách cho trẻ súc miệng bằng nước muối hàng ngày và xịt nước muối biển từ 3-4 lần/ngày để đảm bảo vệ sinh mũi họng.

Vệ sinh tai cho trẻ

Đối với trẻ sơ sinh, lỗ tai của các bé còn khá nhỏ nên mẹ không cần ngoáy sâu vào bên trong khi thực hiện vệ sinh. Khi lau mặt cho trẻ, mẹ có thể dùng khăn mềm lau phía ngoài của tai nhưng không lau quá sâu bên trong tai.

Dùng tăm bông để vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh là một cách làm sai lầm có thể gây tổn thương tai nghiêm trọng. Đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ chỉ vì được cha mẹ dùng tăm bông để ngoáy tai. Mẹ chỉ cần dùng một chiếc khăn bông mỏng, xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn rồi từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại theo chiều xoắn của khăn. Đối với nhứng trường hợp ráy tai nhiều, vón cục, mẹ hãy dùng nước muối sinh lý nhỏ vào tai 1 – 2 giọt để ráy tai mềm và vỡ ra. Sau đó thực hiện các bước như trên là được.

Cần chú ý lựa chọn tăm bông đảm bảo vệ sinh để tránh làm tổn thương tai trẻ (Ảnh minh họa)

Với những trẻ trên 3 tuổi, mẹ có thể sử dụng tăm bông để làm sạch. Lưu ý, tăm bông phải đảm bảo vệ sinh, có xuất xứ rõ ràng, kích thước phù hợp (dành cho trẻ), sợi bông mịn, mềm tránh tổn thương vùng tai của trẻ.

Ngoài ra, khi tắm gội, mẹ cần lưu ý không nên hạ thấp đầu bé vì nước hay dầu gội có thể chảy vào tai bé gây viêm nhiễm. Mặt khác, không nên cho bé bú nằm vì sữa có thể chảy từ miệng vào tai, mũi và gây sặc, nhiễm khuẩn.