19/01/2025 | 13:36 GMT+7, Hà Nội

Ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn

Cập nhật lúc: 19/01/2020, 11:00

BHXH Việt Nam không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân.

Hiện nay BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp các bộ, ngành xây dựng Ðề án cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDL) về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL Quốc gia có liên quan, để trình Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, thực hiện mục tiêu “Xây dựng Ngành Bảo hiểm Xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, trong những năm qua, Ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi hoạt động quản lý, nghiệp vụ. Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực: Thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đến nay, đã có 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và hơn 34,78 triệu hồ sơ điện tử giao dịch phát sinh trên hệ thống với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 98,9%.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã tới thăm Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các phần mềm: Lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của Ngành; Thu và quản lý sổ thẻ; Kế toán tập trung; Xét duyệt chính sách; Quản lý đầu tư quỹ; Quản lý đấu thầu thuốc tập trung... Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành hiện nay đã kết nối với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc (gần 100%). Hệ thống đã tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán của hàng triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt hơn 95%.

Bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH cho biết: BHXH đã xây dựng nhiều quy trình thuận tiện cho người lao động đồng thời tiến hành cắt giảm các thủ tục hành chính. Hiện, chúng tôi chỉ còn tổng 28 thủ tục hành chính cho toàn bộ các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân khi giao tiếp với cơ quan BHXH. Hơn nữa, chúng tôi cũng tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, bằng việc liên thông cơ sở dữ liệu giữa các tỉnh. Người dân chỉ cần đến làm việc tại cơ quan BHXH gần nhất mà vẫn truy xuất được dữ liệu của mình. Chúng tôi còn đẩy mạnh giao dịch điện tử trong các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, thuận tiện cho người dân và đơn vị khi giao tiếp với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng phương thức chi trả linh hoạt. Người thụ hưởng BHXH có thể lựa chọn nhận tiền mặt tại cơ quan BHXH, hay qua tài khoản ngân hàng, hoặc qua người sử dụng lao động mới.

Với những kết quả đạt được nêu trên, theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT. Cơ sở dữ liệu này đã sẵn sàng tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia..

BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC thông qua việc tiếp tục nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, TTHC gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các CSDL của các bộ, ngành. Đặc biệt, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh thanh toán điện tử và đảm bảo các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Trong đó, BHXH Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử trên nền tảng áp dụng phương thức thanh toán điện tử trực tuyến công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa góp phần tăng tốc độ xử lý giao dịch, hiện đại hóa công tác thanh toán của ngành BHXH, đồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH. Ngoài ra, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và cung cấp các công cụ, tiện ích để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH được thuận tiện, cung cấp dịch vụ công điện tử, hỗ trợ truy cập cho thiết bị di động. Các ứng dụng trên nền tảng di động sẽ cho phép truy cập, tra cứu và khai thác thông tin một cách tiện lợi và đa dạng cho các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Trên tinh thần đổi mới, sáng tạo đó, BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất. Mục tiêu này, chắc chắn sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.