19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Ứng dụng công nghệ tài chính trong mùa Covid-19

Cập nhật lúc: 21/05/2021, 15:18

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến nhiều xu hướng công nghệ mới, nhiều sản phẩm, dịch vụ góp phần định hình thói quen và hành vi cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Nhiều nhu cầu hằng ngày như đặt xe di chuyển, gọi đồ ăn, giao dịch ngân hàng, quản lý tài chính, thanh toán hóa đơn… đều có sự len lỏi của công nghệ thông qua các thao tác chạm trên màn hình thiết bị điện tử.

công nghệ
Số hóa giúp người tiêu dùng tiếp cận nhu cầu tài chính thông qua công nghệ một cách dễ dàng

Đặc biệt là dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, đã có sự dịch chuyển thói quen sống và hành vi tiêu dùng của đại đa số người dân. Họ tích cực tiếp cận các hình thức mua sắm và thanh toán online trên các ứng dụng di động thay vì các giao dịch truyền thống. Nếu trước đây, đa số người dùng của các ứng dụng công nghệ là đối tượng trẻ, thì hiện nay, tầng lớp trung niên cũng đang bắt kịp với xu hướng đó.

Cô Thu Hà, 56 tuổi, một cán bộ đã nghỉ hưu tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ cảm nghĩ sau một thời gian làm quen với những ứng dụng công nghệ: "Trước đây tôi không để ý lắm, nhưng đợt giãn cách vừa rồi, ở nhà suốt nên tôi tập sử dụng các ứng dụng di động thì thấy chúng thuận tiện và dễ sử dụng hơn tôi tưởng rất nhiều. Từ việc mua hàng online, thanh toán hóa đơn đến chuyển tiền tôi đều thực hiện trên ứng dụng, không cần nhờ ai. Thậm chí, tôi còn tự đăng ký mua bảo hiểm qua ứng dụng Shield, chỉ chưa đầy nửa tiếng là tôi đã có bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vẫn gửi về nhà tôi. Đặc biệt khi có yêu cầu bồi thường, tôi cũng chỉ cần chụp hình đủ giấy tờ rồi gửi lên ứng dụng là được xử lý".

Theo thống kê, trong số các lĩnh vực dịch vụ ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực tích cực nhất trong việc đầu tư vào chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết năm 2020, những dịch vụ gắn với di động, internet như mobile banking, internet banking, thanh toán không dùng tiền mặt, tăng rất mạnh. Riêng mobile banking tăng trên 100% còn internet banking tăng khoảng 30%.

Không nằm ngoài xu hướng đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng của khách hàng. Vốn phục vụ chính cho nhóm đối tượng lao động thu nhập thấp, có ít trải nghiệm công nghệ trong dịch vụ tài chính, ứng dụng của các công ty này luôn ưu tiên sự đơn giản, thuận tiện, được phát triển dựa trên thực tế hành vi tín dụng và tiêu dùng của khách hàng.

Là một khách hàng thường xuyên của dịch vụ cho vay tiêu dùng, anh Nguyễn Mạnh Huy (49 tuổi), tài xế xe ôm công nghệ tại quận Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ ngày trước mỗi khi muốn trả góp khoản vay hằng tháng, anh phải đến các điểm thu hộ hoặc nhờ người thân đóng tiền giúp, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, các cửa hàng đóng cửa, anh được nhân viên tư vấn sử dụng ứng dụng FE CREDIT Mobile thì thấy thuận tiện hơn rất nhiều: "Bây giờ, hằng tháng, tôi tự kiểm tra lịch trả nợ và thanh toán ngay trên ứng dụng, tiện lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, tôi còn có thể tra cứu hạn mức thẻ tín dụng, thanh toán hóa đơn điện, nước".

Công cuộc số hóa của các công ty tài chính đã giúp cho mọi tầng lớp người tiêu dùng có thể tiếp cận với nhu cầu tài chính thông qua công nghệ một cách dễ dàng, kể cả tầng lớp trung niên, vốn khó chấp nhận sự thay đổi. Không chỉ thuận tiện và tiết kiệm thời gian, những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính còn giúp họ thu hẹp khoảng cách thế hệ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào người thân, bắt kịp với xu hướng.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ung-dung-cong-nghe-tai-chinh-trong-mua-covid-19-20201231000002667.html