18/01/2025 | 14:38 GMT+7, Hà Nội

Uber trốn thuế?

Cập nhật lúc: 05/09/2016, 14:17

Bộ GTVT vừa có công văn khuyến cáo các đơn vị vận tải không ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp quy định và trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến nay, Bộ GTVT đã nhận được Đề án của Cty TNHH GrabTaxi, Cty CP Ánh Dương Việt Nam và đã có văn bản hướng dẫn các công ty này thực hiện đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn một số địa phương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều DN chưa chấp hành quy định

Sau một thời gian thực hiện, đề án đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể: Sở GTVT địa phương đã nắm được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện (theo quy định và mẫu báo cáo định kỳ gửi về Sở GTVT); bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện (ô tô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; xe có niên hạn sử dụng không quá 8 năm và thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của DN, hợp tác xã vận tải; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng; việc thanh toán với người thuê vận tải.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành như không có phù hiệu hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trường hợp của Uber đã nhiều lần bị báo chí về việc “dù có đăng ký hộ kinh doanh cá thể và có doanh thu hàng tháng lên tới vài chục triệu đồng nhưng phần lớn các tài xế Uber đều không nộp thuế thu nhập cá nhân hay thuế GTGT trong khi nhà cung cấp dịch vụ cũng đứng ngoài vòng kiểm soát thuế của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc, hướng dẫn Uber xây dựng đề án thí điểm nhưng đến thời điểm hiện tại Bộ và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn.

Tại Việt Nam, chỉ riêng ở TP HCM ước tính có khoảng 4.000 taxi Uber đang hoạt động. Ngoài khoản chia lợi nhuận cho tài xế, Uber có thể kiếm được 30 tỷ đồng/tháng từ khoản thu 20% và chuyển về Hà Lan mà không chịu bất cứ loại thuế nào.

Quyết liệt xử lý

Trước tình hình này, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT TPHCM tiếp tục hướng dẫn Cty TNHH GrabTaxi, Cty CP Ánh Dương Việt Nam triển khai thực hiện các đề án thí điểm đã được phê duyệt theo đúng nội dung yêu cầu tại Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đặc biệt, Bộ GTVT khuyến cáo các đơn vị vận tải không ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp quy định. Sở GTVT Hà Nội và TPHCM chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng công an, cơ quan thuế trên địa bàn tập trung cao điểm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định, ngang nhiên coi thường pháp luật thì các Sở GTVT kiến nghị về Bộ GTVT trước ngày 20/9.