Từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển
Cập nhật lúc: 27/10/2020, 13:30
Cập nhật lúc: 27/10/2020, 13:30
Di sản sẽ bị lãng quên và chôn vùi trong quá khứ; thiên nhiên cũng sẽ mất đi giá trị nếu chúng ta giữ nguyên hiện trạng, đóng cửa các khu rừng...
Vườn Quốc gia Ba Vì hiện có gần 200 nền phế tích là hiện thân của một thị trấn sầm uất, khu nghỉ dưỡng mà người Pháp đã xây dựng cách đây gần 100 năm tại các độ cao 400m, 600m và 1.000m, có giá trị về văn hóa, lịch sử rất lớn. Các nền phế tích hiện vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong, nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì.
Mới đây, "ý tưởng" về phục dựng phế tích thời Pháp, đánh thức tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng đã "ngủ quên" cả thế kỷ ở Vườn Quốc gia Ba Vì đã được đặt ra tại một tọa đàm khoa học mang tên: "Phát huy giá trị phế tích của Vườn Quốc gia Ba Vì", trong đó gợi nhắc nhiều đến sự "phù hợp" của một dự án resort mọc giữa khu phế tích và sự "tiên phong" của chủ đầu tư khi phát triển dự án khơi dậy tiềm năng du lịch của Ba Vì.
Nhiều luận điểm được đưa ra để chứng minh cho sự cần thiết của việc khơi dậy các tiềm năng từ khu phế tích nhằm phát triển Ba Vì thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, để tương lai của Vườn Quốc gia Ba Vì không chỉ dừng lại ở việc là lá phổi xanh của khu vực, là nơi lưu giữ những giá trị về văn hóa, lịch sử từ thời Pháp thuộc mà còn phát huy được giá trị về kinh tế…
Theo đó, việc làm sống lại các di tích bằng cách phục hồi, tái sử dụng tích cực được coi là chiến lược để bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Đây cũng là cách để các di tích, di sản sống mãi với thời gian.
Các phế tích Pháp tại Ba Vì. Ảnh: VnExpress.
-"Các phế tích Pháp tại Ba Vì là dấu tích của di sản quy hoạch kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp. Chúng tạo cảm xúc lịch sử với đầy đủ yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian. Do đó, có thể phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu đồng thời bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa cốt lõi", một vị chuyên gia cho hay.
-"Ba Vì thực sự là một cơ hội tốt để tạo ra khu nghỉ dưỡng tuyệt vời, chứ không chỉ là một công cụ kinh doanh".
-"Để biến Ba Vì thành một khu resort thì chúng ta cần phải xây dựng thêm các công trình, phòng nghỉ, các tiện ích, khu trải nghiệm...".
-"Để tạo sự hấp dẫn hơn cho cả vùng du lịch tâm linh Ba Vì, có lẽ cần xây dựng thêm nhiều các biệt thự nghỉ dưỡng trên nền kiến trúc cổ xưa, tuy nhiên với một tỷ lệ nào đó là hài hòa"...
-"Việc phát huy, khai thác và thức tỉnh các phế tích Ba Vì để phục vụ cộng đồng được thăm quan, sống cùng một thời kỳ lịch sử là một hướng đi cần thiết. Cần bảo tồn và khai thác hợp lý, hài hòa".
Đó là một số luận điểm nói lên sự kỳ vọng về một khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì đầy tiềm năng sẽ phát triển mạnh trong tương lai khi các phế tích được phục dựng, nhiều biệt thự nghỉ dưỡng, phòng nghỉ mọc lên với sự "bảo tồn và khai thác hợp lý, hài hòa".
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nhiều vườn quốc gia, vùng di sản... bị xâm hại trong thời gian qua, "sự hợp lý, hài hòa" nói trên, hay cụ thể hơn là câu chuyện tạo thế cân bằng giữa việc bảo tồn và phát triển vẫn là một bài toán khó.
Thực tế, đã có những giải pháp cụ thể được đưa ra để hạn chế tác động vào thiên nhiên, di sản trong quá trình phát triển du lịch.
Nhưng với một nơi được mệnh danh là “núi tổ”, không chỉ mang trong mình những giá trị tài nguyên rừng sẵn có, vị trí địa lý và điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi, thảm thực vật đa dạng và phong phú mà còn chứa đựng cả một đời sống văn hóa, lịch sử, giá trị tâm linh linh thiêng hàng thiên niên kỷ như Vườn Quốc gia Ba Vì thì câu chuyện phục dựng phế tích, đầu tư nghỉ dưỡng như thế nào có lẽ phải cần thời gian để chứng minh. Nhưng những “vết xe đổ” dưới đây sẽ là bài học kinh nghiệm để kịp thời để hạn chế những sai lầm có thể lặp lại.
Câu chuyện một số địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó có các vườn quốc gia trên toàn quốc bị xâm hại, thậm chí bị tàn phá về cảnh quan, môi trường là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay. Quá trình đầu tư, phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, ồ ạt giúp nhiều địa phương thu về những giá trị kinh tế nhất định nhưng phải trả giá đắt cho việc làm “chảy máu” cảnh quan, di sản.
Chúng ta đã thấy hình ảnh của Sapa, Tam Đảo - những thị trấn mờ sương giữa vùng cao với những ngôi nhà mang đặc trưng bản địa ẩn nấp giữa núi rừng trùng điệp đang dần trở thành những “khu đô thị mới” dày đặc bê tông và khói bụi, sau quá trình xây dựng ồ ạt.
Đà Lạt cũng đang từng bước đi vào vết xe đổ đó. Vốn được mệnh danh là “tiểu Paris” giữa Lâm Đồng, nơi đây nổi tiếng với khí hậu đồi núi mát mẻ, rừng thông cổ thụ tĩnh mịch và những di sản kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, sự phát triển manh mún, tự phát thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát thời gian qua đã dần xoá đi những gì vốn là đặc trưng riêng, khiến Đà Lạt cũng trở nên xô bồ, ồn ào.
Theo thống kê, trước đây, Đà Lạt sở hữu 1.500 biệt thự cổ nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 400 căn. Một nửa diện tích khu vực hồ Tuyền Lâm sẽ được khai thác thành các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort, khách sạn…, nửa còn lại phát triển du lịch sinh thái. Quá trình biến đổi này sẽ chặt bỏ hơn 98.000 cây thông, vốn là một đặc trưng của thành phố này. Bức tranh về một khu du lịch náo nhiệt bị bê tông hoá chắp ghép và lộn xộn đang dần thay thế hình ảnh của thành phố mộng mơ, thiên đường nghỉ dưỡng một thời.
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa nhìn nhận, vấn đề phát triển ở các khu danh thắng hiện nay có nhiều sai lầm đáng tiếc và để lại những bài học, qua đó chúng ta cần được nhìn nhận lại để có giải pháp khắc phục trước khi tiến hành phát triển, khai mở thêm các khu du lịch, danh thắng khác.
"Phải mau chóng kiểm tra, kiểm soát cách phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng ở các vùng núi cao, ở các danh thắng mà có xâm hại môi trường, cảnh quan thiên nhiên... xem mức độ như thế nào, xây dựng đến đâu thì ổn và đó có phải là khuynh hướng để phát triển du lịch và làm giàu cho đất nước hay không? Đó là cả một vấn đề phải nghiên cứu rất kỹ", ông Huy nói.
Những hệ lụy đã được nhìn thấy rõ khi vấn đề phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng diễn ra một cách ồ ạt, trong khi đó, câu chuyện bảo tồn lại không được chú trọng, dẫn đến đô thị hóa các khu du lịch. Đó cũng là lý do vì sao luôn có nhiều lo ngại đặt ra khi ai đó có kế hoạch đánh thức một vùng di sản, cảnh quan vốn đang ngủ yên trong bình lặng. Câu chuyện phục dựng các phế tích ở Ba Vì cũng không ngoại lệ.
“Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt là những địa danh điển hình cho việc bị băm nát quy hoạch, cày xới hết cảnh quan tự nhiên, phá vỡ kiến trúc. Lần này Ba Vì cũng nằm trong câu chuyện tiến tới làm khu du lịch nghỉ dưỡng, mặc dù chưa rõ hết các thông tin quy hoạch sẽ làm như thế nào. Nhưng nhìn vào thời gian vừa qua, Ba Vì đã phát triển mất bình tĩnh, thiếu kiểm soát nên xuất hiện những dự án, những biệt thự lưng chừng núi dấy lên lo ngại Ba Vì có thể đi theo vết xe đổ của Tam Đảo, Sapa”, TS. KTS. Ngô Doãn Đức nhìn nhận.
GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, lo ngại về việc đụng chạm đến thiên nhiên, rừng, cảnh quan, di sản trong quá trình phát triển du lịch là đương nhiên. Bài học của Tam Đảo, Sapa cho thấy việc băm nát, phá vỡ quy hoạch, kiến trúc do sự đầu tư ồ ạt, do không được quản lý và do doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận.
Vườn Quốc gia Ba Vì rộng 10.814ha là tài nguyên quý của thiên nhiên và có giá trị lịch sử rất lớn, cách Hà Nội 60km về phía Tây. Đây là rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới, bảo vệ khí quyển, điều hòa khí hậu Thủ đô đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, tạo nên sức sống ngàn năm. Quanh núi Ba Vì, nhiều tên đất, tên làng, tên vạt đồi, dòng sông, khe suối, đình, đền, miếu mạo… vừa gắn liền với tên tuổi Đức Thánh Tản cũng vừa là những dấu tích kết nối truyền thống xưa và sự phát triển hôm nay.
Khi xây dựng quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì, người Pháp tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường tự nhiên, quy hoạch bài bản, không phá vỡ cảnh quan. Đây là chủ trương của chính phủ Pháp khi đó trong việc phát triển du lịch, kể cả du lịch tại các thuộc địa. Điều này được thể hiện trong nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch và quá trình xây dựng khu nghỉ dưỡng tại núi Ba Vì gần 100 năm trước. Cách ứng xử của người Pháp là bảo tồn, khai thác một cách đúng mức. Do địa hình chật hẹp ở từng khu vực, nên người Pháp chỉ xây dựng các khu nghỉ dưỡng có quy mô vừa phải, chỉ phục vụ cho quan chức Pháp. Nhiều tài liệu lưu trữ cho thấy, người Pháp luôn nhắc đến tính thiêng của Ba Vì.
Chính vì vậy, việc phục dựng lại các phế tích - như lời các chuyên gia đã nêu ra ở đầu bài viết này là việc làm cần thiết nhưng có lẽ chỉ nên xây dựng lại trên nền các kiến trúc sẵn có, phát triển du lịch sinh thái cao cấp, không phát triển đại trà.
“Một trong những nguyên tắc nhất định phải tuân theo nếu xây dựng công trình mới gần khu phế tích Ba Vì đó là không được tàn phá thiên nhiên, lấn át thiên nhiên, lạm dụng việc phát triển du lịch, nghỉ dưỡng mà xây dựng mới ồ ạt. Chỉ được xây trên quy hoạch cũ của người Pháp mà người Pháp chưa xây dựng xong”, GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.
Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng cho phép quy hoạch phân khu trong vườn quốc gia và khu bảo tồn phục vụ hoạt động du lịch sinh thái.
TS. Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên cho biết, mỗi khu bảo tồn và vườn quốc gia gồm có vùng đệm và vùng lõi. Trong vùng lõi được quy hoạch gồm một hoặc nhiều khu bảo tồn nghiêm ngặt, khu chức năng hành chính và khu phục hồi sinh thái. Song diện tích khai thác kinh doanh du lịch tối đa chỉ được phép bằng hoặc dưới 20% tổng diện tích khu phục hồi sinh thái.
Do đó, nếu cho phép xây dựng nhiều các khu resort ở vùng lõi, phát triển du lịch đại trà thì sẽ tiềm ẩn những mối nguy hại đến mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và giá trị di sản tại vườn quốc gia.
“Việc định hình nơi này thành một khu nghỉ dưỡng lớn sẽ khó tránh khỏi việc phải xây dựng thêm các công trình, resort mới khi lượng khách du lịch tăng lên. Kéo theo đó là các dịch vụ kinh doanh hàng quán... Những hệ lụy tiếp theo có thể nhìn thấy rõ đó là các vấn đề môi trường, nước sạch phục vụ sinh hoạt… và cả giao thông khó có thể đảm bảo. Đó là chưa kể đến việc can thiệp sâu vào tự nhiên, bê tông hóa và xâm phạm đến các di sản vốn có”, một chuyên gia quy hoạch nhìn nhận.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cũng đưa ra cảnh báo, nếu phát triển thiên hướng đẩy mạnh hạ tầng du lịch mà ít chú trọng đến bảo tồn thì di tích, di sản, danh lam thắng cảnh sẽ mất đi giá trị thiêng liêng của nó.
Vị chuyên gia lấy dẫn chứng câu chuyện về một ngôi chùa 400 năm tuổi, việc trùng tu sửa sang là điều tất yếu nhưng quá trình đó đã phá vỡ toàn bộ nét cổ của ngôi chùa và kết quả là chỉ trong có 1 tháng, một ngôi chùa 400 năm tuổi “lột xác” trở thành ngôi chùa chỉ có mấy tháng tuổi. Khi đó, du khách đến tham quan không còn cảm nhận được sức hút của danh thắng đó nữa bởi những nét trầm tư tích tụ theo thời gian và các giá trị của lịch sử đã không còn.
Do vậy, trong câu chuyện tạo thế cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, hợp tác với các doanh nghiệp để phục hồi phế tích tại vườn quốc gia, các chuyên gia cho rằng, cần cẩn trọng chiêu thức “cáo gửi chân”, tránh việc các doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà vượt quá các giới hạn được đặt ra. Việc xây dựng này phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, nhà khoa học.
“Xu thế du lịch hóa các vườn quốc gia, khu bảo tồn thông qua hình thức liên kết hoặc cho phép quy hoạch làm du lịch là kẽ hở để tư nhân sở hữu đất công, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất rừng thành các dự án bất động sản. Mặt khác, cũng cần phải làm rõ khái niệm “du lịch sinh thái” không phải là việc cho phép đầu tư làm đường giao thông, xây dựng resort, bể bơi, biệt thự... trong vùng lõi vườn quốc gia như hiện nay”, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhấn mạnh.
Còn theo TS. KTS. Ngô Doãn Đức, trong câu chuyện phục dựng phế tích ở Ba Vì, cần phải có bước đi thật cẩn thận từ khâu phê duyệt dự án, không để lợi ích nhóm tham dự để cấu xé mảnh đất, rừng tự nhiên của Ba Vì.
"Vườn Quốc gia Ba Vì là khu vực cảnh quan, tâm linh cần phải giữ gìn và bảo tồn. Đó là trách nhiệm quốc gia. Dù giao cho ai quản lý, địa phương hay bộ ngành thì cũng phải đánh dấu son đỏ vào đó để cảnh báo, để nghiêm túc lưu giữ. Không thể vì nhân danh đó là phế tích, là miếu hay đền để lấy cớ làm du lịch, xây dựng bừa bãi. Chính những chuyện như Tam Chúc, Bái Đính đã là bài học. Đừng nhân dánh giá trị tâm linh mà xây dựng rồi mở rộng, cuối cùng giá trị lịch sử cũ chỉ còn là chấm nhỏ trong cả công trình rộng lớn", vị chuyên gia đặt vấn đề.
Cũng cần nhấn mạnh lại rằng, di sản sẽ bị lãng quên và chôn vùi trong quá khứ; thiên nhiên cũng sẽ mất đi giá trị nếu chúng ta giữ nguyên hiện trạng, đóng cửa các khu rừng. “Đóng cửa” tưởng chừng như là cách để bảo tồn toàn vẹn di sản nhưng thực tế lại làm mất đi giá trị của di sản. Việc phát triển, khơi dậy tiềm năng du lịch chính là cách bảo tồn bền vững các di sản, cảnh quan thiên nhiên sống mãi với thời gian khi tạo được vòng tuần hoàn hài hòa giữa hai yếu tố: Phát triển để bảo tồn - bảo tồn để phát triển.
Trọng trách này thuộc về các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc hình thành các chiến lược phát triển tiềm năng của những vùng di sản. Việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư cần minh bạch hóa, đấu thầu rộng rãi, công khai các quy hoạch dự án và quản lý chặt chẽ.
Phát triển bất động sản du lịch ở vùng di sản không phải là cuộc chơi của tất cả các doanh nghiệp mà chỉ dành cho các chủ đầu tư có tâm, có tầm, có năng lực, tri thức và trách nhiệm. Họ hiểu rằng, bảo vệ di sản, bảo vệ cảnh quan môi trường là bảo về quyền lợi của họ.
"Mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp phải có một sự hiểu biết nhất định, chuyên sâu về các lĩnh vực của di sản, phải hình dung được quá trình tôn tạo, trùng tu, bảo vệ, phát huy thì ở đâu là ranh giới, là điểm dừng. Khi khai thác các thế mạnh, các giá trị của di sản thì phải đảm bảo di sản phải bảo tồn được giá trị gốc, mặt khác phải để di sản có sự bổ sung, sự kế thừa để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn", Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, một khi hội tụ đủ chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của những nhà đầu tư quan tâm đến di sản nhiều hơn lợi ích, sự tham gia của các nhà khoa học, kiến trúc sư… thì mới có thể hy vọng những phế tích giữa Vườn Quốc gia Ba Vì hay những di sản tiềm năng khác sẽ không còn bị "ngủ quên" mà sẽ "thức dậy" và đem lại những giá trị lớn.
Sự can thiệp bài bản và khoa học sẽ làm tăng giá trị của di sản, đồng thời giúp bảo tồn một cách bền vững. Ngược lại, bất kỳ một sai lầm, thờ ơ, phó mặc trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ngày hôm nay, có thể sẽ gây hậu quả lớn. Nỗi lo sẽ nhiều hơn sự kỳ vọng.
"Không chỉ ở Ba Vì mà ở bất kỳ một vùng đất nào, khi hướng đến phát triển du lịch nghỉ dưỡng cũng cần có sự đồng ý, quản lý chặt chẽ của chính quyền, sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, cần chọn những doanh nghiệp có tâm, có năng lực, kinh nghiệm trong thực tế. Ví như ở Ba Vì, doanh nghiệp đó phải có tình yêu với di sản, không chạy theo lợi nhuận mà phá vỡ quy hoạch", GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định.
Từ những phân tích trên của các chuyên gia có thể thấy, giữa phát triển để bảo tồn hay phát triển để tận thu lại là một ranh giới rất mong manh. Khi luật pháp trong lĩnh vực di sản văn hóa của Việt Nam còn nhiều khía cạnh để bàn, khi cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương vẫn còn thể hiện sự yếu kém trong quản lý thì "cuộc chơi" dường như phụ thuộc hoàn toàn vào sự "dẫn dắt" của doanh nghiệp.
Một chuyên gia quy hoạch người nước ngoài khi nhận định về câu chuyện phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng ở địa hình vùng núi của Việt Nam đã chia sẻ rằng, cái khó nhất trong xây dựng du lịch, nghỉ dưỡng núi ở Việt Nam là thiếu thông tin và không minh bạch. Khu vực nào thuộc vùng lõi, khu vực nào ở vùng đệm có thể phát triển, bao nhiêu diện tích đất rừng là cần bảo tồn giữ nguyên hiện trạng, bao nhiêu diện tích có thể khai thác... dường như vẫn luôn là sự mập mờ. Vì thế, khi doanh nghiệp đến khai thác phát triển, rất khó để phân định đúng sai, chưa kể đằng sau đó là những xâu xé về lợi ích nhóm. Chính vì thế, nhìn vào những "vết xe đổ" của Việt Nam để thấy, chọn mặt nào để gửi vàng, hay lại thành cơ hội để thả cáo về rừng là cả một bài toán nan giải.
11:53, 27/10/2020
11:22, 27/10/2020
10:05, 27/10/2020