Bảo tồn và phát triển Ba Vì đừng chỉ ở lý thuyết
Cập nhật lúc: 27/10/2020, 11:53
Cập nhật lúc: 27/10/2020, 11:53
Lời tòa soạn:
Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, bảo tồn và phát triển không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới.
Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả Quốc gia.
Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.
Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Trên thế giới đã có nhiều lời giải hiệu quả bài toán phát triển và lưu giữ các phế tích cũ. Đó là cải tạo để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ thắng cảnh và tìm hiểu trực quan những dấu ấn lịch sử, văn hóa. Với cách làm thiết thực, quá khứ không chỉ còn “nằm trong lịch sử”. Để hiểu thêm về câu chuyện bảo tồn và phát triển phế tích tại Ba Vì, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe).
PV: Thưa bà, việc khơi dậy và phát triển những giá trị từ các phế tích thời Pháp gắn với các tiềm năng sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì, có phải là việc làm cần thiết?
TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh: Khơi dậy và phát triển những giá trị từ các phế tích thời Pháp gắn với các tiềm năng sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì không những là việc làm cần thiết mà là cấp thiết. Tôi luôn băn khoăn với câu hỏi: Vì sao chỉ cách Hà Nội 60km, chỉ 1 giờ đi ô tô mà hơn hai chục năm nay, khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì không được khai thác hiệu quả để trở thành một điểm nhấn du lịch cuối tuần đặc sắc cho Hà Nội. Trong khi nhiều vườn Quốc gia khác như: Tam Đảo, Sa Pa, Cát Bà, Pù Mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo,… đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách 4 phương, đem lại hiệu quả doanh thu tốt cho ngành du lịch và người dân địa phương.
Phế tích tại Ba Vì
PV: Câu chuyện bảo tồn và phát triển ở đây cần được hài hòa như thế nào? Có ý kiến cho rằng, đây là khu có giá trị tâm linh cao nên yếu tố xây dựng cần cân nhắc, tránh trường hợp phục hồi các phế tích, sau đó biến thành khu nghỉ dưỡng, can thiệp quá sâu vào tự nhiên, bà có những suy nghĩ như thế nào về điều này?
TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh: Khai thác các giá trị của quá khứ gắn với các dấu ấn của văn hoá, lịch sử, tâm linh và sinh thái tự nhiên luôn là vấn đề phải cân nhắc thận trọng và nghiên cứu toàn diện, sâu sắc trước khi đề xuất hướng hướng đi, giải pháp… Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta quá lo ngại, thậm chí lo sợ, để đến mức che lấp và cản trở đi những nhu cầu, những cơ hội mới để phục vụ cho đời sống dân sinh được tốt hơn, được cải thiện hơn. Đặc biệt, việc giúp cho những người dân bản địa vùng sâu vùng xa được xoá đói giảm nghèo là một trong những mục tiêu lớn mà cả xã hội cần phải quan tâm.
Theo tôi, để hài hoà giữa vấn đề bảo tồn và phát triển di sản, chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi lối tư duy và kinh nghiệm truyền thống đã cũ và lạc hậu. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận và đánh giá di sản dưới góc độ bảo tồn, nhìn về các giá trị quá khứ trong một giai đoạn lịch sử,…vô tình chúng ta sẽ biến việc bảo tồn di sản trở thành công việc mang tính lý thuyết, và gần như không thể áp dụng vào thực tế hiện tại vì nó không lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng và cũng không xã hội hoá được công tác bảo tồn.
Vườn Quốc gia Ba Vì là một di sản "sống”, để tiếp tục khai thác, hưởng lợi từ nó, giúp nó thăng hoa toả sáng và thích ứng với cuộc sống đương đại, cần thiết phải trả lời được những câu hỏi: Di sản này có giá trị như thế nào với đời sống hiện tại? Các giá trị tinh thần, giá trị vật chất nào của di sản trong quá khứ có khả năng tích hợp với các giá trị của đời sống dân sinh hiện tại? Các giá trị đó đem lại lợi ích cho những ai, đối tượng ấy có thể là người dân bản địa, là những chủ thể đã và đang chung sống cùng di sản hay không?
Với cách tiếp cận mới mẻ và đa chiều đó, ta sẽ có cái nhìn toàn diện, biện chứng và sống động hơn về chuỗi giá trị đặc thù có được từ di sản trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
PV: Để khai thác và đánh thức tiềm năng các di sản trong quá khứ của Vườn Quốc gia Ba Vì một cách hiệu quả và bền vững, chúng ta phải bắt đầu tư đâu, thưa bà?
TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh: Để khai thác được di sản Vườn Quốc gia Ba Vì một cách bài bản với tầm nhìn dài hạn thì việc chúng ta phải làm ngay là triển khai xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị của nó ( nếu quy hoạch này chưa có).
Quá trình khảo sát và nghiên cứu toàn diện các giá trị vật thể và phi vật thể trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ cho chúng ta có một góc nhìn tổng thể về các vấn đề của vườn Quốc gia. Việc rà soát và phân loại hệ thống giá trị giúp chúng ta xác định rõ giá trị cốt lõi cần bảo tồn và các giá trị cần thay đổi và phát triển để thích ứng với nhu cầu mới của con người đương đại.
Tiếp đó là việc xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội mà vườn Quốc gia cần đạt được trong viễn cảnh 10 năm, 20 năm, 30 năm; Định hướng phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc cảnh quan với các chỉ tiêu hợp lý về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình, quy mô, hình thái, vật liệu và phong cách kiến trúc đặc trưng… Đó chính là những cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng cho các dự án đầu tư xây dựng sau này. Quy hoạch này cũng sẽ là nên tảng để Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách quản lý phát triển các dự án đầu tư.
PV: Theo bà, đâu là điều chúng ta cần lưu tâm để phát triển bền vững các khu du lịch sinh thái gắn với tự nhiên?
TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh: Để khai thác hiệu quả Vườn quốc gia Ba Vì với các giá trị toàn diện của nó không chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách quản lý phát triển phù hợp và kịp thời mà còn cần có nhà đầu tư thông minh, đủ tâm đủ tầm; cần những đơn vị tư vấn quy hoạch và thiết kế kiến trúc chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo… Hơn hết, rất cần sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng địa phương (những chủ thể trực tiếp của di sản), thì mới đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.
Chỉ khi hội tụ đầy đủ những thành tố đó, chúng ta mới có cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng những phế tích giữa Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ được khơi dậy, được sống lại và tiếp tục phát huy những giá trị tinh hoa của nó để phục vụ con người.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này
11:22, 27/10/2020
10:07, 16/08/2019
06:00, 07/06/2019