19/01/2025 | 06:07 GMT+7, Hà Nội

Phát triển kinh tế phải đi kèm với bảo tồn di sản

Cập nhật lúc: 07/06/2019, 06:00

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Không thể hy sinh di sản, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”.

Không thể hy sinh di sản để phát triển

Trả lời chất vấn về vấn đề phát triển du lịch bền vững, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa. Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trích dẫn câu nói của Thủ tướng liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa là tất cả mọi cái đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được, Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản được, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa nhận: "Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát".

Thương mại hóa công trình tâm linh là vi phạm pháp luật

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định”.

thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật

Thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng cho biết “chưa nhận được thông tin quan chức góp để xây dựng chùa” và đề nghị, “đại biểu Quốc hội có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nếu đại biểu Quốc hội có thông tin chính xác về những công trình tâm linh được góp vốn từ nhiều cá nhân để xây dựng thì cung cấp cho Quốc hội để tiến hành giám sát.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề: Dư luận hiện nay cho rằng, có hiện tượng kinh doanh chùa, đền. Trước diễn đàn công khai của Quốc hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, có hay không hiện tượng này, để xóa tan băn khoăn này của người dân?

Tuy nhiên, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện chưa nhận được báo cáo nào về hiện tượng kinh doanh chùa, đền.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/phat-trien-kinh-te-phai-di-kem-voi-bao-ton-di-san-36478.html