Biến đổi khí hậu: "Hung thần" của nền kinh tế
Cập nhật lúc: 06/06/2019, 08:19
Cập nhật lúc: 06/06/2019, 08:19
Theo tài liệu do Tổ chức Nhân đạo quốc tế DARA và Diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu (CVF) công bố, hiện tượng trái đất nóng dần lên gây thiệt hại khoảng 1.200 tỉ USD (tương đương 1,6% GDP hằng năm của thế giới). Đến năm 2030, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí sẽ gây thiệt hại 3,2% GDP toàn cầu. Trong đó, mức thiệt hại của những nước kém phát triển có thể lên đến 11% GDP. Về lâu dài, điều này còn góp phần làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia trên quy mô toàn cầu.
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. |
Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Việt Nam đứng thứ 4 trong 164 quốc gia được khảo sát về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP. Nước ta chịu ảnh hưởng lớn do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp; tổn thất về kinh tế ước tính khoảng 10% GDP. Tại 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng thiên tai, hạn hán, ngập mặn,… diễn biến phức tạp nhất trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300 ha đất bị sụt lún, hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người dân Ấn Độ khổ sở vì thiên tai liên tiếp xảy ra. |
Trên thế giới, theo số liệu thống kê từ năm 1996-2015, Trung Quốc đã thiệt hại 32,8 tỉ USD do thiên tai, tiếp theo là Ấn Độ với 11,3 tỉ USD. Mức thiệt hại của Thái Lan là 7,6 tỉ USD, tương đương 1% GDP, cao hơn nhiều so với Philippines (2,8 tỉ USD), Nhật Bản (2,4 tỉ USD), Bangladesh (2,3 tỉ USD), Việt Nam (2,1 tỉ USD), Indonesia (1,9 tỉ USD), Myanmar (1,4 tỉ USD) và Hàn Quốc (1,1 tỉ USD).
Đáng chú ý, Chính phủ Mỹ đã đưa ra cảnh báo nguy cấp về hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế, thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỉ USD vào cuối thế kỷ 21, hoặc “xoá sổ” 10% GDP của quốc gia này. Chất lượng và sản lượng vụ màu sẽ giảm trên khắp cả nước vì nhiệt độ cao, hạn hán và lũ lụt. Đến năm 2100, tại vùng trung tây Mỹ, sản lượng nông sản dự đoán sẽ giảm tới 75%; vùng phía nam giảm 25%. Tới cuối thế kỉ 21, ngành đánh bắt thủy hải sản sẽ thiệt hại 230 triệu USD do hiện tượng biển axit hóa, đầu độc và hủy diệt sinh vật có vỏ và san hô. Hiện tượng thủy triều đỏ (hay tảo nở hoa) làm cạn kiệt oxy trong nước và giết chết sinh vật biển
Tại Anh, trong những năm gần đây, bảo hiểm thiệt hại tài sản do thiên tai tăng đột biến. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế về mặt vật chất. Theo Ngân hàng Anh, dù những thiệt hại này được công ty bảo hiểm hay cá nhân chi trả, nền kinh tế quốc gia vẫn phải hứng chịu áp lực. Dọc những vùng bờ biển, cơ sở hạ tầng và các khối bất động sản trị giá hàng trăm tỉ USD đang bị đe doạ bởi nước biển dâng cao và lũ lụt.
Theo các nhà khoa học, thực trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự đoán; tài nguyên đang dần cạn kiệt, an ninh lương thực và an ninh năng lượng đang bị đe doạ nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới WB ước tính, các nước đang phát triển cần chi khoảng 70-100 tỉ USD/năm đến năm 2050 để giải quyết các vấn đề về môi trường và khí hậu. Nếu không có các biện pháp phù hợp, nền kinh tế thế giới có thể sẽ giảm 23% mức tăng trưởng vào năm 2100.
Những con số trên cho thấy, biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề về môi trường. Cố Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan từng coi sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu ngang hàng với xung đột vũ trang hay dịch bệnh, nạn đói. Vì thế, “xanh hóa” nền kinh tế cần trở thành mục tiêu và cơ hội đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-hung-than-cua-nen-kinh-te-5079.html
06:00, 05/06/2019
07:13, 24/01/2019
13:42, 11/03/2018