Đầu tư năng lượng tái tạo: “Cứu cánh” cho tương lai
Cập nhật lúc: 05/06/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 05/06/2019, 06:00
Trong thời gian gần đây, dư luận liên tục nóng lên về việc Bộ Công Thương tăng giá điện. Tạm gác qua tính đúng sai của quyết định này, chúng ta phải thừa nhận một điều là trong tương lai, giá điện tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ còn tăng nữa.
Các chuyên gia từ lâu cảnh báo rằng Việt Nam đã chạm giới hạn khả năng tăng sản lượng của nhiệt điện và thủy điện. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện trong nền kinh tế ngày càng lên theo quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa.
Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được coi như một hướng đi đầy triển vọng để giải quyết vấn đề nói trên. Việt Nam sẽ không còn phải luôn luôn “chạy đua” tăng sản lượng điện để bắt kịp nhu cầu tiêu thụ nữa nếu tận dụng được những nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy triều… có sẵn và vô tận.
Một lợi ích khác là hạn chế được những cái giá mà thiên nhiên phải trả để xây dựng và vận hành nhà máy điện truyền thống, ví dụ như đốt than, phá rừng, chặn sông…
Và, năng lượng tái tạo có thể là một “bàn đạp” cho phát triển nền kinh tế bền vững. Có không ít những trường hợp các bản làng sống ngay chân nhà máy thủy điện mà vẫn không được dùng điện.
Các công ty sản xuất điện không nhìn thấy lợi ích về doanh thu khi cung cấp sản phẩm của mình cho những cộng đồng này; và ngược lại, vì không có điện mà bản làng càng trở nên cô lập và đói nghèo hơn. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận năng lượng tái tạo vì thế đồng nghĩa với việc giúp họ tự chủ về mặt kinh tế, có cơ hội được tự mình làm ăn thoát vòng luẩn quẩn của nghèo đói.
***
Một điều đáng mừng là không chỉ có Nhà nước hay những doanh nhiệp, mà ý thức sử dụng năng lượng tái tạo đã lan đến cả các hộ gia đình Việt Nam. Trong vòng hai chục năm trở lại đây, các tua-bin gió, pin năng lượng mặt trời, và hầm biogas đã trở nên quen thuộc tại nhiều căn nhà.
Người dân tích cực chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo giúp cho họ tiết kiệm những khoản tiền không nhỏ, mạng lưới điện quốc gia đỡ gánh nặng, và tình hình ô nhiễm môi trường được cải thiện.
Vấn đề tài chính hiện là một rào cản lớn ngăn các hộ gia đình thực hiện chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Căn hầm biogas khoảng 10 - 15 triệu đồng, hay hệ thống pin năng lượng mặt trời 30 - 50 triệu đồng có thể không phải là quá cao so với tiềm lực nhiều gia đình ngày nay, nhưng nếu tính cả chi phí lắp đặt và bảo hành thì mức giá này có thể bị đội lên khá cao.
Đã có một số tổ chức phát triển quốc tế đứng ra tài trợ các hộ gia đình, đơn cử như dự án “Hỗ trợ nông nghiệp Các-bon thấp” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm xây dựng hầm biogas tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; tuy vậy, như đã nói ở trên, đây không phải là một giải pháp lâu dài.
Hiện các nhà máy liên doanh tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất hầm bể biogas composite, tua-bin gió, tấm pin năng lượng mặt trời hay các thiết bị năng lượng tái tạo khác.
Tuy vậy, có thể nói rằng đội ngũ chuyên môn lắp đặt, giám sát và vận hành những thiết bị này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Đây nhiều khả năng là nguyên nhân chính dẫn đến việc chi phí lặp đặt và bảo hành nhóm sản phẩm này ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao.
Nhận ra được điều này, một số đại học và cao đẳng nghề đã mở ra các chương trình đào tạo chuyên về năng lượng tái tạo, ví dụ như Đại học Điện lực (ngành Công nghệ năng lượng), Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ngành Năng lượng), hay là Cao đẳng Nghề Ninh Thuận (ngành Năng lượng tái tạo, liên kết đào tạo với Tập đoàn giáo dục Spectrum của Malaysia).
Dự báo rằng trong thời gian tới, sẽ còn có nhiều cơ sở đào tạo liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để mở thêm những chương trình giảng dạy về năng lượng tái tạo, hướng tới bắt kịp nhu cầu thị trường.
Khu vực tư nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa năng lượng tái tạo vào cuộc sống hằng ngày. Từ chính quyền đến các tổ chức phi chính phủ như ADB hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều đứng ra kêu gọi khối tư nhân tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tài chính từ khu vực công và các nguồn vốn ODA sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của thị trường, nên trong thời gian tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ dần dần đi lên đóng vai trò đầu tầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Về mặt khả năng thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp thì Việt Nam hoàn toàn không thiếu. Các nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, nước ta có khả năng phát triển 20.000MW điện gió và 35.000MW điện mặt trời.
Trong khi đó, việc đưa tiến bộ công nghệ về Việt Nam đã dần dần hạ chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, trong đó giá vốn điện mặt trời đã giảm 75% và điện gió giảm 30% trong giai đoạn 2012 - 2017.
Khả năng sinh lời trong dài hạn là rất khả quan đối với các doanh nghiệp sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Thế nhưng, để tồn tại lâu dài trên thị trường Việt Nam không phải là không có những trở ngại riêng biệt, trong đó việc cần bán đến nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng.
EVN vẫn nắm giữ độc quyền hệ thống truyền tải điện toàn quốc, và các doanh nghiệp khác muốn tham gia thị trường này buộc phải chấp nhận "chơi theo luật" của EVN.
Một thị trường không có sự cạnh tranh công bằng như thế thì không thể nào phát triển bền vững được. Ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để cạnh tranh với EVN ví dụ như General Electrics (Mỹ) hay Siemens (Đức), thì chính phủ cũng nên ban hành các chính sách “đỡ đầu” cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để họ có thể an tâm tiến tới việc tự xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng truyền tải của riêng mình.
Ngoài ra, chính phủ cũng cần xác lập cơ chế phê duyệt dự án minh bạch hơn để tạo điều kiện tiếp cận cho nhà đầu tư. Hệ thống thủ tục hành chính còn rườm rà và tranh chấp giải phóng mặt bằng với người dân địa phương là hai trở ngại thường xuyên làm chùn bước nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường đầy triển vọng này.
Việt Nam gần đây đã có nhiều bước cải thiện rõ rệt tiến tới giải quyết hai vấn để trên. Hệ thống văn bản hành chính được tinh giảm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng đặt lên vai doanh nghiệp, tổ chức.
Các chính quyền địa phương cũng không còn chỉ làm việc theo kiểu “ban phát” các quyền lợi cho nhà đầu tư, mà đã trở thành một cầu nối hiệu quả giữa người dân và nhà đầu tư để các bên có thể đi đến chỗ hài hòa lợi ích.
***
Hiện có quá nhiều căn nhà, căn hộ ở Việt Nam vì thiết kế của mình mà gặp phải khó khăn khi tích hợp hệ thống năng lượng tái tạo. Đơn cử như những tòa chung cữ cũ tại Hà Nội. Đã từ lâu chúng ta biết đến hiện tượng sụt lún, nứt vỡ tại những công trình này vì phần mái phải “oằn mình” chống đỡ sức nặng từ những bể nước inox của các hộ gia đình sống tại đó.
Ở các tòa chung cư này, cũng như nhiều công trình khác, việc lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo gặp rất nhiều trở ngại, nếu không muốn nói là gần như không thể.
Chúng ta nên hướng tầm mắt ra nước ngoài để xem cách họ đưa năng lượng tái tạo vào trong các ngôi nhà. Đã từ lâu giới kiến trúc sư các nước phát triển đặt mục tiêu “xanh hóa” các công trình của họ mà vẫn không làm giảm tính bền vững, tiện nghi, thẩm mỹ của thiết kế.
Cho dù là trường phái cổ điển hay đương đại, các kiến trúc sư vẫn đã thiết kế ra nhiều mẫu nhà vừa sử dụng năng lượng tái tạo hợp lý, vừa thỏa mãn hoàn hảo mọi nhu cầu khác của chủ nhà.
Cũng phải nói thêm rằng không phải các kiến trúc sư nước ta đang đi chậm so với bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Việt Nam không thiếu các kiến trúc sư tài giỏi, được giới kiến trúc quốc tế công nhận như Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hòa Hiệp, Võ Trọng Nghĩa, Lê Lương Ngọc, Đoàn Thanh Hà…
Người xem những tác phẩm đoạt giải của họ thì có thể dễ dàng nhật thấy những đường nét đậm tính Việt Nam hòa hợp với “hơi thở” của nền kiến trúc đương đại thông qua một điểm chung, đó là đề cao mối quan hệ con người – thiên nhiên.
Những mẫu thiết kế này không những rất lý tưởng cho việc tích hợp công nghệ năng lượng tái tạo vào cuộc sống, mà ở một mức cao hơn chúng còn có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của những người sống trong nhà về cách mình đối xử với môi trường theo hướng tích cực hơn.
Vậy vì sao các đô thị Việt Nam vẫn còn thiếu những công trình phát huy năng lượng tái tạo một cách hiệu quả? Một lý do được nhiều người nhắc đến chính là thói quen xây dựng của người Việt.
Phần đông mọi người trong xã hội vẫn còn giữ thái độ “thế nào cũng được” đối với căn nhà của chính gia đình mình. Cho dù căn nhà có xấu xí, lộn xộn như thế nào đi nữa họ cũng mặc kệ, miễn là vẫn có chỗ “chui ra chui vào”.
Với lối suy nghĩ hạn hẹp như thế thì kiến trúc sư cũng khó mà tìm được khách hàng để phổ biến các mẫu thiết kế thông minh của mình, còn việc áp dụng năng lượng tái tạo vào cuộc sống cùng chỉ dừng ở mức nhỏ lẻ, manh mún.
Chúng ta không có nhiều sự lựa chọn trong việc thay đổi thái độ của xã hội đối với kiến trúc. Giải pháp hiệu quả nhất, và có lẽ cũng là duy nhất, đó là giáo dục.
Hãy làm sao cho mỗi cá nhân hiểu được rằng quyết định về căn nhà của mình sẽ gây ra ảnh hưởng cho hai đối tượng: Chính bản thân mình và môi trường xung quanh.
Nếu được lựa chọn giữa hai ngôi nhà - một ngôi nhà nhà bên trong luôn chỉnh tề, sạch sẽ, thân thiện, còn môi trường bên ngoài thì vệ sinh, trong lành, thoáng mát; và một ngôi nhà lộn xộn, bẩn thỉu, lạnh lẽo giữa một môi trường mất vệ sinh, tù túng - thì chắc hẳn tất cả mọi người sẽ lựa chọn ngôi nhà thứ nhất. Vấn đề là bằng cách nào để họ nhận ra rằng bản mình có sự lựa chọn.
***
Chúng ta vẫn còn cả một quá trình trước mắt để có thể đưa năng lượng tái tạo vào trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình. Và chắc chắc để hoàn thành quá trình này, sẽ phải hy sinh một số thói quen và lợi ích.
Nhưng xin hãy đừng hoảng sợ mà chùn bước! Chúng ta sẽ phải hy sinh, nhưng cái mà chúng ta, con cháu chúng ta nhận lại được là cả một cuộc sống mới khỏe mạnh hơn, phồn vinh hơn, hạnh phúc hơn.
Đầu tư cho năng lượng tái tạo nói riêng và các giải pháp công nghệ xanh tức là đầu tư cho chính tương lai của các thế hệ mai sau./.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/dau-tu-nang-luong-tai-tao-cuu-canh-cho-tuong-lai-36370.html
19:00, 29/05/2019
07:00, 16/03/2019
06:50, 16/01/2019