25/04/2024 | 03:08 GMT+7, Hà Nội

Con người không bao giờ chấp nhận nguyên tắc "bảo tồn đông cứng"

Cập nhật lúc: 27/10/2020, 10:05

Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự “cân bằng động” giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là cái đích phải hướng tới.

Thiên nhiên là bà mẹ hiền hòa

Đối với câu chuyên bảo tồn và phát triển tại các khu di sản, khu thiên nhiên, trước hết cần nhận thức rõ vai trò, giá trị, tầm quan trọng của môi trường thiên nhiên với sự tồn tại của con người để có cách ứng xử đúng. Tự nhiên hay môi trường thiên nhiên là “không gian sinh tồn” không thể thiếu cho các loài sinh vật nói chung và nhân loại nói riêng.

Môi trường thiên nhiên là nguồn sống, cung cấp nguyên liệu cho con người thực hiện quá trình sản xuất ra của cải vật chất cũng như sản phẩm văn hóa phục vụ cho các hoạt động sống của con người và góp phần thúc đẩy sự phát triển các nền văn minh của nhân loại. Thiên nhiên cũng là “bể chứa” giúp con người xử lý các loại chất thải do con người tạo ra trong quá trình sống, lao động sản xuất trên trái đất này.

Tuy nhiên, môi trường thiên nhiên bao giờ cũng có giới hạn mà không thể xử lý triệt để tất cả các loại rác thải do chúng ta bỏ đi trong suốt quá trình sống, sản xuất và tiêu dùng. Vậy đã đến lúc nhìn lại việc khai thác cạn kiệt dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường thiên nhiên quý giá như hiện nay. Hoạt động nào cũng phải có chừng mực và biết dừng ở giới hạn cho phép. Không biến thành kinh doanh mà phải có tâm.

Ngoài ra, thiên nhiên còn bao chứa, duy trì và cung cấp cho chúng ta các cảnh quan sinh thái đặc trưng, loại tài nguyên du lịch hấp dẫn không bao giờ cạn kiệt nên chúng ta cần trân trọng bảo vệ thiên nhiên và sáng tạo được các loại hình dịch vụ văn hóa phù hợp thì sẽ luôn có được các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có thể bán nhiều lần, cho nhiều người. Đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng đồng…

Và hiển nhiên là nếu biết làm du lịch bền vững, chúng ta có thể tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại phúc lợi xã hội - sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương đang sinh sống cận kề các điểm đến du lịch.

Từ đó có thể khẳng định con người, xã hội loài người chỉ là một bộ phận hữu cơ và phụ thuộc vào tự nhiên - “Bà mẹ thiên nhiên”. Và chúng ta không có quyền nhân danh phát triển, kể cả phát triển du lịch hay bất cứ lý do nào mà thiếu sự tôn trọng thiên nhiên hay làm phương hại đến sự toàn vẹn và trong lành của môi trường thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn đạo đức - văn hóa môi trường để đảm bảo nguyên tắc cộng sinh, sống thuận theo tự nhiên, cùng tồn tại và phát triển gắn với thiên nhiên.

Đối với câu chuyện bảo tồn và phát huy dấu tích kiến trúc Pháp tại Vườn Quốc gia Ba Vì phải thế nào để không được xa rời vấn đề bảo tồn gắn với phát triển. Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) định nghĩa rất rõ, vườn quốc gia là “khu vực tự nhiên của vùng đất hoặc vùng biển được chọn để bảo vệ tình trạng nguyên vẹn sinh thái của một hay nhiều hệ sinh thái cho các thế hệ hiện tại và tương lai; loại bỏ việc khai thác hay chiếm giữ không thân thiện đối với các mục đích của khu vực lựa chọn; chuẩn bị cơ sở cho các cơ hội về tinh thần, khoa học, giáo dục, giải trí và tham quan, tất cả các cơ hội đó phải có tương thích về văn hóa và môi trường”.

Phế tích tại Ba Vì

Với nội hàm xác định trong định nghĩa trên ta thấy, việc bảo vệ các hệ sinh thái; việc loại bỏ hoạt động khai thác không thân thiện và gây tác hại làm suy thoái môi trường sinh thái; việc sử dụng và khai thác nếu tương thích về văn hóa và môi trường đều được khuyến khích.

Tinh thần như thế cũng được xác định rõ trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Vườn Quốc gia Ba Vì với tư cách là một đơn vị kinh tế và sự nghiệp khoa học có chức năng chủ yếu là là trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp mở rộng hoạt động dịch vụ khoa học, tham quan, học tập và du lịch với các nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên còn nguyên vẹn của rừng nguyên sinh. Thứ hai, trồng mới, phục hồi, bảo vệ rừng, các nguồn gen động thực vật quý hiếm, các đặc sản rừng và các di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan của rừng cấm. Thứ ba, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu khoa học cơ bản về mục đích bảo tồn thiên nhiên và mọi cảnh quan. Thứ tư, tổ chức các hoạt động dịch vụ khoa học, giáo dục, hướng dẫn nghiệp vụ tham quan du lịch.

Do đó, tôi cho rằng việc bảo tồn và phát huy các dấu tích kiến trúc Pháp phải góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Cẩn trọng bảo tồn và phát triển di sản Ba Vì - “Tổ sơn” linh địa của Việt Nam

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, sông, núi, vùng đất có “Thần” ngự trị bao giờ cũng là đất thiêng - linh địa như: Tô Lịch - Giang Thần (Hà Nội), non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), sông Hương, núi Ngự (Huế), núi Hương Sơn và Ba Vì (Hà Nội) cũng không đứng ngoài quan niệm dân gian như thế.

Truyền thuyết dân gian quanh vùng Ba Vì cho ta biết, nơi đây là vùng đất của Tản Viên Sơn Thánh mà người dân quen gọi là “Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên” - Vị tổ của bách thần Việt Nam (Nam Thiên Thần Tổ), người đứng đầu trong hệ thống điện thờ Tứ bất tử ở nước ta mà tập trung nhất là vùng Bắc Bộ ngày nay (Thánh Tản Viên - Thánh Gióng - Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung và Thánh Mẫu Liễu Hạnh).

Người Việt chúng ta có hai xu thế đặc trưng trong văn hóa dân gian là: Lịch sử hóa các lực lượng tự nhiên/siêu nhiên và thần thánh hóa các nhân vật lịch sử để tôn thờ qua hệ thống truyền thuyết, huyền thoại, truyện kể trong dân gian. Đã là người Việt Nam, ai cũng biết, cũng nhớ, cũng thuộc sự tích Sơn Tinh và Thủy Tinh gắn với đỉnh núi cao đột ngột giữa trung du và đồng bằng là ba đỉnh cao ở Ba Vì (Tản Viên sơn, đỉnh núi Vua và đỉnh Ngọc Hoa).

Cũng có quan điểm cho rằng có ba huyệt điểm thiêng nhất Việt Nam là: Một là huyệt thiêng núi Đá Chông Ba Vì (Hà Nội), hai là huyệt thiêng núi Nưa (Thanh Hóa), ba là huyệt thiêng núi Bà Đen (Tây Ninh). Vì có huyệt thiêng ở núi Đá Chông và cũng là nơi thờ Thần Tản Viên nên núi Ba Vì đã được các vua triều Nguyễn cho tạc vào cửu đỉnh đặt trong Đại nội Huế: Thiên Tôn Sơn (Thiệu Tường Thanh Hóa), Ngự Bình Sơn (Huế), Thương Sơn hay Kim Phụng (Huế), Hồng Sơn hay Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Ba Vì hay Tản Viên Sơn (Hà Nội), Duệ Sơn (Hương Trà - Thừa Thiên Huế), Đại Lãnh (Phú Yên - Khánh Hòa), Hải Vân Quan (Huế - Đà Nẵng), Hoành Sơn (Hà Tĩnh - Quảng Bình). Vì là một trong những đỉnh núi thiêng như thế mà Tản Viên Sơn đã được người xưa liệt vào danh thắng hàng năm Triều đình đều cử hành lễ cúng tế.

Cùng với dãy Tam Đảo, Ba Vì tạo thành Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (tay ngai) cho núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) nơi có Đền Hùng thờ các vị vua Tổ khai sinh ra đất nước ta - mở đầu thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngay từ khi dời đô về vùng đất Rồng bay, vua Lý Thái Tổ đã quy hoạch “sông trước” Hồng Hà và “núi sau” Ba Vì làm điểm tựa về phong thủy cho thủ đô mới của đất nước.

Hệ thống đền thờ Thánh Tản Viên Sơn (đền Thượng, đền Trung và đền Hạ), thờ Thánh Mẫu của Tản Viên, thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Vua ở Ba Vì và các vùng phụ cận dưới chân núi cũng như các nghi thức cúng tế trong lễ hội hàng năm tại đây là nét văn hóa đặc sắc hiếm thấy ở các vùng miền khác, đã góp phần làm gia tăng giá trị thiêng liêng cho không gian văn hóa - tâm linh ở Ba Vì.

Với địa thế là vùng đất linh thiêng như vậỵ, tất cả các hoạt động của con người liên quan tới vùng rừng núi Ba Vì đều phải lưu ý tới ba đặc trưng nổi bật nhất là: cảnh quan sinh thái của một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước; không gian văn hóa - tâm linh gắn với hình ảnh của một “Anh hùng văn hóa” linh thiêng - Tản Viên Sơn Thánh; Vườn quốc gia Ba Vì - lá phổi xanh của thủ đô Hà Nội.

4 nguyên tắc trong bảo tồn và phát huy các dấu tích trong Vườn Quốc gia Ba Vì

Ủy ban Di sản Thế giới đã xác định rõ: “Cảnh quan văn hóa là các di sản văn hóa và đại diện các sản phẩm hỗn hợp giữa con người và thiên nhiên. Chúng phản ánh sự tiến hóa của xã hội loài người và quá trình cư trú qua thời gian, dưới tác động của những giới hạn vật chất hoặc các cơ hội do môi trường thiên nhiên của chúng mang lại và cả của tác động xã hội và văn hóa kế tiếp nhau, cả từ bên ngoài và bên trong”. Từ định nghĩa này, có thể thấy, khu biệt thự Pháp (dù đang hiện diện dưới dạng các phế tích kiến trúc) phản ánh thái độ ứng xử của con người với môi trường tự nhiên sẵn có trong vùng rừng núi Ba Vì.

Kết quả của triết lý môi trường, văn hóa môi trường chuẩn mực của người Pháp đã tạo lập nên một không gian văn hóa điển hình, trong đó có sự tích lũy của giá trị vật chất và tinh thần, sự tương tác giữa con người với tự nhiên và xã hội (môi trường tự nhiên, nguồn gốc lịch sử, đặc trưng sáng tạo văn hóa, sự giao thoa văn hóa Đông - Tây). Nhìn tổng thể, Vườn Quốc gia Ba Vì, khu vực rừng núi Tản Viên là một cảnh quan văn hóa rộng lớn, Khu biệt thự Pháp tại cốt 600m cũng rất xứng đáng là một “tiểu cảnh quan văn hóa” cho ta bài học súc tích về thái độ ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên.

Người Pháp đã rất tài tình trong việc bản địa hóa các hình thức kiến trúc phương Tây cho phù hợp với điều kiện khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm) và cảnh quan địa lý ở các vùng miền của Việt Nam. Kiến trúc các biệt thự Pháp ở Ba Vì đã khắc phục, thích ứng với điều kiện nóng ẩm về mùa hè và khô lạnh về mùa đông bằng các bộ phận kiến trúc linh hoạt. Mái dốc và trần vôi rơm, hệ thống hành lang bao quanh cũng như hai lớp cửa kính, cửa chớp ngăn cách. Tất cả được đặt trên nền móng cao được đổ cát dày, hơn nữa, biệt thự còn được xây dựng trong các khuôn viên rộng có cây cối, hoa trái tạo ra những cảnh quan văn hóa độc đáo ở từng biệt thự riêng biệt. Đó là những không gian nhân tạo được “cấy” vào các không gian địa lý để tạo ra chiều thứ tư của không gian văn hóa là chiều thời gian - yếu tố mang ký ức của con người.

Ngày nay, với các phế tích kiến trúc hiện còn, ta thấy rõ chiều thời gian (quá khứ, hiện tại và tương lai) có tính ký ức trong góc cảnh quan văn hóa của khu biệt thự Pháp ở Ba Vì càng rõ nét và có giá trị hơn bao giờ hết.

Bảo tồn di sản để tạo cơ hội hưởng thụ và sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới.

Như các nội dung phân tích ở phần một cho thấy, các hoạt động kinh tế - xã hội đi kèm theo đều phải hướng vào việc phục vụ hai mục tiêu cần được chú trọng hàng đầu là: Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường thiên nhiên của Vườn quốc gia Ba Vì. Với nhận thức như vậy, việc bảo tồn và phát huy góc cảnh quan văn hóa - phế tích kiến trúc biệt thực Pháp phải góp phần xây dựng lối sống thuận theo tự nhiên, tương thích với thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm cho các tầng lớp cư dân xã hội bằng hình thức du lịch sinh thái.

Dự án bảo tồn và phát huy phế tích kiến trúc biệt thự Pháp với tư cách một góc cảnh quan văn hóa điển hình trong Vườn Quốc gia Ba Vì cần tuân thủ một cách nghiêm túc các nguyên tắc.

Thứ nhất, dự án cần đặt dưới sự quản lý và kiểm soát một cách khoa học với sự đồng thuận và tham gia giám sát của cộng đồng;

Thứ hai, việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các phế tích kiến trúc phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sinh thái phải góp phần tạo ra kinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương;

Thứ ba, cần công khai, minh bạch trong việc phân bổ công bằng lợi nhuận từ du lịch sinh thái cho các đối tác có liên quan tại các điểm du lịch;

Thứ tư, đánh giá đúng mức tác động môi trường của dự án để có các giải pháp xử lý rác thải trong quá trình xây dựng và vận hành dự án để không vượt qua “giới hạn chịu tải” về mặt môi trường.

Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại

Chúng ta cũng biết, khu biệt thự Pháp tại cốt 600 - 800m trong vùng rừng núi Ba Vì được xây dựng nhằm phục vụ cho các tầng lớp sỹ quan Pháp giàu có với chức năng nghỉ dưỡng là chủ yếu. Câu hỏi đặt ra ở đây, có nhất thiết phải phục hồi tất cả các phế tích kiến trúc đó như lúc được khởi dựng hay không? Giá trị của các phế tích kiến trúc biện thự Pháp sẽ đưa tới khả năng hấp dẫn du lịch như thế nào mà vẫn có được những trải nghiệm văn hóa về triết lý và đạo đức môi trường cho người đương đại?

Nhìn tổng thể, ở Vườn Quốc gia Ba Vì hiện đã có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái mang tính phổ cập và đại trà cho nhiều loại đối tượng du lịch khác nhau. Do đó, Dự án bảo tồn và phát huy phế tích kiến trúc của biệt thự Pháp nên hướng tới các loại dịch vụ văn hóa phục vụ các đối tượng du lịch cao cấp. Thực tế cho thấy, dịch vụ du lịch cao cấp có hạn chế về mặt đối tượng và số lượng du khách nhưng vẫn đưa lại hiệu quả kinh tế không kém, mà thậm chí còn cao hơn các hình thức du lịch khác. Bên cạnh đó, còn phải kể tới mặt mạnh của hình thức du lịch này là chỉ tạo nên sự tác động môi trường ở mức thấp nhất có thể.

Trong đợt đi khảo sát thực tế các phế tích kiến trúc biệt thự Pháp tại cốt 600 - 800m, tôi đã cảm nhận được ý tưởng chung cũng như quan niệm đúng đắn của chủ đầu tư về cách tiếp cận việc phục dựng từng phần có chọn lọc và tôn tạo các điểm di tích để đưa ra các cơ hội trải nghiệm văn hóa phong phú, khác biệt cho du khách. Đây là hướng đi đúng, cần nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý của thành phố Hà Nội.

Mặt khác, chủ đầu tư cũng đã thí điểm tạo dựng một số không gian kiến trúc mới trên nền móng kiến trúc cũ mà không phá vỡ cảnh quan chung bằng những kết cấu có thể gỡ bỏ, di chuyển khi cần thiết nhằm phục vụ các nhu cầu của du khách là có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, rất cần tạo lập tại đây một không gian văn hóa với tư cách là trung tâm thông tin tương đối tổng hợp (phần trưng bày hiện vật, hình ảnh kết hợp với công nghệ số hiện thực ảo) có khả năng cung cấp thêm những thông tin khoa học giúp cho du khách hiểu sâu về giá trị văn hóa và khoa học của góc cảnh quan văn hóa này là rất cần thiết.

Người Pháp đã từng xây dựng ở đây một khu biệt thự như là một “thị trấn” trong mây, song hiện tại, chúng đang tồn tại dưới dạng phế tích kiến trúc. Do đó, không nên đặt vấn đề phục hồi toàn bộ cảnh quan văn hóa như nó vốn có. Tuy nhiên, có thể lựa chọn khu vực thích hợp có khả năng phục dựng lại một số biệt thự để phục vụ cho nhu cầu du lịch sinh thái cao cấp.

Theo quan điểm hiện tại, bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự “cân bằng động” giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là cái đích phải hướng tới. Bảo tồn di sản để tạo cơ hội hưởng thụ và sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới. Con người không bao giờ chấp nhận nguyên tắc “bảo tồn đông cứng”.

PGS.TS. Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.