19/01/2025 | 16:04 GMT+7, Hà Nội

Từ năm 2019: Có nhiều thay đổi quan trọng về chính sách tiền lương, BHXH

Cập nhật lúc: 06/01/2019, 16:01

Tăng lương tối thiểu vùng, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; Tăng mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, bảo hiểm y tế… là những thay đổi quan trọng trong chính sách tiền lương, BHXH được áp dụng từ năm 2019.

Lương tối thiểu tăng từ 160.000 đến 200.000 đồng tùy vùng

Theo quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ- CP của Chính phủ, từ ngày 1-1-2019, lương tối thiểu trên 4 vùng lương của lao động làm việc theo hợp đồng sẽ được tăng thêm từ 160.000 - 200.000 đồng so với mức của năm 2018.

Cụ thể: Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. (tăng thêm 200.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. (tăng thêm 180.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. (tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. (tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng. Theo Nghị định, mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

tu nam 2019 co nhieu thay doi quan trong ve chinh sach tien luong bhxh
Từ ngày 1-7-2019 mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng thêm 100.000 đồng so với năm 2018. Ảnh minh họa

Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức

Từ ngày 1-7-2019 mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng thêm 100.000 đồng so với năm 2018. Cụ thể, theo Nghị quyết 70/2018/QH14 do Quốc hội ban hành mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.

Đây là căn cứ tính bảng lương, mức phụ cấp, lương hưu và các khoản trợ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp… đều được tăng lên.

Do mức lương cơ sở thay đổi tăng lên nên các loại trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở cũng tăng. Bao gồm: Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh; tăng trợ cấp một lần sau khi sinh con; tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh; tăng mức lương hưu tối thiểu hàng tháng; tăng mức trợ cấp mai táng; tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng; tăng trợ cấp tai nạn lao động.

Một nội dung đáng chú ý là cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng thì mức đóng BHXH cũng sẽ tăng theo. Pháp luật hiện hành quy định mức lương tính đóng BHXH của người lao động làm việc trong DN không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Do đó khi mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng thì mức lương để tính BHXH cũng tăng theo.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, tiền lương đóng BHXH tính trên mức lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở năm 2019 tăng thì mức đóng BHXH của CBCCVC cũng tăng theo.

Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Theo đó, nêu rõ những nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của DN liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể DN, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà DN tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thanh Hải