19/01/2025 | 07:04 GMT+7, Hà Nội

Từ cử nhân đến tiến sỹ ở hình thức đào tạo nào đều được công nhận ngang nhau

Cập nhật lúc: 06/01/2019, 22:00

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018 đã được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018 với nhiều điểm mới quan trọng, Luật sẽ có hiệu lực từ 1-7-2019.

Trong Luật Giáo dục ĐH (2012) có quy định văn bằng giáo dục ĐH được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo gồm bằng tốt nghiệp ĐH, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Nghĩa là người học theo học hình thức đào tạo nào (từ xa, tại chức, liên thông…), thì khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng tương ứng với hình thức đào tạo đó. Hiện tại, tại khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 quy định, văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.

Như vậy, quy định mới ghi nhận bằng cử nhân là văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, không quy định hình thức đào tạo trên văn bằng. Có nghĩa là bằng ĐH dù được đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông... có giá trị ngang nhau.

tu cu nhan den tien sy o hinh thuc dao tao nao deu duoc cong nhan ngang nhau
Bằng tại chức có giá trị tương đương bằng chính quy . Ảnh minh họa

Một điểm mới nữa của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 là giảng viên ĐH có trình độ tối thiểu là thạc sĩ. Trước đây quy định, thạc sĩ là trình độ chuẩn đối các giảng viên ĐH, thì nay, Luật mới quy định đây chỉ là trình độ tối thiểu của các giảng viên, trừ trợ giảng. Các trường ĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.

Trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường ĐH được quy định là 5 năm, thì Luật mới quy định nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng.

Điểm khác biệt lớn nhất của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản… Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường ĐH phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng ĐH; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm…

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 cũng yêu cầu các trường phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Đồng thời, các trường phải có trách nhiệm trích một phần nguồn học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành đào tạo của các trường ĐH. Theo đó, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định.

Trường hợp không đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Đáng chú ý, các trường tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 5 năm.

Xuân Thanh