19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Ma trận đề thi môn Giáo dục công dân năm 2019 có gì khác lạ?

Cập nhật lúc: 05/01/2019, 07:51

Theo như phân tích của tổ giáo viên môn Giáo dục công dân Hệ thống HOCMAI, đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Tỉ lệ câu hỏi lớp 11 là 10% (4 câu) và 90% câu hỏi 12 (36 câu).

Sự phân bổ câu hỏi lí thuyết – thực hành và mức độ dễ - trung bình – khó cũng như tỉ lệ nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao thể hiện trong đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 như sau: Đề thi tham khảo 2019 có mức độ dễ hơn so với đề thi 2018. Câu hỏi khó tập trung vào các chuyên đề: Thực hiện pháp luật, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do cơ bản và công dân với các quyền dân chủ. Tuy nhiên, đề thi vẫn đảm bảo 70% câu hỏi dễ và trung bình để học sinh xét tốt nghiệp.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Ma trận đề thi môn Giáo dục công dân năm 2019 có gì khác lạ?

Ma trận đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân.

Một số chuyên đề không có câu hỏi xuất hiện trong đề thi như: Lớp 12 có 2 chuyên đề Pháp luật và đời sống, Quyền bình đẳng giữa các dân tộc tôn giáo và lớp 11 có 1 chuyên đề: Công dân với các vấn đề chính trị  xã hội.

Đi sâu vào phân tích các chuyên đề như sau: Thực hiện pháp luật: Đây là chuyên đề có số lượng câu hỏi lớn nhất với 12 câu hỏi ứng với 3 điểm thuộc chuyên đề này. Ở chuyên đề này các câu hỏi được trải đều ở các cấp độ nhận thức, đặc biệt đây là một trong những chuyên đề có nhiều câu hỏi vận dụng cao.

Các câu hỏi thuộc chuyên đề này xoay quanh hai vấn đề chính là các hình thức thực hiện pháp luật và các loại vi phạm pháp luật. Học sinh cần nắm chắc kiến thức ngoài ra còn phân biệt được các hình thức thực hiện pháp luật với nhau và các loại vi phạm pháp luật với nhau. Nắm chắc nội dung kiến thức này giúp học sinh giải quyết được từ những câu hỏi lí thuyết đến những câu thực hành.

Công dân bình đẳng trước pháp luật: Có 2 câu hỏi ứng với 0,5 điểm thuộc chuyên đề này; Số lượng câu hỏi ở chuyên đề này tăng hơn 1 câu so với đề thi năm 2018; Các câu hỏi yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức công dân bình đẳng về trách nhiệm pháp lí.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Ma trận đề thi môn Giáo dục công dân năm 2019 có gì khác lạ?

Phân bố các câu hỏi của từng chuyên đề.

Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội: Có 7 câu hỏi ứng với 1,75 điểm thuộc chuyên đề này.

Các câu hỏi được trải đều ở các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, vận dung cao, trong đó câu hỏi vận dụng nhiều nhất với 4 câu hỏi.

Các câu hỏi thuộc chuyên đề vẫn xoay quanh ba quyền: bình đẳng trong lao động, trong hôn nhân gia đình và trong kinh doanh. Nếu các câu hỏi nhận biết, thông hiểu tập trung vào nội dung quyền bình đẳng trong lao động thì câu hỏi vận dụng cao chủ yếu thuộc nội dung quyền bình đẳng trong hôn nhân gia đình và quyền bình đẳng trong kinh doanh, ví dụ câu: 107, 108, 109, 116.

Công dân với các quyền tự do cơ bản: Chuyên đề này có 3 câu hỏi ứng với 0,75 điểm thuộc chuyên đề này.

Ở những câu hỏi thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm được những nội dung cơ bản của các quyền này, nhớ được những "từ khóa" để phân biệt các quyền với nhau.

Công dân với các quyền dân chủ cơ bản: Có 6 câu hỏi ứng với 1,5 điểm thuộc chuyên đề này.

Các câu hỏi được trải đều ở cả 4 cấp độ nhận thức, trong đó câu hỏi thuộc cấp độ thông hiểu chiếm số lượng nhiều nhất là 3 câu.

Nội dung các câu hỏi đều xoay quanh quyền dân chủ cơ bản của công dân như quyền bầu cử, ứng cử, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Pháp luật với sự phát triển của công dân: Có từ 4 câu hỏi ứng với 1 điểm thuộc chuyên đề này.

Các câu hỏi thuộc chuyên đề này trải đều ở ba mức độ : nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Trong đề thi lần này, không có câu hỏi thuộc nội dung quyền học tập của công dân mà chủ yếu xoay quanh quyền phát triển và quyền sáng tạo của công dân.

Pháp luật với sự phát triển bền vững của đất nước: Có 2 câu hỏi ứng với 0,5 điểm thuộc chuyên đề này.

Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh vấn đề nội dung cơ bản của pháp luật về phát triển các lĩnh vực xã hội và nghĩa vụ của công dân khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Ma trận đề thi môn Giáo dục công dân năm 2019 có gì khác lạ?

Ảnh minh họa.

Công dân với kinh tế: Có 4 câu hỏi ứng với 1 điểm thuộc chuyên đề này.

So với đề thi năm 2018, số lượng câu hỏi đã giảm đi nửa. Điều đó cho thấy, đề thi chủ yếu là kiểm tra kiến thức lớp 12.

Đây là chuyên đề duy nhất thuộc chương trình lớp 11, những câu hỏi thuộc chuyên đề này nằm ở mức độ nhận biết không có các câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dung cao.

Các vấn đề được đề cập nhiều trong đề thi là: các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất, Chức năng của tiền tệ ; Quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa ; Cung cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đây đều là những vấn đề trọng tâm của chuyên đề.

Đề thi tham khảo Giáo dục công dân năm 2019 nội  dung kiến thức 11 đưa vào đề thi đảm bảo tỉ lệ như Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, chiếm 10% tập trung ở một số nội dung trong chuyên đề đầu tiên của chương trình: Công dân với kinh tế, hoàn toàn không có câu hỏi thuộc chuyên đề Công dân với các vấn đề chính trị - xã hội.

Mức độ câu hỏi lớp 11 chủ yếu là dễ không có câu hỏi khó. Điều này thuận lợi cho học sinh khi phải học cả kiến thức lớp 11 và 12.

Số câu hỏi vận dụng thực tế đề thi tham khảo năm 2019 là 15 câu có xu hướng giảm so với đề thi THPT Quốc Gia năm 2018 là 20 câu. Trong số các câu hỏi vận dụng thực tế này có đến 5 câu hỏi cực khó (từ 115 đến câu 120) có tính phân loại thí sinh rất cao, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức lý thuyết, đọc kĩ câu hỏi và biết cách phân tích tình huống để lựa chọn được đáp án đúng nhất.

Các câu hỏi vận dụng tình huống thực tế đề cập các vấn đề thời sự “nóng” trong dư luận xã hội thời gian qua như : hoạt động tổ chức đánh bạc, bảo kê, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, sử dụng bằng đại học giả, đe doạ tính mạng,... Điển hình là câu 115, nội dung câu hỏi đề cập đến vấn đề “sử dụng máy chạy thận nhân tạo không đảm bảo chất lượng” tạo sự liên tưởng đến vụ việc tương tự xảy ra tạo bệnh viên Hoà Bình trong những tháng đầu năm 2018.