19/01/2025 | 07:23 GMT+7, Hà Nội

Giáo dục đại học năm 2019 - những việc cần làm

Cập nhật lúc: 04/01/2019, 12:00

Năm 2018, giáo dục ĐH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 với nhiều điểm mới, năm 2019 sắp tới, giáo dục ĐH cần làm rất nhiều việc để tiếp tục đổi mới, và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện khi Luật có hiệu lực.

Năm 2018, lần đầu tiên 2 trường ĐH của Việt Nam lọt top 1.000 ĐH thế giới theo bảng xếp hạng QS; có 7 trường ĐH của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng 505 ĐH tốt nhất Châu Á năm 2019 (QS Asia 2019).

Công tác kiểm định chất lượng đạt được kết quả khả quan, nhất là đối với kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH. Đến nay, cả nước đã có 117 cơ sở được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, chiếm hơn 50% tổng số cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước. Công tác đảm bảo chất lượng và văn hóa chất luợng đã được các trường chú trọng xây dựng.

Công tác tuyển sinh năm 2018 diễn ra thuận lợi, ổn định, bước đầu tạo ra dược môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thu hút sinh viên giỏi giữa các trường. Quản trị ĐH tiếp tục được nâng cao, đã có 23 trường ĐH thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, 3 trường chuẩn bị được phê duyệt cơ chế thí điểm không còn Bộ chủ quản, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình tự chủ ĐH.

giao duc dai hoc nam 2019 nhung viec can lam
Năm 2019, khối giáo dục ĐH sẽ tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ sở giáo dục ĐH, các trường sư phạm. Ảnh P.T

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm 2019, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm; sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH.

Để chuẩn bị cho việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; Nghị định quy định cơ chế tự chủ - cởi trói cho các trường để có thể thực hiện tự chủ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, đảm bảo tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nhưng không gây xáo trộn trong hệ thống cơ sở giáo dục ĐH hiện hành; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục ĐH công lập và tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH. Tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tải sản; đổi mới quản trị ĐH, xác định mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục ĐH công lập, tư thục để quản trị ĐH được hiệu quả; trao thực quyền cho Hội đồng trường.

Vì thế, với các cơ sở giáo dục ĐH, cần sớm kiện toàn Hội đồng trường để chuẩn bị các điều kiện về tự chủ ĐH, các quy định tổ chức, hoạt động cho nhà trường. Vấn đề quản trị nhà trường phải là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong năm 2019.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An nhấn mạnh, năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ sở giáo dục ĐH, các trường sư phạm; kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở giáo dục ĐH vi phạm các quy định.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh. Các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai mức học phí trước khi tuyển sinh. Quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, kiểm định chương trình đào tạo; song hành cùng xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường và hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Thực hiện trách nhiệm giải trình thông qua cung cấp các thông tin thống kê cho cơ quan quản lý Nhà nước; công khai các kết quả đào tạo, nghiên cứu, các điều kiện đảm bảo chất lượng với xã hội, người học… ; cập nhật cơ sở dữ liệu ĐH của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Lê Hải An cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục ĐH tăng cường công tác đảm bảo đầu ra cho sinh viên, thúc đẩy liên kết hợp tác nhà trường - DN. Chú trọng công tác giáo dục chính chị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa ứng xử của sinh viên, thầy cô giáo trong nhà trường.

Tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường hơn nữa quốc tế hóa các chương trình đào tạo để thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại trường, đặc biệt qua các chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế. Tăng cường công tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo để nâng cao hơn nữa công bố quốc tế, cũng như uy tín của nhà trường.

Phan Thủy