24/11/2024 | 21:04 GMT+7, Hà Nội

Từ “bánh chim cò” đến nét đẹp dân gian – tò he

Cập nhật lúc: 03/08/2017, 07:06

Không ai biết chính xác tò he có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là món đồ chơi dân gian độc đáo của trẻ em thuở xưa và đến nay vẫn luôn là một nét đẹp dân gian được bảo tồn. Vậy nhưng ít ai biết nguồn gốc của tò he là từ “bánh chim cò”…

Từ đời ông bà ta, tò he đã là món đồ chơi giản dị, gắn bó qua nhiều thế hệ. Từ đôi tay khéo léo của các nghệ nhân, những mẩu bột đủ màu sắc được nhào nặn trở thành các hình thù đa dạng, ngộ nghĩnh, hấp dẫn nhiều người ở mọi lứa tuổi.

Tò he đã chứng minh sức sống với nét độc đáo của mình cho đến tận ngày nay bằng việc xuất hiện trong nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa lớn.

Nơi nổi tiếng nhất về nghề truyền thống làm tò he ở Việt Nam được cho là làng Xuân La ( Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội).

Tò he đa dạng về hình thù và màu sắc bắt mắt, thu hút mọi lứa tuổi

Tò he đa dạng về hình thù và màu sắc bắt mắt, thu hút mọi lứa tuổi

Tò he có lẽ được bắt nguồn từ một nét văn hóa tín ngưỡng thờ cúng. Vào những dịp lễ Tết hay Tết trung thu, người xưa dùng bột nặn các hình thù con vật như gà, trâu, bò, lợn, cá hoặc mâm ngũ quả, ông tiến sĩ, 12 con giáp hay những vật dụng gần gũi ở nông thôn… để làm đồ cúng lễ.

Người ta gọi đó là “con bánh” hay “bánh chim cò”. Sau khi cúng xong, nó được phân phát cho trẻ nhỏ như một hình thức thụ lộc.

Vì màu sắc bắt mắt, hình thù đa dạng nên trẻ em rất thích chơi “bánh chim cò”. Nó được làm từ bột gạo tẻ trộn với ít bột nếp và đường nên khi chơi chán có thể đem hấp với cơm ăn được.

Thấy trẻ em thích thú với những “con bánh” đó, các nghệ nhân đã phát triển thành nghề và nó trở thành món đồ chơi dân gian phổ biến. Người làm tò he gắn thêm một cây kèn lá nhỏ dưới thân “con bánh” khi thổi phát ra tiếng tò te nên nhiều người chuyển sang gọi với tên “tò he”.

Thời xưa, các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có đình đám, hội hè.

Hành trang đồ nghề của họ khá đơn giản: một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày. Đâu có họ là có đám đông trẻ nhỏ xúm quanh.

Trước kia, tò he chỉ là những hình thù con vật đơn giản thì nay nó đa dạng hơn nhiều với cả hình dạng hoa lá, siêu nhân, công chúa, hoàng tử, nhân vật hoạt hình… Ngày nay, tò hè chỉ còn được thấy ở một số lễ hội, hội chợ văn hóa.

Khó nhất đối với nghệ thuật làm tò he đó là khâu trộn bột. Nếu bột quá khô thì dễ bi nứt, tróc khỏi que. Nếu ướt quá là khó nặn thành hình.

Nguyên liệu chính là bột gạp tẻ có trộn ít bột nếp theo tỉ lệ 10:1, nếu trời hanh khô thì cần thêm nhiều nếp hơn để giữ được độ dẻo. Nguyên liệu được trộn đều, ngâm nước rồi xay nhuyễn, luộc chín rồi nhào nhanh tay.

Tiếp theo nắm bột thành từng bắt và nhuộm màu. Màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột. Ví dụ như màu vàng từ hoa hòe hoặc củ nghệ; màu đỏ từ quả gấc, dành dành; màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi; màu xanh từ lá chàm…

Tuy nhiên, hiện nay màu thực phẩm công nghiệp được sử dụng là phổ biến vì tiện lợi hơn. Nhuộm màu xong thì nghệ nhân bắt đầu “phù phép” thành những hình dáng đa dạng. Điều đó đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa từ đôi bàn tay nghệ nhân.

Tò he ngày nay không chỉ là hình các con vật mà còn cả con người như siêu nhân, công chúa, các nhân vật hoạt hình...

Tò he ngày nay không chỉ là hình các con vật mà còn cả con người như siêu nhân, công chúa, các nhân vật hoạt hình...

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã chia sẻ tại sự kiện “Từ bánh chim cò tới tò he hiện đại” diễn ra ngày 28/7 do MyHanoi tổ chức: “Các cụ cao tuổi trong làng cũng chỉ biết rằng, đã từ lâu cả làng Xuân La đã biết nặn tò he. Nhiều gia đình đã có tới 9-10 đời làm nghề tò he, hiện nay rất nhiều gia đình còn tồn tại 3 thế hệ làm nghề tò he: ông, con và cháu cứ thế đời này truyền cho đời kia. Cả làng đều bảo lưu nghề nặn tò he các bậc tiền bối xưa đã để lại cho con cháu chúng tôi.

Một nghề thật quý giá. Nó đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả bây giờ. Nhưng hơn thế, điều làm những người con làng Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người gìn giữ một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng."