19/01/2025 | 13:21 GMT+7, Hà Nội

Môi trường mạng và định hướng để bảo vệ trẻ em

Cập nhật lúc: 29/07/2017, 09:46

Mặt trái của môi trường mạng với trẻ em là gì? Phương pháp nào để định hướng, giáo dục trong việc sử dụng internet của trẻ em để bảo vệ con em mình trên môi trường mạng? Đó là những vấn đề mà Tọa đàm “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra ngày 28/7 đề cập tới.

Đây là sự kiện khởi động chương trình hợp tác “Công dân số” giữa Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm CNTT - Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT).

Trao tặng hoa mở đầu tọa đàm, ra mắt chương trình

Trao tặng hoa mở đầu tọa đàm, ra mắt chương trình "Công dân số" do MSD và Vietnet-ICT phối hợp tổ chức

Nội dung tọa đàm xoay quanh việc trao đổi, thảo luận về phương pháp hướng dẫn, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các khách mời đến từ nhiều tổ chức xã hội, các bậc phụ huynh và một số cơ quan báo chí.

Nhiều người quan tâm và đến tham dự tọa đàm

Nhiều người quan tâm và đến tham dự tọa đàm

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc để trẻ em sớm tiếp xúc với các thiết bị số cũng như môi trường internet sẽ tạo nhiều cơ hội để các em phát triển.

Tuy nhiên, luôn có những rủi ro cận kề từ mặt trái của môi trường mạng đem lại, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã nêu ra những vấn đề mà trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt khi bắt đầu sử dụng các phương tiện công nghệ số như: mất thông tin cá nhân, bị lợi dụng từ những thông tin cá nhân đã chia sẻ, nghiện game, nghiện mạng xã hội, nguy cơ bị xâm hại tình dục, bắt cóc, buôn bán, bắt nạt hội đồng, tiếp cận các trang web khiêu dâm,...

Ông Ngô Việt Khôi - chuyên gia an toàn thông tin chia sẻ trong buổi tọa đàm

Ông Ngô Việt Khôi - chuyên gia an toàn thông tin chia sẻ trong buổi tọa đàm

Theo ông Ngô Việt Khôi – chuyên gia an toàn thông tin, nguyên nhân cho những nguy cơ trên là do trẻ em chưa đủ nhận thức để bảo vệ mình trong môi trường mạng.

Trong khi đó, những người lớn như các bậc phụ huynh, giáo viên lại thuộc thời đại cũ, ít tiếp xúc với công nghệ số nên không có đủ hiểu biết cũng như kinh nghiệm để giáo dục, định hướng cho con em mình – thế hệ mới thuộc thời đại công nghệ số.

Ông Khôi cho rằng: “Kỹ năng bảo vệ bản thân trong cuộc sống số của chúng ta hiện nay rất yếu. Có thể nói là “vô minh”, tức là không hiểu biết đối với cả người lớn và trẻ em.

Nếu như các em không được trang bị kỹ để bảo vệ mình trong môi trường mạng thì rất dễ bị tổn hại. Cảm xúc phát triển không lành mạnh, bị cuốn theo những trào lưu xấu, nhận thức sai lệch nhiều vấn đề dẫn đến hành động không đúng đắn.

Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Vietnet-ICT chia sẻ trong buổi tọa đàm: “Tôi cũng là một người mẹ nên cũng rất lo lắng về cậu con trai 11 tuổi – một công dân tích cực của môi trường mạng. Tôi luôn để con tự do sáng tạo, tham gia đời sống số nhưng làm thế nào để con làm được thế mà vẫn an toàn, đó là vấn đề mà không chỉ tôi mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Nói về vấn đề truyền thông về trẻ em, ông Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) cho rằng: “Các cơ quan quản lý báo chí truyền thông chưa có những chuyên đề đi sâu về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Về mặt luật pháp, các vấn đề liên quan đến trẻ em và truyền thông, an toàn mạng với trẻ em mới được bổ sung vào Luật Báo chí năm 2017 một cách chung chung trong khi sự cập nhật của công nghệ thông tin thì rất nhanh. Hoạt động truyền thông lâu nay chỉ mang tính phòng ngừa, phổ biến kiến thức chung chung trong khi cần thiết hơn phải là tính can thiệp.

Trong buổi tọa đàm còn có các phụ huynh, giáo viên và phóng viên các cơ quan báo chí tham gia đặt câu hỏi thảo luận

Trong buổi tọa đàm còn có các phụ huynh, giáo viên và phóng viên các cơ quan báo chí tham gia đặt câu hỏi thảo luận

Sau quá trình thảo luận cùng các khách mời cũng như khán giả tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD kết luận rằng việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan.

Mỗi ngày qua đi, khi trẻ em tiếp cận với “Internet vạn vật”, chính các em – những người có quyền và những người hỗ trợ thực hiện quyền cho các em là những người lớn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ, những nhà giáo dục, cộng đồng, truyền thông, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội sẽ cần nâng cao nhận thức được những rủi ro của môi trường mạng và biết cách hỗ trợ các em trở thành những “công dân số” thông minh.