Trật tự đô thị sẽ thế nào nếu vẫn còn điểm giữ xe của Công ty An Thành Sơn?
Cập nhật lúc: 07/09/2020, 08:33
Cập nhật lúc: 07/09/2020, 08:33
Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014, quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) là: ban ngày 3.000 đồng, đêm 5.000 đồng. Giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) là ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng.
Pháp luật quy định rõ về mục đích sử dụng của lòng đường và hè phố là để cho mục đích giao thông, nếu sử dụng vào mục đích khác là trái với quy định của pháp luật. Các hoạt động khác trên đường phố nhằm mục đích hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội chỉ được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Điều 35. Các hoạt động khác trên đường bộ
2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép Bên cạnh đó, hè phố có thể được sử dụng cho mục đích khác được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng chỉ được sử dụng tạm thời và phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng từng nêu quan điểm về vấn đề này: “Khi vỉa hè bị chiếm giữ, đồng nghĩa với mất luôn phần ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự ATGT, gây ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT do người dân không có môi trường đi bộ để tiếp cận được với dịch vụ giao thông công cộng”.
Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a, Tuyên truyền chủ trường, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b, Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời hạn sử dụng hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 72 giờ;
c, Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời hạn sử dụng hè phố không quá 48 giờ;
d, Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
đ, Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a, Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b, Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
Chế tài, hành lang pháp lý đã rõ ràng nhưng tại sao tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn liên tục xảy ra trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và TP Hà Nội nói chung? Phải chăng chế tài và mức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe để chấm dứt thực trạng trên và vai trò lực lượng quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng địa phương đang ở đâu?
Tại quận Hoàng Mai, các điểm trông giữ xe trái phép, vi phạm quy định vẫn ung dung hoạt động công khai. Sự tồn tại của mô hình điểm trông giữ xe trái phép sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về cháy nổ, trật tự, an toàn giao thông; là mầm mống nảy sinh những tiêu cực, lợi ích nhóm và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng trong suốt thời gian qua.
Không quá khó để ghi nhận hoạt động của các điểm trông giữ xe có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội.
Tháng 09/2020, phóng viên (PV) đã tiếp cận một điểm trông giữ xe Công Ty TNHH xây Dựng và TM An Thành Sơn nằm trong khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Ghi nhận thông tin, hình ảnh thực tế tại điểm trông giữ xe của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Thành Sơn (Công ty An Thành Sơn) tại khu vực cổng Bệnh viện Bưu Điện cho thấy điểm trông giữ xe này đã có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Theo đó, khách hàng gửi xe tại điểm trông giữ xe này đã bị nhân viên tại đây ngang nhiên yêu cầu khách hàng chi trả 10.000 VNĐ cho một lượt gửi xe máy ban ngày.
Trong khi tấm biển báo của điểm trông giữ xe này ghi rất rõ ràng phí gửi xe ban ngày 5.000 VNĐ, ban đêm 10.000 VNĐ. Với mức giá trông giữ xe chẳng theo quy định nào thì số tiền Công ty Thành Sơn thu của khách sẽ về túi ai?
Không những thế, điểm trông giữ xe này còn "ung dung" dựng nhà bảo vệ ngay trên vỉa hè, kẻ vạch sơn trắng dưới lòng đường để làm điểm trông xe. Những hàng dài xe máy, ô tô được sắp xếp chiếm một phần đường cứ thế tồn tại.
Được biết, UBND phường Định Công đã có chỉ đạo về việc điểm trông giữ xe của Công ty TNHH xây Dựng và TM An Thành Sơn phải tuân thủ quy định pháp luật. Nhưng không biết vì sao mà chỉ đạo này chỉ nằm trên văn bản mãi không thể thực hiện được?
Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của Công ty Thành Sơn đã diễn ra nhiều năm kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ gây ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự và an toàn giao thông khu vực, khiến người đi bộ chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) TP Hà Nội, có đến gần 500 điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn thành phố. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn, nhưng thực trạng các bãi trông giữ ô-tô, xe máy vẫn diễn ra ngang nhiên trước mặt các cơ quan thực thi pháp luật.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam từng phát biểu: "Đối với Hà Nội bài học về khai thác, lấn chiếm các vỉa hè thì đã có nhiều đợt phải xem xét xử lý. Vỉa hè là nơi sử dụng chung dành cho người đi bộ, sau đó các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý đã phải vào cuộc cũng cho phép nhưng phải có mức độ và bắt buộc phải xử lý vi phạm. Các chủ đầu tư luôn lợi dụng kẽ hở để khai thác sử dụng vỉa hè để trở thành không gian tiếp cận, sở hữu của mình".
Theo người dân khu vực cho biết, thực trạng hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã tồn tại ở các điểm trông giữ xe nêu trên đã diễn ra nhiều năm qua. Điều này đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương đã và đang làm gì khi vỉa hè lòng đường tại đây bị xâm lấn bất chấp quy định pháp luật?
Trước những “nhức nhối” do các điểm trông, giữ xe không phép gây ra, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt nhưng do công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhu cầu gửi xe của người dân cao nên TP Hà Nội vẫn còn nhiều điểm trông, giữ xe ô tô không phép tồn tại, vấn nạn này vẫn “đâu vào đấy”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần có những hành động cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, dẹp bỏ các bãi trông giữ xe trái quy định pháp luật, tránh những hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu, đồng thời giúp Nhà nước không bị thất thu thuế.
06:00, 29/08/2020
14:00, 29/08/2019
01:41, 11/07/2019