19/01/2025 | 07:15 GMT+7, Hà Nội

Trào lưu tối giản: Quẳng bớt đồ đạc đi là vui sống?

Cập nhật lúc: 20/07/2019, 20:00

Sống tối giản đang dẫn trở thành một phong cách sống được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về cụm từ này.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh như một cơn lốc khiến các đô thị ở Việt Nam rơi vào tình trạng số dân ngày một tăng lên còn diện tích đất ở thì ngày một ít đi. Các cư dân đô thị phải thích nghi với guồng quay hối hả, làm việc hay sống trong những "chiếc hộp kính" với diện tích nhỏ hẹp. Bởi thế mà thời gian gần đây, nhiều người đã nhắc đến cụm từ "sống tối giản" như một cách tìm kiếm "khoảng thở" trong tâm hồn.

Nhưng liệu có phải cứ quẳng bớt đồ đạc đi là sống tối giản? Có những lầm tưởng nào về cụm từ này? Để đi tìm câu trả lời cho sự băn khoăn ấy Cafe cuối tuần đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Minh Hoàng - CEO Le Studio Architects, Nhà văn Y Ban, KTS Trung Võ đến từ NTA Architects và Blogger Chi Nguyễn - tác giả của "Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản".

TỐI GIẢN - ĐI ĐẾN TẬN CÙNG CỦA SỰ ĐƠN GIẢN

PV: Thời gian gần đây cụm từ “sống tối giản” được nhắc tới khá nhiều, đặc biệt là gắn với lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nội thất. Các kiến trúc sư nhìn nhận thế nào về trào lưu sống tối giản ở Việt Nam?

KTS Lê Minh Hoàng: Chủ nghĩa tối giản xuất hiện từ khoảng năm 60 thế kỷ XX, kéo dài tới khoảng năm 2000, nó xuất hiện trong nhiều ngành, từ hội họa, thời trang, thiết kế công nghiệp cho tới điện ảnh, âm nhạc và kiến trúc.

Nó ảnh hưởng và tác động qua lại đến kiến trúc, tuy kế thừa từ kiến trúc hiện đại nhưng kiến trúc tối giản tôn trọng và đề cao tính “thủ công” hơn.

Tại Việt Nam, theo góc hiểu của tôi, thiết kế tối giản manh nha từ những năm 1995 - 1996. Khi đó, những kiến trúc sư có cơ hội du học ở các nước tư bản chủ nghĩa, sau khi trở về đã ứng dụng điều này vào nghệ thuật kiến trúc.

KTS: Trung Võ: Phong cách tối giản hay còn gọi là Minimalism xuất phát trong nghệ thuật phương Tây từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969) - một trong những bậc thầy của kiến trúc hiện đại thế giới, được coi là cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản. Quan điểm của ông thể hiện ở câu châm ngôn “Less is more” (tạm dịch: ít là nhiều, càng ít càng tốt).

Kiến trúc của Mies van der Rohe là những không gian trong sạch, đơn giản, tinh tế, trật tự: là những đường thẳng, những mặt phẳng, những góc vuông,… bộc lộ rõ cấu trúc của hệ thống kết cấu.

Còn tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, phong cách tối giản rất được ưa chuộng, đặc biệt là các bạn trẻ. Thực tế, phong cách này ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là mảng thiết kế nội thất và kiến trúc.

Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, phong cách tối giản trong thiết kế nội thất là sự giảm thiểu đến tối đa đồ đạc và chi tiết, nhằm mục đích tạo ra một không gian sống đơn giản, thanh bình và có trật tự nhất định. Có thể tóm lược rằng: Tối giản là đi đến tận cùng của sự đơn giản

PV: Nhiều người cho rằng, vứt bỏ bớt các vật dụng trong nhà là sống tối giản. Nhà văn Y Ban nghĩ sao về điều này?

Nhà văn Y Ban: Nói về xu hướng tối giản của người Nhật và áp dụng điều đó tại Việt Nam, tôi cho rằng đang có 2 mặt của vấn đề.

Sự tối giản của người Nhật là tách biệt giữa công việc và giải trí, họ làm ra làm, chơi ra chơi, sách để đọc, khi đọc hết sách họ sẽ chuyển đi nơi khác và đọc sang cuốn sách khác nên họ có thể tối giản căn phòng, không cần một tủ sách đồ sộ trong nhà.

Còn đôi khi với nhiều người Việt chúng ta, tủ sách để trang trí cho trang trọng nhưng có khi lại chẳng bao giờ động đến.

Đó chính là sự khác biệt, bởi vậy, sự tối giản dễ dàng được người Nhật áp dụng một cách đúng nghĩa nhất. Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, con người có thể tạo cho mình một không gian nghỉ ngơi tiện nghi mà không cần phải quâ nhiều đồ đạc để tốn thời gian vào việc dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa.

Tuy nhiên áp vào Việt Nam,tôi nghĩ chúng ta cần tỉnh táo phân biệt giữa tối giản thực sự và sự tối giản mang tính hình thức của những người lười. Nhiều người lại đang lợi dụng nó để làm chiếc mặt nạ cho sự lười của bản thân. Họ lười dọn dẹp và sắp xếp nên ngụy biện mình đang sống tối giản.

KTS Lê Minh Hoàng: Tôi đồng tình với quan điểm của nhà văn Y Ban.Cái bạn nói đến, về căn phòng hay căn hộ không nhiều đồ đạc - đó là sự tinh giản, là hướng tới tối giản chứ không phải tối giản. Bởi sự tối giản như các KTS muốn hướng đến nó là sự tối giản đến từ tinh thần.

Một số thiết kế của tôi được khách hàng hay giới chuyên môn đánh giá là hướng tới sự tối giản. Tuy không theo đuổi điều đó nhưng giá trị mà tôi muốn hướng tới là những thay đổi cốt lõi về không gian, các yếu tố tinh thần thay vì các chi tiết trang trí, décor rườm rà.

Một căn phòng thiết kế tối giản đúng nghĩa theo quan điểm của tôi là gặp được chủ đầu tư đáp ứng được các tiêu chí: Tinh giản về đồ đạc, yêu cầu cao về mức độ hoàn thiện, hiệu quả sử dụng.

Chỉ khi khách hàng có nhu cầu sống tối giản, hiểu được công năng của những món đồ tối giản thì đó mới là tối giản một cách đúng nghĩa. Còn lại, thì chỉ là hướng đến tối giản mà thôi!

Tôi muốn nói rõ thêm, ở góc độ thiết kế, sự tối giản chính là đỉnh cao của sự tinh xảo.Trên thực tế, thiết kế tối giản đúng nghĩa chỉ là biểu tượng vật lý theo ánh nhìn để cảm thấy tối giản. Nhưng vật liệu sử dụng lại rất đắt tiền, high-end, nó yêu cầu mức độ thủ công cao, tinh xảo.

Có thể nói các món đồ tối giản trông đơn giản nhưng thực ra công và chất liệu làm ra nó lại rất tốn kém, và có khi là xa xỉ.

TỐI GIẢN TRONG SỰ ĐỦ ĐẦY VÀ TRÁCH NHIỆM

PV: Vậy theo nhà văn Y Ban, làm thế nào để vận dụng chủ nghĩa tối giản một cách mạch lạc và đúng đắn?

Nhà văn Y Ban: Chúng ta hãy tối giản trong sự đầy đủ. Bởi trong bối cảnh các căn hộ ngày càng nhỏ đi thì chúng ta nên sống tối giản, tối giản kiến trúc thiết kế để giảm bớt thời gian dọn dẹp, tạo không gian sống rộng mở hơn.

Thực chất căn hộ tối giản vẫn có đầy đủ bếp, các vật dụng cơ bản cần thiết, có bát đũa nấu ăn. Đó là tối giản trong sự đầy đủ. Còn với người lười, là sự tối giản tạm bợ khi không có những vật dụng cần thiết.

Tối giản nhưng vẫn đầy đủ, có trách nhiệm với cuộc sống xung quanh, với môi trường, công việc thì sẽ hiệu quả. Còn tối giản vì lười, vì tạm bợ thì sẽ không kéo dài được.

PV: Ở góc độ người làm thiết kế, các KTS có thể đưa ra một vài gợi ý để tạo ra một không gian sống tối giản, phù hợp với văn hóa sống của người Việt trong bối cảnh hiện tại?

KTS Trung Võ: Lựa chọn không gian sống tối giản là bước đi đầu tiên có thể giúp bạn tạo nên một môi trường sống thư giãn. Qua quá trình làm việc tôi xin đưa ra một vài nguyên tắc mà chúng ta có thể áp dụng nếu muốn thực hành phong cách tối giản.

Thứ nhất, bạn cần để tâm đến màu sắc. Phong cách tối giản thường hạn chế sử dụng quá nhiều màu sắc trong trang trí, bởi vậy, nên tận dụng những tông màu trung tính như xám, trắng, vàng hoặc nâu để dễ dàng định hình phong cách cho căn hộ.

Thứ hai là thiết kế mảng tường. Các bức tường trong nhà nên được bả phẳng và sử dụng màu sơn ít bóng như sơn nước, đồng thời hạn chế trang trí với quá nhiều hoa văn, họa tiết.

Thứ ba là yếu tố ánh sáng. Trong phong cách thiết kế tối giản, việc sử dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên rất được chú trọng bởi nó giúp căn phòng trở nên thoáng mát, thư giãn hơn.

Thứ tư là các thành phần trang trí nội thất đáp ứng được tiêu chí tối giản nhưng tiện nghi. Nội thất theo phong cách tối giản với những đường nét, các thiết kế hình học gọn gàng thường đơn giản và hiện đại, không chỉ nâng cao chức năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt bình thường của mỗi người, mà còn đáp ứng cả về mặt thẩm mỹ.

Thông qua việc giảm bớt sự lộn xộn và đơn giản hóa nội thất tới giới hạn của những điều thiết yếu, mỗi người sẽ cảm nhận sự đơn giản một cách rõ ràng và phong phú hơn.

KTS Lê Minh Hoàng: Theo tôi thì mỗi người sẽ có một sở thích riêng trong việc sắp xếp nhà cửa nên rất khó để đưa ra những chỉ dẫn cụ thể. Lời khuyên của tôi là mọi người hãy sắp đặt xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của bản thân, bạn có thể có nhiều đồ nhưng cần gọn gàng, sắp xếp các thứ theo một trật tự thì đó là nghệ thuật, là sự tối giản.

Và hãy cố gắng đừng “tham”. Bởi tâm lý mọi người đa phần muốn tận dụng các món đồ đã cũ, nghĩ cái này còn dùng được, cái kia kia còn công dụng. Hãy tinh giản những món đồ cũ trong nhà mà rất lâu rồi bạn không dùng đến.

Thêm nữa, đừng ra ngoài đường “sân si” thấy cái gì thích là bê về nhà, thay vì mua bạt ngàn các món đồ sale, món đồ khuyến mãi, nếu cứ như vậy dần dần nhà bạn sẽ trở thành... “cái kho”.

Thay vì như thế, hãy gom tiền lại để mua 1 sản phẩm cao cấp, chất lượng, có nhiều công năng.

Tất cả đi từ quan điểm sống, lối sống riêng của mỗi người, bí kíp là chẳng có bí kíp gì, tự thân từ quan điểm của từng người, họ muốn một không gian ấm cúng, đơn giản hay tùy theo nhu cầu mà sẽ tự sắp xếp đồ vật thuận tiện với thói quen, cuộc sống.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/trao-luu-toi-gian-quang-bot-do-dac-di-la-vui-song-37730.html