19/01/2025 | 13:16 GMT+7, Hà Nội

Tranh chấp chung cư - vấn đề “nóng” được ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Cập nhật lúc: 05/06/2019, 16:46

Quá trình đô thị hóa quá nhanh ở những thành phố lớn gây ra nhiều hệ lụy. Một trong những vấn đề gây nhức nhối cho xã hội thời gian qua là chủ đầu có nhiều sai phạm trong quản lý, vận hành.

Chính vì vậy, đây là vấn đề được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiều.

Có nơi chứa chấp mại dâm, sử dụng ma túy

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các ĐBQH đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trật tự xây dựng, vi phạm quản lý đất đai… đặc biệt liên quan đến vi phạm tại các chung cư.

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nêu: “Hiện nay nhiều chung cư cao cấp được chủ đầu tư tổ chức bảo vệ, kiểm soát khép kín, tạo sự yên tâm cho cư dân. Tuy nhiên, cử tri phản ánh, đây cũng là nơi tương đối an toàn để nhiều đối tượng thuê hoặc mua để làm nơi tổ chức các hoạt động đánh bạc, cá độ, mại dâm, tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy. Tình trạng này gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền và các lực lượng chức năng, hạn chế sự giám sát và phát hiện của quần chúng nhân dân”.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên do nhiều khu đô thị, chủ đâu tư bảo vệ chưa chặt. Ví dụ một số khu đô thị có bảo vệ rất chặt, có barrie, có bảo vệ”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn các ĐBQH.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn các ĐBQH.
 

“Có hiện tượng như đại biểu phản ánh là sử dụng một số căn hộ ở một số khu vực để phục vụ mục đích không lành mạnh như: đánh bạc, mại dâm mà thông qua sự bảo vệ đó để ngăn chặn sự giám sát của người dân. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ có sự phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá cụ thể trường hợp này. Đặc biệt kiểm soát ngay tại một số dự án có bảo vệ nhiều, thông qua hình thức barrie và có bảo vệ ở nhiều khu vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chiếm quỹ bảo trì chung cư khiến ĐBQH bức xúc

ĐBQH Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) nêu câu hỏi cho Bộ Xây dựng về vấn đề quản lý, vận hành nhà chung cư: “Một số chủ đầu tư khi được giao quản lý quỹ bảo trì họ thường chây ì, không bàn giao lại cho ban quản trị mà chiếm dụng, sử dụng vào việc khác. Cũng không ít chung cư, chủ đầu tư xây dựng thay đổi thiết kế, cắt xén tiện ích, tăng số lượng căn hộ, bàn giao chất lượng không đảm bảo dẫn đến chậm trễ không bàn giao hồ sơ công trình cho ban quản trị và không thống nhất diện tích chung, riêng khiến cho việc xác định kinh phí bảo trì rất khó. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến không ít tranh chấp, phức tạp, bức xúc ở các khu chung cư hiện nay”.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay: “Một trong những nguyên nhân gây đến tranh chấp trong quản lý nhà chung cư là một số chủ đầu tư năng lực kém cho nên cố tình dây dưa không bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư để kiếm lợi nhuận bất hợp pháp, chậm nộp hồ sơ, chậm bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì, không thực hiện tốt nghĩa vụ bảo hành của mình, v.v.. Đây là những hiện tượng có thực”.

Trong những năm vừa qua, rất nhiều chung cư tại Hà Nội xảy ra tranh chấp gay gắt. Ảnh: Lê Bảo.
Trong những năm vừa qua, rất nhiều chung cư tại Hà Nội xảy ra tranh chấp gay gắt. Ảnh: Lê Bảo.
 

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi thấy rằng trong thời gian tới, giải pháp kiểm soát ngay từ khâu chúng ta giao cho đấu thầu hoặc giao thầu cho chủ đầu tư thì phải kiểm soát năng lực của chủ đầu tư theo đúng quy định. Theo Luật Kinh doanh bất động sản, năng lực của chủ đầu tư tham gia xây dựng bất động sản đã được quy định rất đầy đủ. Đề nghị các địa phương trong quá trình thực hiện việc này chúng ta phải kiểm soát tốt hơn để bảo đảm năng lực của nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các công trình bất động sản”.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc nhiều dự án chung cư bán nhà khi chưa đủ điều kiện; quản lý vận hành, bầu ban quản trị…

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Hiện nay, toàn quốc có khoảng 4.422 chung cư, thời gian qua công tác quản lý vận hành chung cư có đủ quy định pháp luật cơ bản và thực hiện tốt. Một số ban quản trị chung cư, một số chung cư thực hiện tốt nhưng còn có một số tranh chấp, số tranh chấp theo thông tin của chúng tôi là còn 458 nhà chung cư, chiếm khoảng 10% tổng số chung cư”.

Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp gì?

Trả lời các câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ khẩn trương sửa đổi một số vấn đề về thu kinh phí bảo trì, tổ chức hội nghị nhà chung cư, phương thức quản lý, sử dụng nhà chung cư và tư cách pháp nhân của ban quản trị nhà chung cư.

Bộ cho rằng mọi tranh chấp và hạn chế trong việc quản lý nhà chung cư có liên quan đến mô hình quản lý nhà chung cư. Hiện nay, luật quy định có mô hình là ban quản trị nhà chung cư. Trong thời gian tới Bộ đề xuất bổ sung 2 mô hình nữa.

Mô hình thứ nhất là chủ đầu tư tự quản lý vận hành nhà chung cư, tự quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì của nhà chung cư. Mô hình thứ hai là giao cho các đơn vị tự quản lý vận hành chuyên nghiệp.

Nếu có 2 mô hình này thì mô hình quản lý chung cư sẽ đa dạng hơn, linh hoạt hơn. Có 2 yếu tố quyết định việc này. Một là chọn mô hình nào là do cộng đồng dân cử ở nhà chung cư đó tự quyết định. Hai là mặc dù chủ đầu tư thực hiện hay đơn vị chuyên nghiệp thực hiện thì phải có giám sát của cộng đồng thông qua ban quản trị của nhà chung cư đó.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tranh-chap-chung-cu-van-de-nong-duoc-dbqh-chat-van-bo-truong-bo-xay-dung-20190605102927119.htm