Trại gà phục vụ sản xuất vắc-xin cúm
Cập nhật lúc: 16/10/2021, 09:23
Cập nhật lúc: 16/10/2021, 09:23
Trại Chăn nuôi Suối Dầu thuộc Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC). Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng trại Chăn nuôi Suối Dầu cho biết gà tại đây là giống gà Novo White, có nguồn gốc từ Pháp. Đàn gà đầu tiên được nhập về năm 2010 với 3.000 con, sau đó số lượng gà tăng lên khoảng 8.000 con mỗi đợt.
Khi mới nhập về, những chú gà này chỉ mới một ngày tuổi, với tỷ lệ trống là 9%, còn lại là gà mái vì mục đích là nuôi lấy trứng có phôi. Gà tại đây được nuôi theo một tiêu chuẩn đặc biệt, trong môi trường khép kín, có hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tự động, được theo dõi rất là nghiêm ngặt.
Đàn gà nhập về được các cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Đây là giống gà sạch, an toàn về mặt sinh học và cũng là giống siêu trứng. Đặc biệt là có một số loại vắc xin gà không được phép tiêm, vì thế mà chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hết sức chặt chẽ…
“Trứng của giống gà này có màu trắng, trọng lượng trung bình từ 55 - 65gr đạt tất cả các tiêu chí… rất thuận lợi cho công tác nghiên cứu và sản xuất. Gà bắt đầu đẻ trứng là tuần thứ 18 đến tuần thứ 22 - 24 trứng đạt được các tiêu chuẩn để đưa vào phục vụ công tác sản xuất vắc xin cúm. Cứ như thế, chúng tôi nuôi đến tuần thứ 70 thì loại thải và nhập về một đàn gà mới. Những năm qua, Trại Chăn nuôi Suối Dầu luôn duy trì 3 - 4 đàn gà, mỗi đàn khoảng 8.000 con”, ông Minh nói.
Tại nhà nuôi dành cho gà đang ở độ tuổi sinh sản, ngoài hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nhà nuôi còn được thiết kế hệ thống thức ăn, nước uống tự động, hệ thống ổ đẻ dọc hai bên có băng chuyền đưa trứng ra ngoài.
Trung bình mỗi năm, đàn gà đặc biệt tại Trại chăn nuôi Suối Dầu cung cấp khoảng 400.000 trứng. Đây là nguồn cung cấp cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cúm. Một điều quan trọng là trứng gà để nghiên cứu sản xuất vắc xin phải là trứng gà có phôi.
Ngoài nguồn gà giống được nhập từ Pháp về, những năm qua, Trại Chăn nuôi Suối Dầu còn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn lớn từ Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam. Không chỉ là đơn vị cung cấp thức ăn, từ năm 2013 - 2014 đến nay, Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam còn ấp nở, tạo giống F1 gà Novo White để cung cấp cho Trại Chăn nuôi Suối Dầu.
Không chỉ góp phần nhân giống đàn gà ngay tại Việt Nam, mà khi Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế có nhu cầu tăng đột biến về số lượng trứng để phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất, Công ty cũng sẵn sàng cung cấp nguồn trứng chất lượng sẵn có cho Viện.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu chia sẻ: “Thời gian qua, Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam đã hỗ trợ Trại Chăn nuôi Suối Dầu nói riêng, IVAC nói chung rất nhiệt tình. Công ty cung cấp giống gà, nguồn trứng, tư vấn chăn nuôi và coi đây là những đóng góp trong cuộc cuộc phòng tránh dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhờ những đóng góp nói trên, đã giúp cho IVAC chủ động được nguồn nguyên liệu trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin”.
Theo IVAC, phương pháp nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc-xin cúm là phương pháp truyền thống. Khoảng 90% sản phẩm vắc xin cúm đang lưu hành hiện nay trên thị trường đợc sản xuất theo công nghệ này. Phương pháp này được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích nhằm sản xuất vắc xin cúm an toàn dùng cho người.
Ở công nghệ này, chủng vi rút dùng để sản xuất vắc xin sẽ được tiêm vào dịch niệu đệm trứng gà để nuôi cấy vi rút. Khi chúng nhân bản, túi dịch chứa vi rút trong trứng gà được hút ra ngoài để tinh chế, lọc tách. Sau đó, vi rút được bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu được đưa vào bào chế sản xuất vắc-xin.
Được biết, Việt Nam hằng năm có khoảng 1,2 - 1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong số đó 20 - 30% do vi rút cúm mùa gây ra. Trước đây, nước ta thiếu nguồn cung cấp vắc xin cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài.
Tuy nhiên, những năm qua, vắc xin cúm mùa IVACFLU – S đã được IVAC nghiên cứu, phát triển sản xuất dựa trên công nghệ trứng gà có phôi, với sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và trong nước. Ngày 14/1/2019, vắc xin này chính thức được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Được biết hiện nay, công suất vắc xin cúm mùa của IVAC là 1,5 triệu liều/năm, với giá thành chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với giá vắc xin nhập khẩu. Đây được xem là thành tựu to lớn trong công tác nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam. Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vắc-xin cúm không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc-xin cúm trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, IVAC đang nghiên cứu và sản xuất một số vắc-xin khác dựa trên nền tảng công nghệ trứng gà có phôi.
Năm 2020, với sự hỗ trợ của Trường Y Icahn (New York), Đại học Texas và Tổ chức PATH, IVAC đang nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng covid (COVIVAC) theo cùng công nghệ với vắc-xin cúm, hiện đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Nếu các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuận lợi, cho kết quả tốt, COVIVAC có thể được cấp phép sử dụng vào đầu năm 2022, với công suất khoảng 6 triệu liều/năm và có thể mở rộng công suất sản xuất lên 30 triệu liều. Khi thành công, vắc xin COVIVAC của IVAC sẽ có giá thành phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam (không vượt quá 60.000 đồng/liều).
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/trai-ga-phuc-vu-san-xuat-vac-xin-cum-20201231000003962.html
15:37, 25/06/2021
06:15, 24/06/2021
06:15, 19/06/2021
06:15, 18/06/2021
10:43, 03/06/2021