24/01/2025 | 18:15 GMT+7, Hà Nội

Trách nhiệm của VNR đến đâu khi để xảy ra sai phạm tại 2 lô đất vàng?

Cập nhật lúc: 08/10/2020, 15:10

Thanh tra chính phủ nêu rõ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng góp vốn thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá.

Lời tòa soạn: Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu Ngân sách Nhà nước mà còn khiến quyền lợi, tiện ích của người dân xung quanh khu vực "đất vàng" bị ảnh hưởng. Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý triệt để được những tồn tại của hàng trăm dự án bỏ hoang lại là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang; chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến các sai phạm sử dụng đất, công tác xử lý, giải pháp khắc phục... để thông qua đó "giành" lại quỹ đất cho Thủ đô và đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung của Thành phố.

Những sai phạm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại 2 lô đất vàng ở Thủ đô

Theo kết luận thanh tra năm 2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã lợi dụng góp vốn thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu tại lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, TP Hà Nội. 

Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng yêu cầu VNR tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Lô đất tại địa chỉ 80 Lý Thường Kiệt giờ đã bỏ hoang.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của VNR tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước. “Nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”, văn bản nêu rõ.

Được biết, trước đây 2 lô đất vàng có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước giao cho VNR thuê và thời hạn thuê đất đã hết từ năm 1996. Nhưng đến tháng 5/2013, VNR lại thỏa thuận với công ty TNHH Hà Thành hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 Lý Thường Kiệt và số 22 Phan Bội Châu. Theo đó, hai bên hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới là công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại các khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50. 

Cụ thể, công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt còn VNR góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất, bằng 50% vốn điều lệ tại công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn. Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa VNR và Công ty TNHH Hà Thành.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn 2 năm hoạt động (2013 - 2015), trong khi chờ thực hiện khách sạn 4 sao mới, tổng lỗ lũy kế kể từ khi được chuyển giao cho đối tác lên tới hơn 4 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, do những bất đồng giữa 2 bên góp vốn, khách sạn đóng cửa hoàn toàn, không có bất cứ nguồn thu nào.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, VNR không xây dựng phương án lập pháp nhân mới nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành. Quá trình góp vốn VNR đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng là thiếu cơ sở, bởi trước đó, đơn vị thẩm định giá trị tài sản góp vốn là xấp xỉ 67,5 tỉ đồng.

Những động thái để xử lý và thu hồi khu đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu?

Ngày 11/9/2020, VNR đã có văn bản số 2356/ĐS-KTKT gửi Bộ GTVT báo cáo về việc thực hiện văn bản số 8515/BGTVT-QLDN ngày 28/8/2020 của Bộ GTVT. Theo văn bản này, ngay sau khi nhận được thông báo số 165/TB - VPCP ngày 31/10/2018, và gần đây nhất là văn bản số 4766/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ, VNR đã chủ động thực hiện và gửi các văn bản đến Công ty TNHH Hà Thành với nội dung: "Đề nghị Công ty TNHH Hà Thành cử đại diện hợp pháp làm việc với đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thỏa thuận hủy bỏ Biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết ngày 20/5/2013" .

Bãi để xe máy khách hàng của công ty TNHH KSTM Sài Gòn hiện vẫn được làm nơi trông giữ xe ô tô.

Để khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên tục có văn bản đề nghị Công ty TNHH Hà Thành đến gặp mặt để cùng nhau thống nhất giải quyết những nội dung liên quan tới khu đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Thế nhưng động thái để giải quyết sự việc nhằm thu hồi hai lô đất cho Nhà nước không được Công ty TNHH Hà Thành “rốt ráo” thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Gia Khánh – Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đã thuê luật sư để nghiên cứu, khẩn trương hoàn tất hồ sơ để có thể thu hồi lại 2 lô đất đã góp vốn đầu tư trước đó. Đồng thời, ông Khánh còn cho rằng, trách nhiệm ở vụ việc này liên quan đến lãnh đạo tiền nhiệm của VNR trước đó là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty ĐSVN - Ông Trần Ngọc Thành. Theo đó, ông Thành cũng đã bị UBKTTW thi hành kỉ luật bằng hình thức cảnh cáo tại Kỳ họp 37 vào tháng 7/2019.

Ông Trần Ngọc Thành sinh năm 1960, trình độ chuyên môn là Kỹ sư cơ khí động lực. Dù vậy, trong hơn 32 năm nghề nghiệp, ông Thành đã giữ nhiều vị trí quản lý quan trọng, như Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Giám đốc Công ty Vận tải thủy bộ Yên Bái; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái; rồi đến Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT. Ngày 2/4/2013, Thứ trưởng Bộ GTVT ông Nguyễn Ngọc Đông đã triển khai Quyết định số 815/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm ông Thành làm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Vào giữa tháng 10/2016, Bộ GTVT đã bắt đầu làm thủ tục để tiến hành luân chuyển, điều động ông Thành giữ chức Vụ trưởng, Phó trưởng ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm lụt bão Bộ GTVT. Tuy nhiên, ông đã có đơn xin từ chức và nghỉ chế độ sớm 4 năm.

Ông Hoàng Gia Khánh cũng cho biết, ngày 15/9/2020, ông đã chủ trì cuộc họp với Công ty TNHH Hà Thành về việc thỏa thuận hợp tác ngày 20/5/2013 đối với khu đất tại 80 Lý Thường Kiệt. Cuộc họp có sự có mặt của ông Phan Huy Lệ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành.

Kết luận tại buổi làm việc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và công ty TNHH Hà Thành bước đầu đã có những trao đổi, tìm biện pháp giải quyết để nhanh chóng thu hồi khu đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhằm hạn chế các thiệt hại phát sinh xảy ra giữa hai bên. Theo đề xuất của công ty TNHH Hà Thành, sẽ có một buổi làm việc với ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong tháng 10/2020 để xử lý dứt điểm vụ việc.

Công ty TNHH Hà Thành

Theo tìm hiểu, công ty TNHH Hà Thành được thành lập từ năm 1998, đóng trụ sở tại Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá và thuộc sở hữu 100% của vợ chồng doanh nhân Phan Huy Lệ.

Hà Thành hiện có vốn điều lệ 568 tỷ đồng, trong đó ông Phan Huy Lệ (SN 1964) chiếm 98,63%, bà Phạm Thị Tình sở hữu số % còn lại, hoạt động trong lĩnh vực chính là "Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác - mã ngành 4659". Tuy nhiên tại Thanh Hoá, Hà Thành được biết đến nhiều với dự án Thuỷ điện Thành Sơn công suất 30MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại huyện Quan Hoá. Dù "đại bản doanh" đặt ở Thanh Hoá, song vợ chồng doanh nhân Phan Huy Lệ lại sinh sống tại Hà Nội.

Ngoài dự án liên doanh với VNR, vợ chồng ông Phan Huy Lệ còn nhiều khoản đầu tư rất lớn khác ở Hà Nội, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Qua đó hình thành một nhóm doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn với "lõi" là Công ty TNHH Hà Thành. Hà Thành hiện nắm 99,97% cổ phần CTCP Thiết bị Vật tư Ngân hàng (vốn 100 tỷ đồng), 99,99% cổ phần CTCP Ô tô Vận tải Hà Tây (vốn 30 tỷ đồng).