Trả nợ đúng hạn không chỉ là vấn đề pháp luật
Cập nhật lúc: 08/04/2020, 15:23
Cập nhật lúc: 08/04/2020, 15:23
Việc cho vay chắc chắn sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ và quyền được đòi nợ của bên cho vay.
Để giúp người đi vay hiểu rõ việc nợ quá hạn có thể dẫn đến những phiền phức như thế nào, cũng như tránh những tranh chấp không đáng có, gây mệt mỏi, phiền toái cho cả các tổ chức tín dụng và khách hàng, Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội.
Trước thực trạng nhiều người trong xã hội có góc nhìn phiến diện, “ác cảm” với các công ty tài chính trong công tác thu hồi nợ, trong khi thực tế nhiều khách hàng luôn “có những cái lý của mình” để không thanh toán nợ, chây ì, trốn nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Ở Việt Nam hiện nay, việc đòi nợ có 2 cách. Thứ nhất, là các công ty tài chính cho vay, đến hạn khách hàng phải trả nợ sẽ tự đòi. Thứ hai, là các công ty tài chính ủy quyền cho bên thứ ba có chức năng thu hồi nợ theo Nghị định 104 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về dịch vụ thu hồi nợ. Dưới góc độ pháp lý, NHNN đã ban hành quy định rất chặt chẽ, cụ thể đối với hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính tại Thông tư số 43, Thông tư số 18 sửa đổi bổ sung.
Tuy nhiên, trong các hoạt động tín dụng thì hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính chứa nhiều rủi ro, bởi đối tượng cho vay của họ là những khách hàng dưới chuẩn cho vay của các NHTM có nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, hầu hết những người đi vay là những người có ít kiến thức về tài chính. Dẫn đến việc khách hàng vay nhưng thiếu ý thức trả nợ, không thực hiện việc trả nợ đúng hạn dẫn đến việc mâu thuẫn tranh cãi, tranh chấp.
Nghiên cứu pháp luật quốc tế và đặt trong bối cảnh Việt Nam, theo ông, các hoạt động thúc giục, đôn đốc trả nợ như là nhắn tin gọi điện có phù hợp không?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định pháp luật thì hoạt động cho vay tài sản là một hoạt động dân sự. Mối quan hệ này diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Việc cho vay chắc chắn sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ và quyền được đòi nợ của bên cho vay.
Hiện nay, pháp luật cho phép bên cho vay có thể tự mình đòi nợ, hoặc ủy quyền cho bên thứ ba. Pháp luật chỉ cấm việc lợi dụng đòi nợ để xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của người đi vay.
Theo tôi, dịch vụ đòi nợ là cần thiết. Bởi việc thu hồi nợ có hiệu quả hay không liên quan đến sống còn của doanh nghiệp. Khi công ty tài chính hoặc các đơn vị cho vay một khoản tiền lớn, nếu không thu hồi được kịp thời thì doanh nghiệp có thể khó khăn, thậm chí phá sản. Bởi vậy, việc đòi nợ, thu hồi nợ cần phải được pháp luật quy định cụ thể chi tiết, cũng như đảm bảo quyền lợi của người có tài sản mà đang chưa đòi được nợ.
Vậy theo pháp luật quy định, nếu vi phạm hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, thì khách hàng sẽ bị xử lý ra sao thưa ông?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Khi những hoàn cảnh khó khăn cần tiền, được các công ty tài chính cho vay thì đó là rất tốt rồi. Về nguyên tắc có vay có trả. Khi đến hạn trả nợ thì những người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Đây không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức xã hội.
Nếu trong trường hợp đến hạn trả nợ, nhưng vì một lý do nào đó mà khách hàng không trả được nợ, thì đó là vi phạm quy định của hợp đồng tín dụng. Lúc này sẽ phát sinh các quyền đòi nợ của bên cho vay. Quyền đòi nợ trên cơ sở nhắc nợ, xác minh đối tượng nợ và thỏa thuận phối hợp phương án trả nợ.
Với những trường hợp gian dối, lợi dụng hoạt động vay tín chấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vay nhưng trốn tránh nghĩa vụ không trả nợ, bỏ trốn xóa dấu vết…, sẽ được khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với khoản vay trên 2.000.000 đồng trở lên ó thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015.
Chính vì vậy, người vay khi đã nhận được tiền phải nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích. Nếu gặp khó khăn trong khi trả nợ, người vay cần thông báo kịp thời tới nhân viên tín dụng hoặc công ty tài chính để thỏa thuận phương án giãn nợ, hoãn nợ, hoặc một giải pháp tích cực khác nhằm hạn chế rủi ro, tranh chấp trong quá trình vay vốn tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi.
16:51, 06/04/2020
10:33, 03/04/2020
10:07, 02/04/2020