22/01/2025 | 16:57 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Nguồn cung nhà cao tầng dần lấn át nhà ở thấp tầng

Cập nhật lúc: 17/04/2021, 06:04

Trong 10 năm qua, tỷ lệ phân khúc nhà thấp tầng chiếm chưa đến 10% nguồn cung mới và được dự báo tiếp tục sụt giảm. Trong khi đó, quy hoạch nhà ở tại TP.HCM đến 2030 vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng.

Giao dịch căn hộ thấp nhất trong vòng 5 năm qua

Theo Savills Việt Nam, trong quý I/2021, nguồn cung sơ cấp thị trường căn hộ TP.HCM đạt hơn 4.900 căn, giảm 56% theo quý và 31% theo năm. Tổng nguồn cung mới đạt hơn 2.200 căn từ 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 8 dự án hiện hữu, giảm 73% theo quý và 38% theo năm.

Trong đó, hai dự án hạng B mới là Masteri Lumiere ở quận 2 và King Crown Infinity ở Thủ Đức chiếm 33%. Hạng B dẫn đầu nguồn cung sơ cấp trong quý với 57% thị phần. Với các khu đô thị mới, các quận gồm quận 2, 7 và 9 chiếm 78% nguồn cung sơ cấp hạng B.

Savills cho rằng, việc nguồn cung giảm kéo theo tình hình hoạt động trong quý giảm. Tổng giao dịch trong quý chỉ đạt gần 2.100 căn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Con số này cũng giảm 76% theo quý và 56% theo năm, do nguồn cung sơ cấp thấp. Hai dự án hạng B mới bán tốt với tỷ lệ hấp thụ 86%.

Nhà ở cao tầng dần lấn át nhà ở thấp tầng tại TP.HCM
Nguồn cung sơ cấp căn hộ hạn chế khiến tổng giao dịch trong Quý giảm xuống thấp nhất trong 5 năm

Savills đánh giá, việc căn hộ diện tích lớn ở các dự án hiện hữu, với giá cao chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung sơ cấp, khiến tình hình hoạt động giảm. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 42%, giảm mạnh 34% so với quý trước.

Đáng chú ý, Savills cho biết, giá bán căn hộ ghi nhận tăng ở cả ba hạng, trong đó các giai đoạn tiếp theo của những dự án hiện hữu ghi nhận mức tăng đến 6% so với các đợt mở bán trước đó.

Savills cũng nhận định, bất động sản khu trung tâm sẽ trở nên sôi động trong năm. Cụ thể, trong 9 tháng còn lại của năm 2021, dự kiến thị trường có hơn 14.600 căn hộ ở cả ba hạng sẽ gia nhập thị trường. Nhờ tuyến Metro số 1 chuẩn bị vận hành cũng như tiến độ đường Vành đai 3, các khu đô thị mới ở các quận có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, 7 và 9, vẫn là nguồn cung chính trong tương lai, chiếm 44% thị phần.

Đặc biệt, với dự án căn hộ hàng hiệu đầu tiên - Grand Marina ở quận 1, giá bán khu vực trung tâm dự kiến sẽ đạt mốc cao mới.

“Thủ tục hành chính cải thiện cũng như việc hoàn thành các cơ sở hạ tầng trọng điểm tương lai sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các dự án mới ở khu ngoài trung tâm. Đến năm 2024, tổng cung dự kiến đạt hơn 112.000 căn hộ, trong đó hạng B sẽ dẫn dắt với 48% thị phần”, Savills dự báo.

Bình Chánh sẽ dẫn đầu nguồn cung nhà liền thổ

Trong khi căn hộ khởi sắc ở khu vực trung tâm thì thị trường nhà liền thổ có xu hướng giảm xuống. Cụ thể, trong quý I/2020, nguồn cung sơ cấp phân khúc này chỉ đạt hơn 470 căn, thấp nhất trong 5 năm qua, giảm 50% theo quý và 59% theo năm. Thị trường TP.HCM chỉ ghi nhận 180 căn từ các dự án mở bán mới, trong khi 63% nguồn cung sơ cấp đến từ hàng tồn kho.

Savills đánh giá, nguồn cung nhà liền thổ dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm khi quy hoạch nhà ở TP.HCM đến 2030 sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Trong 10 năm qua, phân khúc nhà thấp tầng chiếm chưa đến 10% nhà ở mới, tỷ lệ này được dự báo tiếp tục sụt giảm trong các năm tới.

Về tình hình giao dịch, việc nguồn cung suy giảm cũng đã khiến giao dịch nhà liền thổ giảm 69% theo quý và 65% theo năm, trong đó 42% giao dịch đến từ các dự án mới. Tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt 43%, giảm 25 điểm phần trăm theo quý và 7 điểm phần trăm theo năm.

TP.HCM không khuyến khích làm nhà ở thấp tầng khiến nguồn cung mới sụt giảm 
Việc TP.HCM không khuyến khích làm nhà ở thấp tầng khiến nguồn cung mới sụt giảm mạnh (Ảnh sưu tầm)

Tình hình hoạt động phân khúc nhà liền thổ khó khăn do khan hiếm nguồn cung mới và sự gia tăng tỷ trọng các sản phẩm tồn kho khó bán như các căn đã mở bán lâu hoặc có giá bán cao trên 2 triệu USD.

Trong thời gian tới, Savills dự báo khu vực ngoại thành sẽ dẫn dắt nguồn cung nhà liền thổ trong tương lai. Đến năm 2023, gần 9.200 nguồn cung mới sẽ mở bán. Bình Chánh chiếm 25% nguồn cung mới, tiếp theo là quận 9 với 18%, và quận 2 chiếm 17%.

“Nhìn chung tiến độ các dự án tương lai phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở TP.HCM đến 2030. Dự án tương lai sẽ tập trung tại các quận 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân và các quận huyện ngoại thành Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn. Đây là các quận có quỹ đất lớn, phù hợp để phát triển các dự án bất động sản song song và đồng bộ với việc nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng”, Savills cho biết thêm./.

Nguồn: https://reatimes.vn/tphcm-nguon-cung-nha-cao-tang-dan-lan-at-nha-o-thap-tang-20201224000002874.html?fbclid=IwAR02pTPzVMBxs_7rhKcusKX8KmvpuH5Xu55RWnEczmeR-rv-AHWLzcvMQ9M