19/01/2025 | 07:07 GMT+7, Hà Nội

TP Hồ Chí Minh: Thị trường lao động đang ngày càng mất cân đối

Cập nhật lúc: 08/06/2016, 19:35

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), thị trường lao động thành phố thời gian gần đây luôn diễn ra tình trạng mất cân đối về số lượng cũng như chất lượng trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn.

Điều này đã dẫn đến tình trạng vừa thừa và vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh.

Thông tin từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong tháng 6/2016, thành phố có khoảng 25.000 chỗ làm việc cho người lao động.

Nhóm ngành kinh doanh, vận tải cần nhiều nhân lực

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 25%; Sơ cấp nghề chiếm 10%; Công nhân kỹ thuật - Trung cấp chiếm 30%; Cao đẳng - Đại học và trên đại học chiếm 35%.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh, bán hàng, quản lý điều hành, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, dệt may, giày da...

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 6/2016

Có thể thấy nhóm lao động có trình độ Đại học và trên đại học có số lượng việc làm lớn hơn so với nhóm lao động có trình độ sơ cấp và lao động phổ thông. 

Trước đó, trong 1 khảo sát của Falmi, đến năm 2020, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần khoảng 270.000 việc làm, trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 28%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%.

Trong đó, nhu cầu việc làm tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực là:

  • Công nghệ thông tin điện tử
  • Cơ khí hóa chất
  • Chế biến thực phẩm
  • Công nghệ dệt may

Việc làm sẽ tuyển dụng theo xu hướng nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động phổ thông sẽ giảm dần.

Thị trường lao động mất cân đối

Đánh giá về thị trường lao động trong thời gian gần đây, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi cho biết: Thị trường lao động thành phố thời gian gần đây luôn diễn ra tình trạng mất cân đối về số lượng cũng như chất lượng trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn.

Chính vì vậy, luôn xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh, đặc biệt những nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn cao thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp trọng yếu và kinh tế dịch vụ như: Cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin.

Trong tháng 6/2016, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 25.000 lao động

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố có 56 trường đại học, 26 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 13 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 27 trường trung cấp nghề và trên 390 trung tâm - cơ sở  dạy nghề.

Như vậy, mỗi năm các cơ sở đại học, dạy nghề này cung ứng cho thành phố khoảng 300.000 lao động.

Tuy nhiên, chất lượng của nguồn cung này lại chưa cao. Mặc dù có số lượng lớn nhưng trình độ lao động có thể đáp ứng được những công việc đòi hỏi chuyên môn cao vẫn chưa nhiều. Trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập như hiện nay thì dường như chất lượng của các nhóm lao động này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Bởi thế mà TP Hồ Chí Minh dù đang dư thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Một khảo sát về tình trạng thất nghiệp cho hay: Nhóm cử nhân thất nghiệp có nhu cầu tìm việc hiện chiếm khoảng 65% số người đang tìm việc. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đang phải "đốt đuốc" đi tìm người làm được việc - người có kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.