19/01/2025 | 10:39 GMT+7, Hà Nội

Gần 50% người lao động muốn "nhảy" việc sau Tết

Cập nhật lúc: 19/01/2016, 07:22

Theo khảo sát mới đây của JobStreet, có hơn 66% lao động sẵn sàng chuyển việc để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại trong năm tiếp theo. Trong đó, 49% lao động quyết định tìm việc ngay trong Tết.

Theo kết quả khảo sát thị trường lương thưởng cuối năm vừa được trang mạng việc làm Jobstreet.com công bố, 5 lĩnh vực ngành nghề được thưởng Tết nhiều nhất là Vận tải, Xây dựng công trình, Văn phòng chính phủ, Khai thác khoáng sản và Tiện ích/năng lượng.

Theo đó, người lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt nhận được mức thưởng cao nhất, có đến 14% nhận được hơn 4 tháng lương thưởng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 17% người lao động không được bất kỳ khoản thưởng nào trong dịp Tết và chỉ có 11% người lao động nhận được mức thưởng tương đương trên 3 tháng lương.

 Nhiều người lao động muốn nhảy việc sau Tết

Ở cấp bậc nhân viên, mức thưởng dưới 1 tháng lương và từ 1 - 4 tháng lương chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 40% và 36%. Tỷ trọng này cũng tương tự đối với cấp bậc trưởng phòng/quản lý cấp cao/trưởng nhóm với lần lượt là 30% và 50%.

Đáng lưu ý, khảo sát chỉ ra rằng, có hơn 66% lao động sẵn sàng chuyển việc để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại trong năm tiếp theo. Trong đó, 49% quyết định tìm việc ngay trong Tết.

Đặc biệt, mức lương thưởng không phải là yếu tố được nhân viên đặt lên hàng đầu để tiếp tục làm công việc hiện tại. Khảo sát cho thấy môi trường làm việc năng động, truyền cảm hứng mới là yếu tố hàng đầu người lao động quan tâm (22%), mức lương thưởng tốt chỉ đứng ở vị trí thứ hai (16,8%).

 Khảo sát của JobStreet

Thêm vào đó, có rất nhiều người mong muốn “được thưởng theo hiệu quả công việc” khi tham gia khảo sát, do đó, một cơ chế thưởng hấp dẫn được công bố minh bạch chắc chắn sẽ là ưu thế của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài.

Có thể thấy, một trong những lý do khiến người lao động muốn nhảy việc là do không có cơ hội thăng tiến hay phát triển bản thân ở công việc, vị trí hiện tại. Bởi theo khảo sát, có tới 7.160 người (tương đương 57% số người được khảo sát) có cùng lý do này.

Tuy nhiên, cơ hội thăng tiến là yếu tố kém quan trọng hơn trong việc quyết định nhảy việc đối với nhân viên trên 10 năm kinh nghiệm, chỉ chiếm 48%. Trong khi đó, đối với nhân viên dưới 5 năm kinh nghiệm, tỉ lệ này lên đến 61%.