19/01/2025 | 07:01 GMT+7, Hà Nội

Gần 2.000 người lao động không được doanh nghiệp đóng BHXH

Cập nhật lúc: 24/03/2016, 15:02

Tại cuộc họp tổng kết Chương trình giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật BHXH năm 2015 vào chiều 23/03, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra những con số cụ thể nhất về mức đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cho người lao động trong năm 2014 và 2015.

Việc giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH năm 2015 đã được thực hiện tại 16 doanh nghiệp với 7.891 người lao động trên địa bàn 6 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng tháp và An Giang, với thời gian từ ngày 05/10/2015 đến hết ngày 13/11/2015.

Trong số 16 doanh nghiệp này, có 1 doanh nghiệp FDI; 11 doanh nghiệp cổ phần, 3 doanh nghiệp TNHH và 1 doanh nghiệp tư nhân.

Theo đó, kết quả giám sát việc thực hiện BHXH năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy: Có 07/16 doanh nghiệp đăng ký và tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

15/16 doanh nghiệp thường xuyên đóng BHXH chậm theo quy định của Luật BHXH, ít nhất từ 1 - 2 tháng trở lên.

Cá biệt có 3 doanh nghiệp nợ dây dưa, kéo dài trên 2 năm.

Tổng số chậm đóng và nợ BHXH của 16 doanh nghiệp là 31.006.702.234 VND.

Tổng số chậm đóng và nợ BHXH của 16 doanh nghiệp là 31.006.702.234 VND.

Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp nợ BHXH, hàng tháng đều có trích tiền đóng BHXH (khoảng 10,5%) từ tiền lương, tiền công của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH mà chỉ đóng theo kiểu “trừ nợ dần” vào quỹ BHXH làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hưởng BHXH của người lao động.

Được biết, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản vi phạm quy định này nhiều nhất và thường chỉ đóng BHXH cho người lao động sau 12 tháng làm việc tại doanh nghiệp.

Thống kê từ Tổng liên đoàn Lao động cho thấy: Có 1.985 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN bắt buộc nhưng doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia đóng BHXH và 1.106 trường hợp doanh nghiệp báo cáo là ký HĐLĐ dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH.

Kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ bao phủ BHXH bình quân của 6 tỉnh được giám sát đạt 13% trên tổng số lực lượng lao động tham gia BHXH (và chiếm khoảng 6,9% dân số trên địa bàn tỉnh).

Tỉnh có tỷ lệ tham gia cao nhất là Khánh Hòa 23%, tỉnh thấp nhất là An Giang 6,6%; tính trung bình cả 6 tỉnh có: 14% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp, 64,6% dân số tham gia BHYT.

Tỷ lệ này còn rất xa so với mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia BH thất nghiệp và 80% dân số tham gia BHYT.

Cơ quan BHXH khó nắm được chính xác số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mà chủ yếu vẫn do doanh nghiệp tự đăng ký khai báo.

Đa số doanh nghiệp đều lấy lý do là kinh tế khó khăn, doanh nghiệp mới thành lập hoặc thay đổi cán bộ quản lý, hoặc do người lao động không muốn tham gia BHXH để không đóng BHXH đầy đủ cho người lao động.

Trước thực trạng này, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: Trong năm 2016, bên cạnh việc tổ chức các đoàn giám sát, 4 cơ quan chọn khoảng 2 đến 3 trường hợp có vi phạm pháp luật về BHXH để khởi kiện ra tòa nhằm răn đe và tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật về BHXH đối với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động.