TP Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nỗ lực vì mục tiêu chung
Cập nhật lúc: 21/08/2020, 15:17
Cập nhật lúc: 21/08/2020, 15:17
Chưa kịp gượng dậy khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, cộng đồng DN lại đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trước sự bùng phát trở lại của dịch. Hơn lúc nào hết, cộng đồng DN cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với chống dịch, nhiệm vụ ổn định, phát triển sản xuất, hỗ trợ kích cầu thị trường, bảo đảm đời sống người lao động cũng luôn là nhiệm vụ được Chính phủ, các cấp chính quyền tập trung thực hiện. Là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tập trung nhiều DN, trong thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cộng đồng DN.
Mới đây nhất, UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 17/8/2020 về việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021. Đây là bộ phận DN có số lượng lớn, tỷ trọng đóng góp vào kinh tế Thủ đô được ghi nhân đang có chuyển biến tích cực trong rất nhiều ngành sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên những DN này do phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên cũng là nhóm dễ bị tổn thương trước những biến động đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Chính vì thế, sự hỗ trợ của TP với những nội dung cụ thể và mức kinh phí dự kiến lên đến 402 tỷ đồng được đánh giá là khá thiết thực với các DNNVV trong thời điểm này. Cùng với sự đồng hành của cải cách thủ tục hành chính, thủ tục liên quan đến thuế, kêu gọi các ngân hàng đồng hành cùng DN... thì việc hỗ trợ hỗ trợ DN trong việc thành lập mới; hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh DN; đào tạo đội ngũ lãnh đạo CEO; hỗ trợ phát triển thị trường... là những nhóm DN đang rất cần tại thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, để hỗ trợ DN cụ thể hơn, đối với DN đầu tư sản xuất kinh doanh hiện khó khăn nhất là mặt bằng sản xuất. Dù nội dung này đã được nêu trong Đề án nhưng chưa được cụ thể. Đơn cử, hiện TP có bao nhiêu cụm công nghiệp đã được đầu tư; số lượng diện tích bao nhiêu thì cũng chưa cụ thể và DN được hỗ trợ như thế nào để có thể dễ tiếp cận và được hướng dẫn cụ thể giải pháp hỗ trợ... Tiếp đến là việc xúc tiến triển khai thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 34/2018/NĐ–CP bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhằm giúp hỗ trợ DN trong tiếp cận tín dụng, đặc biệt, trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay.
Hỗ trợ, đồng hành cùng DN phục hồi sản xuất kinh doanh đã và đang được triển khai tích cực, qua đó cho thấy những quyết tâm của TP đã và đang cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách cụ thể. Ở chiều ngược lại, trong khó khăn của dịch Covid-19, cộng đồng DN cũng đang nỗ lực để từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người lao động… Vừa chống dịch song vẫn hạn chế những tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển chung đã và đang được các cấp, ngành và cộng đồng DN của TP cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể với quyết tâm cao nhất.
15:28, 20/08/2020
15:23, 20/08/2020
15:17, 20/08/2020