19/01/2025 | 02:28 GMT+7, Hà Nội

Tổng kiểm tra chuỗi cửa hàng SEVEN.am sau nghi vấn cắt mác Trung Quốc

Cập nhật lúc: 12/11/2019, 14:36

Sáng ngày 11/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo Đội QLTT số 14 kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội...

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo Đội QLTT số 14 chia thành 5 tổ kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội gồm: 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ.
70 ngày đình trệ kinh doanh, Asanzo than 'mất trắng' 1 tỉ đồng mỗi ngày Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu làm rõ thông tin phản ánh vụ việc tại Asanzo Asanzo xác nhận 70% linh kiện sản xuất tivi được nhập từ Trung Quốc
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang thuộc SEVEN.am. Ảnh: Quản lý thị trường

Theo ghi nhận của lực lượng Quản lý thị trường, toàn bộ các sản phẩm được bày bán trong các cửa hàng trên đều có tem của sản phẩm SEVEN.am xuất xứ “Made in Vietnam,” có gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty cổ phần MHA thời trang SEVEN.am".

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình các giấy tờ gồm: Đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy số 14518064. Trong khi đó, toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin được xuất trình sau.

Ông chủ thời trang Seven.am là ai?

Ông chủ thương hiệu Seven.am chính là diễn viên chuyên vào vai "lấc cấc" Nguyễn Vũ Hải Anh, một gương mặt quen thuộc từng nhiều ...

Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết, SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng, tuy nhiên doanh nghiệp này có hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Toàn bộ sản phẩm được SEVEN.am thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.

Trong thời gian kiểm tra sáng nay tại 5 cửa hàng trên, Đội Quản lý thị trường số 14 chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm.

Trước đó theo phản ánh của báo chí, thương hiệu thời trang SEVEN.am có nhập thêm hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Trung Quốc thành "Made in Vietnam" trên một số sản phẩm khăn, quần áo và đồ lót.

Hiện Đoàn kiểm tra vẫn đang tiếp tục làm việc với chủ doanh nghiệp các nội dung liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Trên tem của sản phẩm thời trang SEVEN.am ghi xuất xứ “Made in Vietnam”. Ảnh: Quản lý thị trường

Có hay không việc cắt mác hàng Trung Quốc?

Liên quan đến thông tin hãng thời trang SEVEN.am bị tố sử dụng nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc nhưng được gắn mác thương hiệu Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng GĐ công ty sở hữu thương hiệu SEVEN.am xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn

Trả lời Zing, ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết, việc cắt mác ở các sản phẩm của Trung Quốc vì khách hàng kêu ngứa.

Ông Hải Anh cũng giải thích "phải cắt sạch và may lại vì khách hàng phàn nàn về cảm giác ngứa ngáy, khó chịu"! Tuy nhiên, theo ông Hải Anh, cắt mác ở cổ áo vì khác hàng kêu ngứa, còn những chỗ khác như mác trên sườn áo nhãn mác vẫn còn.

Ngoài các sản phẩm quần áo, một số mẫu túi da tại SEVEN.am cũng không ghi nguồn gốc xuất xứ, chỉ có một mác nhỏ ghi dòng chữ "SEVEN.am", mã vạch, tên sản phẩm, năm sản xuất và giá. Trên sản phẩm dập chữ SEVEN.am.

Trong một diễn biến khác có liên quan, trả lời VTC News, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về một số thương hiệu thời trang bị tố giả danh xuất xứ. “Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra và làm rõ về các thông tin phản ánh”, ông Kiên thông tin.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, gần đây nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng bị tố có biểu hiện gian lận xuất xứ, nhập hàng nước ngoài rồi gắn mác hàng Việt.

“Để có kết luận chính xác, việc thanh, kiểm tra cần tiến hành cẩn thận”, theo đại diện Cục Quản lý Thị trường Hà Nội.

Vẫn theo lãnh đạo Quản lý Thị trường Hà Nội, hàng hóa quần áo may mặc hay giày dép ở Việt Nam hầu hết đều được gia công ở nước ngoài. “Kể cả các thương hiệu đồ da nổi tiếng cũng đều được gia công ở nước ngoài hết. Các mặt hàng quần áo của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam cũng tình trạng tương tự. Việc gia công ở nước ngoài là được phép tuy nhiên khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều thương hiệu tự ý gắn mác made in Vietnam, trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định”.

Chiều 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo.

Số lượng 66 bao tải quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 04 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỉ đồng.

Theo lực lượng QLTT, toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngọc Châu (t/h)
(Theo Tạp chí KTMT)


+