19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Tình làng nghĩa xóm trong con ngõ ngoằn ngoèo

Cập nhật lúc: 20/03/2018, 21:50

Ban tổ chức Cuộc thi Nơi tôi sống giới thiệu bài dự thi của tác giả Đào Thị Thanh Thúy (số 8, Lạc Hồng B, tổ 22A, ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội).

Mười một năm gắn bó với khu phố này cho tôi trải nghiệm gần như hết thăng trầm của cuộc đời mình. Đã lâu lắm rồi tôi vẫn tự hỏi, tại sao cái ngõ ngoằn ngoèo và khó nhớ này lại dễ đi so với tôi đến vậy dù chỉ một lần chồng tôi chở đến xem trước khi quyết định mua. Gia đình tôi đang ở là cụm dân cư 22, tổ 22A, phường Khương Trung.

Có lẽ sẽ không có gì đáng nói nếu như nó không được gắn cái mác đất nằm trong quy hoạch công viên cây xanh từ bản đồ năm 1995.Tôi chuyển đến đây không phải là sớm, cũng không muộn hơn nhiều nhà. Tôi vẫn nhớ rõ khi mới đến, con đường vào ngõ vẫn gập ghềnh đất đá, lóc cóc sỏi khiến xe đi vào nghiêng ngả. Vậy mà nó dần thay da đổi thịt.

Từ chỗ cả tổ cùng chung tay xây dựng làm lên con đường bê tông hơi bằng phẳng, rồi đến khi được quận, phường hỗ trợ kinh phí đào cống, làm nên con đường đẹp mịn màng đem lại niềm vui không kể xiết cho tổ lái nữ chị em chúng tôi. Cùng cụm dân cư 22 nhưng bên tổ 22 là tập thể x16 Bộ Công An, là những hộ gia đình có sổ đỏ, có hộ khẩu Hà Nội, còn đối diện hoặc bao xung quanh lại là tổ 22A, thuộc diện đất không sổ, không hộ khẩu Hà Nội. Điều gắn kết giữa chúng tôi lại là tình làng nghĩa xóm rất đơn giản.

Hàng ngày ra cửa nhìn nhau với câu chào tươi tắn, lời hỏi thăm xã giao bình thường mà tình cảm. Nơi tôi sống, con người cũng có lo toan bộn bề, sớm vội, chiều muộn. Nhưng lại đầm ấm vì vài thứ quà quê đưa vội, vài món rau củ tự trồng trên tầng thượng hay đôi khi là món đặc sản lúc đi chơi xa. Cái không khí dọn đường phố đón xuân sang, bọn trẻ tụ tập đạp xe lúc tan học, hay vẻ náo nhiệt đêm Trung Thu trăng tròn.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Không biết có phải vì cùng cảnh ngộ mua đất mà mãi vẫn chưa được cấp sổ hay không mà xóm giềng ở đây dễ gắn bó đến kỳ lạ. Từ nhà ở hơn 20 năm đến nhà mới ở vài năm đều dễ quen, dễ sống, dễ hòa đồng. Có cả những bất đồng tranh cãi trong lối sống. Cũng kỳ lạ, có khi cả xóm cùng đồng tình phê phán người này vì hành vi xả rác bừa bãi, vì đậu xe ngang ngược,... Nhưng hôm sau lại cười xòa hỏi nhau như chưa từng có gì mâu thuẫn. Cuộc sống cứ tiếp nối, có vui, có buồn, thậm chí có những xô xát, tranh cãi của mỗi nhà làm xóm nhỏ ầm lên lúc đêm đến hoặc giữa trưa tĩnh lặng nhưng lại là gia vị cho không gian nơi tôi sống.

Cái cảm giác dù đi đâu cũng không bằng ở nhà luôn thường trực trong tôi mỗi khi trở về nơi này, nơi tôi sống, trong ngõ nhỏ này. Buổi sớm thức dậy nghe tiếng chân, tiếng nói chuyện rôm rả của các bà, các cô, các chị đi tập thể dục thật tỉnh cả người. Không gian yên tĩnh buổi trưa thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng trẻ con khóc, tiếng vài bà hàng xóm buôn chuyện. Buổi chiều ầm ĩ tiếng ô tô, xe máy về nhà, tiếng tụi nhỏ đạp xe ầm ầm. Đêm đến khi ánh đèn đường vụt sáng, đèn trong các nhà nhỏ dần ánh sáng, mọi người chìm vào giấc ngủ sâu đem lại cảm giác bình yên.

Nơi này vốn dĩ không phải nơi tôi sinh ra nhưng các con tôi đã lớn lên ở đây. Chúng đã cất những bước đi vụng dại trên đất sỏi và cũng ra sức đạp xe trên con đường bê tông láng mịn ở đây. Chỉ một khu phố nhỏ nhoi vẫn chưa được xác định giữa lòng Thủ đô nhưng đã có rất nhiều thế hệ trẻ con lớn lên, trưởng thành trong tình yêu thương đùm bọc của hàng xóm, láng giềng nơi đây.

Cuộc sống xô bồ, con người bon chen nhưng vẫn ấm áp tình người. Có lẽ đó là lý do mà nhiều người vẫn ở lại mảnh đất này.

Khi tôi đọc về cuộc thi, tôi muốn tham gia chỉ vì muốn mọi người biết đến một nơi an ổn, tĩnh lặng đến thế giữa lòng Hà Nội ồn ào, náo nhiệt mà thôi. 

Bài tham dự cuộc thi "Nơi tôi sống" của tác giả Đào Thị Thanh Thúy