19/01/2025 | 06:02 GMT+7, Hà Nội

Về nhà của mình

Cập nhật lúc: 16/03/2018, 19:49

Mỗi một con người có bao nhiêu nơi chốn để gắn bó, nhưng nhà của mình là nơi quan trọng và gần gũi nhất. Về nhà của mình là về lại với bản thể đích thực nhất của mình, trút bỏ mọi xiêm y xã hội để thơ thới sống đúng với con người mình nhất...

Ngay sau khi Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí điện tử Gia Đình Mới tổ chức Lễ phát động Cuộc thi "Nơi Tôi Sống", chúng tôi nhận được bài tùy bút hưởng ứng cuộc thi của nhà văn Nguyễn Thành Phong. Reatimes xin đăng tải bài viết để giới thiệu đến các quý vị độc giả!

Một

Như hầu hết mọi người, tôi được lớn lên trong mái nhà của cha mẹ mình. Nhà của mình thời thơ bé. Mỗi người trong chúng ta đều đã nhận được bao nhiêu những giá trị từ những người thân của mình trong ngôi nhà yêu thương thời thơ bé để dần hình thành nên cốt cách và bản lĩnh, để dần trưởng thành, đi ra với cuộc đời, làm nên sự nghiệp...

Trong ngôi nhà thời thơ bé, mẹ dạy ta ăn ngay nói thẳng, sống có trước có sau, trọn đạo lý, vẹn nghĩa tình, kim chỉ có đầu... Cha dạy ta đứng lên trên đôi chân của mình, biết dần phận sự, học lam học làm từ những việc nhỏ để sau này biết việc lớn, biết đi ra đường rộng, lối quang...

Ông truyền cho ta nghĩa lý ở đời qua những câu chuyện cổ ngày ấu thơ, lớn lên thì thêm những bài học về phận làm người, biết sống để ngửa mặt lên được với làng với nước, biết phù trợ người trên biết nâng niu kẻ dưới, thấy người khác thành công thì không ghen tị mà biết học cách cho mình thành danh, thấy kẻ khốn khó sa cơ thì đừng dè bỉu coi thường mà cần chia sẻ giúp đỡ để thành nhân…

Bà bồi đắp tâm hồn tình cảm đằm thắm cho ta qua lời ru, tiếng hát, câu thơ, dạy ta biết vặn nhỏ ngọn đèn khi khua khoắt và biết nhóm bếp lúc hừng đông đón ngày mới đến… Rồi anh chị em ta quây quần gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau...

Mái nhà Việt là nơi lưu giữ, nơi chuyển tiếp và truyền cho nhiều thế hệ nối theo nhau cái hồn vía vàvăn hóangười Việt. Mỗi chúng ta nhận từ thế hệ đi trước những căn cốt từ ngôi nhà của cha mẹ, rồi từ đó biết cách làm giàu có thêm những hành trang đời mình, làm ra ngôi nhà của mình, và lại tiếp nối trao lại cho những đứa con những gì mình nhận từ các thế hệ trước, có thêm vào những giá trị mới mà đời mình trải nghiệm, trong ngôi nhà của mình. Nhà của các con ta thời thơ bé...

Còn gì tuyệt vời hơn là được sống với niềm đam mê của mình, mỗi sáng tưới hoa thưởng trà, tối về ngắm nhìn đom đóm lung linh yên bình giữa không gian xanh ngát.

Còn gì tuyệt vời hơn là được sống với niềm đam mê của mình, mỗi sáng tưới hoa thưởng trà, tối về ngắm nhìn đom đóm lung linh yên bình giữa không gian xanh ngát.

Mỗi một con người có bao nhiêu nơi chốn để gắn bó, nhưng nhà của mình là nơi quan trọng, thiêng liêng và gần gũi nhất. Về nhà của mình là về lại với bản thể đích thực nhất của mình, trút bỏ mọi xiêm y xã hội để thơ thới sống đúng với con người mình nhất.

Mái nhà Việt là một không gian có tính tiếp biến. Ta có thể tìm thấy nhiều tương đồng với ngôi nhà của ta trong các ngôi nhà của người Việt khác. Nhưng cũng chỉ về nhà của mình, ta mới thấy những riêng biệt dành cho chính mình, dù có bao nhiêu nơi chốn sẵn sàng đón ta như chủ nhân thực sự...

Hai

Có nhiều cách để đánh giá một cuộc sống hạnh phúc. Cách mà nhiều người tán đồng nhất là phải có một nơi chốn làm việc ưng ý để có thu nhập và khi hết công việc thì hào hứng trở về sống trong ngôi nhà của mình với những người thân đang chờ đợi.

Một con người có sự nghiệp, tên tuổi, nhiều tiền của nhưng không hào hứng về nhà, không có cuộc sống gia đìnhthì chắc chắn kém hạnh phúc so với người bình thường, có công việc, có thu nhập và cuộc sống gia đình viên mãn. Chỉ cần nhìn cái cách trở về nhà của ai đó là ta nhận biết được con người ấy có hạnh phúc hay không?

Hội đồng Giám khảo Cuộc thi

Hội đồng Giám khảo Cuộc thi "Nơi Tôi Sống".

Vậy hãy sống làm sao để cho ta thật thanh thản khi về nhà của mình. Ngày giỗ, Tết, thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên hay khi chia sẻ với con cái những tâm tình, mà không hổ thẹn.

Và xã hội ưu việt là phải có trách nhiệm cao nhất chăm lo cho mỗi cá nhân làm được điều này.

Có nhiều khi, trên đường công tác, mưu sinh, ta phải đi rất xa. Mái nhà nhỏ bé và ấm áp là nơi ta thường xuyên hướng về.

Tôi đã từng đứng ở trại tị nạn nơi sa mạc hun hút gió lạnh vùng Tunisia sát biên giới Libya khi cuộc chiến sắp nổ ra. Hàng trăm ngàn người các quốc gia khi ấy chỉ có một mong muốn cháy bỏng là nhanh được về lại nhà của mình. Mấy quốc gia giàu có cho máy bay hay thuê ngay tàu biển để đưa người về.

Việt Nam chưa giàu nhưng vẫn lập cầu hàng không đưa hơn một vạn lao động về nước an toàn trong khi vẫn còn gần mười vạn người khác vẫn màn trời chiếu đất chờ đợi sựhỗ trợcủa quốc tế, không biết lúc nào thì mới được về.

Có người nước ngoài chứng kiến cảnh về nhà của lao động Việt Nam đã thốt lên: “Tôi muốn là người Việt Nam. Các bạn là một quốc gia hạnh phúc”. Khi ngồi trên máy bay, tôi nghe tiếng người reo vui: “Được về nhà rồi! Chúng ta thật hạnh phúc”.

Không phải bất cứ ai cũng có một ngôi nhà che chở khi tấm bé hay lúc sa cơ lỡ bước. Còn nhiều người thiệt thòi do hoàn cảnh, do số phận, không được hưởng những điều đã trở nên bình dị với mọi người.

Và xã hội của chúng ta đang cố gắng bù đắp, tìm những mái nhà thay thế, gia đình thay thế và chăm lo cuộc sống cho họ, giúp họ có cuộc sống như chúng ta và đi cùng chúng ta.

Mái nhà Việt còn là một biểu tượng của tiến bộ xã hội.