04/12/2024 | 00:50 GMT+7, Hà Nội

“Tín dụng đen” diễn biến phức tạp, công tác quản lý còn nhiều bất cập

Cập nhật lúc: 21/05/2019, 06:01

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hoạt động “tín dụng đen” thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy, trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập.

Sáng ngày 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Nền kinh tế duy trì trạng thái tích cực

Về tình hình triển khai thực hiện trong các tháng đầu năm 2019, Ủy ban Kinh tế đánh giá, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ đã tích cực triển khai cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, đề án cụ thể, nhờ đó 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát... Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: "Tình hình sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu chững lại, một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này; việc thiếu các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia; việc tham gia của doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới còn rất thấp".

Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi; thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm ở một số khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống; công tác dự báo cung, cầu còn bất cập.

"Tín dụng đen" vẫn lộng hành

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ sự lo ngại khi hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, toàn quốc đã có 7.624 vụ án liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ huỷ hoại tài sản…

Trong đó có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền. Hiện nay lực lượng Cảnh sát hình sự đang theo dõi 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.

Hoạt động "tín dụng đen" vẫn diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua.

Trước thực trạng đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất cần triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”. Trong đó, sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đặc biệt cần kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.

Năm 2019: Năm quan trọng để bứt phá

Trong những tháng còn lại của năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Ủy ban Kinh tế cho biết: Cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh 3 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019.

Đó là: Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát để tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế; và đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật, trường hợp có vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các luật, sớm báo cáo để Quốc hội xem xét.

Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý. Khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần sớm đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp; có giải pháp quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế. Quản lý tồn ngân Kho bạc Nhà nước và có cơ chế sử dụng số vốn nhàn rỗi này. Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020"./.

Tố Uyên